Ngôi chùa hoang sơ 'hồi sinh' dưới bàn tay Ni sư thiện tâm

Chùa Điền nằm khiêm nhường trong xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Trụ trì chùa là một Ni sư cũng rất khiêm nhường, ít nói và đôn hậu - Ni sư Thích Đàm Muộn - người đã gắn bó hơn 30 năm với ngôi chùa, từ thời nhà chùa vách trấu nghèo nàn đến tường gạch khang trang, rộng rãi như hôm nay.

Tường đất, rào duối thành chùa khang trang

Bà Trần Thị Hà là người Thượng Hiệp, Tam Hiệp. Bà về làm dâu gần chùa Điền từ năm 1984, một ngôi chùa nghèo xác xơ nằm giữa lòng khu dân cư cụm 6 xã Tam Hiệp. Bà là một trong những người tận mắt chứng kiến 30 năm đời tu khổ hạnh của Ni sư Thích Đàm Muộn. Bà Hà nhớ lắm cái thời khốn khó cách đây hơn 30 năm, Ni sư Thích Đàm Muộn mới chân ướt chân ráo về chùa Điền tu tập.

“Ni sư lẻ bóng trong ngôi chùa vách trấu, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, tôi thường xuyên lui đến chùa cho rộn tiếng người. Ngày ấy, hàng rào hàng dậu quanh chùa là dãy duối rô, thầy phải dẫm bùn để đắp tường cho kín; nhưng cứ qua vài trận mưa tường lại đổ, thầy lại phải kì công dẫm bùn đắp tiếp. Ni sư hồi đó khổ lắm, một mình cặm cụi nuôi thầy bị ngã liệt giường. Mãi đến năm 1992 thì thầy mất, thầy mất vài năm sau chùa vẫn hoang vu, xơ xác. Ni sư suốt ngày chỉ áo nâu quần gụ, tần tảo cấy ruộng như người dân trong vùng” – bà Hà nhớ lại. Bây giờ, khi 2 con trai bà đã trưởng thành, một tay bà bế 2 đứa cháu, bà Hà vẫn rảo bước lên chùa đều đặn mỗi ngày. Lên chùa trở thành thói quen hàng ngày của bà.

Ni sư Thích Đàm Muộn và sư bác Tâm Hiền trước ngôi chùa khang trang

Gặp khách vãng lai hay người dân quen thuộc trong vùng, lúc nào Ni sư Thích Đàm Muộn cũng nở nụ cười đôn hậu, từ tốn trò chuyện. Ni sư kể: “Năm 1985, thầy về chùa tu, cảnh chùa hoang vu xơ xác, cuộc sống rất nhiều khó khăn. Thầy phải cấy ruộng lấy gạo thổi cơm. Khi lấy rau dại ở hàng rào nấu canh, khi kiếm bẹ chuối khô làm củi đun… Mùa nào thức ấy, thầy trò rau cháo nuôi nhau, thậm chí, có lúc túng quá, thầy phải vay nặng lãi lấy tiền nuôi sư thầy…”.

Khốn khó là vậy, nhưng sau 30 năm, Ni sư vẫn luôn vững niềm tin để phụng đạo, yêu nước, đi suốt đoạn đường tu hành với tâm thế: “Tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến”. Từ những ngày đầu bước vào đời tu khổ hạnh, Ni sư giờ đã bước những bước vững chãi vào nền tảng giáo lý của đức Như Lai, rèn luyện cái Tâm Bồ tát, cùng nhân dân gây dựng ngôi chùa khang trang ngay giữa làng.

Những cao niên trong làng đều kể, từ một ngôi chùa hoang sơ, tường bùn trát trấu, chùa Điền dần “thay da đổi thịt” bởi những nỗ lực không mệt mỏi của Ni sư. Sau khi sư phụ mất năm 1992, Ni sư giáo hóa nhân dân và phật tử, kêu gọi từ thiện sửa sang lại chùa vào năm 1999. Đến năm 2003, nhà thờ tổ xây bằng bùn trấu chỉ trực đổ sập cũng được thầy và nhân dân trong vùng đóng góp, cùng nhau xây dựng lại khang trang. Rồi mỗi năm gom góp tiền, Ni sư Thích Đàm Muộn lại bỏ chút vốn chỉnh trang, làm lại khuân viên chùa khang trang đến ngày nay.

Bà Nguyễn Thị Túc - cụm 6, xã Tam Hiệp vừa đon đả rót nước mời khách vừa nói: “Nhân dân ở đây quý mến Ni sư Thích Đàm Muộn lắm. Ni sư hiền lành, đôn hậu, đệ tử đến đông, những ngày tụng kinh hôm rằm, mùng Một… có đến trăm người về chùa, vãi trẻ cũng đông lắm”.

“Có hiểu mới thương”

Trải qua chặng đường bao khó khăn, thử thách trong nghiệp tu, Ni sư Thích Đàm Muộn lúc nào cũng khiêm tốn, nếu không nhờ có sự hộ trì của chư Phật, của những nhân duyên lành… thì thầy không có được ngày hôm nay, được sống trong đạo Phật – một trong những gia tài tâm linh của nhân loại.

Với tấm lòng bao dung, thương người, gần gũi với mọi người, Ni sư Thích Đàm Muộn lúc nào cũng được người dân trong vùng quý mến. Những ai chứng kiến đời tu khổ hạnh, nghèo khổ của Ni sư lại càng trân quý con người thầy. Bà Trần Thị Thuận – tổ trưởng tổ các vãi chùa Điền chia sẻ, ai đã từng gặp thầy đều rất quý thầy, Phật tử đến chùa ai cũng thương thầy.

Người dân quanh vùng thường xuyên lui đến chùa lúc nhàn rỗi

Cũng từ lâu, chùa Điền trở thành điểm đến bình yên của người dân trong vùng mỗi ngày mùng Một, hôm Rằm, ngày hội làng, ngày tết thiếu nhi, Tết Nguyên đán… Làng có hội hè gì là chùa cũng rộn chân người đến. Trong chùa có sư bác Tâm Hiền yêu trẻ, nhiệt huyết, có tài dạy các cháu múa hát khi làng có việc. Những lúc ấy, chùa vang tiếng hát trong veo, tiếng cười nói ríu rít. Ni sư Thích Đàm Muộn hạnh phúc đứng nhìn những em nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn nô đùa trong sân gạch, dưới bóng cây mát rượi ca hát. Những ánh mất hồn nhiên, những nụ cười đong đầy khiến khuôn viên ngôi chùa yên tĩnh bừng sáng. Đạo và Đời gắn bó không rời.

Với những đóng góp không nhỏ của mình, năm 2012, Ni sư Thích Đàm Muộn được huyện Phúc Thọ tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong phong trào phụng đạo yêu nước. Đến cuối tháng 12/2017, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 8, sư nữ Thích Đàm Muộn được nhận Giáo chỉ tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni sư tại tổ đình Viên Minh, do Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng.

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giai-tri/ngoi-chua-hoang-so-hoi-sinh-duoi-ban-tay-ni-su-thien-tam-74583.html