Ngôi đình liên quan đại thi hào Nguyễn Du: Gian nan 'đường về quê'

Xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) vừa có tờ trình gửi ngành chức năng Hà Tĩnh về việc xin lấy lại đình Chợ Trổ ở Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân) từ 55 năm trước để tôn tạo.

Đình Chợ Trổ còn nguyên vẹn khi nằm trong Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh tư liệu

Đây là nguyện vọng của nhân dân địa phương sau nhiều năm cho “mượn”. Thế nhưng, nguyện vọng chính đáng này vấp phải nhiều khó khăn về tiền và thủ tục.

Tiền tỷ để “xin lại hồn cốt làng”

Theo tờ trình, đình Chợ Trổ được các bậc tiền nhân xã Đức Nhân (sau gộp với xã Bùi Xã, Đức La thành xã Bùi La Nhân ngày nay) xây dựng vào năm 1760. Đình là biểu tượng văn hóa tâm linh, là nơi thờ thành Hoàng làng của xã.

Thế nhưng, vào năm 1965, nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Sở VH,TT&DL đã “mượn” đình Chợ Trổ về dựng trong khuôn viên Khu lưu niệm Nguyễn Du để trưng bày một số hiện vật lưu niệm.

Thời điểm đó tỉnh còn khó khăn, các công trình kiến trúc từ thời Nguyễn Du còn lại cũng hiếm hoi. Cán bộ văn hóa tỉnh đi tìm khắp nơi và phát hiện đình Chợ Trổ có những điều kiện hoàn toàn phù hợp.

Theo yêu cầu của các ban ngành cấp tỉnh lúc đó, đình Chợ Trổ chuyển về xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân) để làm nơi tưởng niệm, trưng bày một số hình ảnh đại thi hào Nguyễn Du dưới hình thức “cho mượn”.

Nửa thế kỷ đã qua, khu lưu niệm được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt và được quy hoạch mới. Đình Chợ Trổ không còn vai trò nhà trưng bày, nhưng vẫn không được đưa về “quê cũ”.

Xã Bùi La Nhân cho rằng, vì điều kiện lịch sử trước đây tỉnh còn khó khăn nên mới đồng ý “cho mượn” đình. Nay cơ sở vật chất hạ tầng của Khu di tích đã được Nhà nước đầu tư xây dựng đầy đủ.

Nên thể theo nguyện vọng của người dân, xã gửi tờ trình đề nghị các sở, ngành xem xét hoàn trả đình Chợ Trổ. Để địa phương tiếp tục có nơi thờ tự và duy trì các bản sắc văn hóa tâm linh.

Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết, năm 2015, khi có quyết định cho phép tu bổ, tôn tạo Khu Di tích Nguyễn Du, chính quyền xã Đức Nhân cũng đã xin lấy lại đình Chợ Trổ nhưng không được ngành chức năng Hà Tĩnh chấp nhận.

Dù các ý kiến đều được ủng hộ, nhưng khẳng định: Xã phải lo tài chính. Con số ước tính lên đến tiền tỷ khiến xã “giật mình” vì không biết lấy tiền từ đâu ra. Đó là còn chưa kể các chi phí tu bổ, bảo tồn cho ngôi đình cổ. Các thủ tục về giấy tờ phải gửi lên các cấp Trung ương... Nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ toàn diện từ cấp trên thì xã “bó tay”. Tâm nguyện của xã vẫn dở dang từ đó đến nay.

Nếu muốn “hồi hương” phải trình Thủ tướng

Đình đã bị tháo dỡ. Ảnh tư liệu.

Trước đây, chủ đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du là Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh. Nay việc triển khai dự án đã chuyển đơn vị khác. Hành trình “xin lại” ngôi đình của xã Bùi La Nhân một lần nữa được xem xét lại từ đầu.

“Sở từng tham gia trực tiếp quá trình quy hoạch. Năm 2012, khu lưu niệm được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Năm 2013, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh chỉ đạo Sở lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo khu lưu niệm. Vì là di tích cấp quốc gia đặc biệt nên quy trình lập, thẩm định phê duyệt rất chặt chẽ, kéo dài gần 3 năm. Trong quá trình này, xã Đức Nhân (cũ) đã gửi tờ trình xin lại đình. Có ít nhất hai lần việc này được đưa ra họp bàn” – một cán bộ Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh cho hay.

Do ngôi đình vốn không phù hợp quy hoạch mới nên cơ quan chuyên môn Hà Tĩnh rất ủng hộ xã. Trong buổi làm việc năm 2014, Sở đã trả lời rõ quan điểm và khuyến cáo địa phương cần chuẩn bị lượng tiền nhất định vì ngân sách tỉnh không cho phép bỏ ra để thực hiện việc di dời.

Ngôi đình đã rất cổ xưa, sau khi hạ giải cần trùng tu ngay mới bảo tồn được. Lúc này, phía xã khẳng định “tiền tỷ thì thôi, xã không có tiền đưa về”. Từ đó, ngành Văn hóa Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện phương án quy hoạch mới, không tính đến chuyện đưa đình về “quê cũ”.

Theo quy hoạch này, đình Chợ Trổ sẽ được đưa về vị trí đình xã (hay còn gọi đình Tiên) nằm trong Khu lưu niệm Nguyễn Du. Vị trí này được xác định qua nhiều cứ liệu lịch sử, vốn là nơi đặt ngôi đình của xã Tiên Điền. Hồ sơ dự án muốn khôi phục đình xã nên đã quy hoạch di dời đình Chợ Trổ về vị trí này và tôn tạo thành đình xã. Ý tưởng này do đơn vị tư vấn trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch và trên cơ sở ý kiến tư vấn nhiều nhà chuyên môn.

Theo vị cán bộ này, đây là một quy hoạch đặc thù, rất khó về chuyên môn. Hội đồng thẩm định toàn các chuyên gia hàng đầu về di sản. Họp thẩm định đến 3 lần rồi Bộ VH,TT&DL mới trình Thủ tướng phê duyệt vào năm 2015.

Trong Quyết định số 2169/QĐ-TTg ngày 3/12/2015, tại mục 2: Phân vùng chức năng điểm a vùng bảo tồn, phát huy giá trị di tích có ghi rõ “di chuyển đình Chợ Trổ về vị trí đình xã và tu bổ, tôn tạo đình”. Thủ tướng đã ra Quyết định như vậy, nên nay nếu muốn “hồi hương” đình Chợ Trổ, sự việc cũng sẽ phải buộc trình Thủ tướng quyết.

Ông Nguyễn Cảnh Thụy – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh cho rằng: Khi lập dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích Nguyễn Du, Bộ VH,TT&DL và Bộ Xây dựng thẩm định trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt. Bởi vậy, nay đặt vấn đề trả đình Chợ Trổ về cho xã Bùi La Nhân Sở VH,TT&DL không có ý kiến trái với Bộ nữa.

Xét về tình, người Bùi La Nhân không đồng ý với quy hoạch do ngành văn hóa Hà Tĩnh lập ra hồi năm 2015: “Nó vốn là đình làng của xã Tiên Điền. Khi Nhà nước không cần đình Chợ Trổ phục vụ Khu lưu niệm Nguyễn Du nữa thì phải đưa về nơi cũ là Bùi La Nhân”, một người dân địa phương cho hay.

Thay tên đổi chủ cho… đình!

Một trong những vấn đề “nóng” nhất là ngôi đình đã bị tháo dỡ, chuẩn bị di dời để phục dựng thành đình Xã (đình Tiên, một ngôi đình nay chỉ còn phế tích của làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân được xác định vị trí cũng nằm trong Khu lưu niệm Nguyễn Du).

Trong Quyết định 1264 ngày 6/5/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đầu tư xây dựng công trình Khu lưu niệm Nguyễn Du, đã ghi rõ: “Đình Xã (đình Tiên) là phế tích và không có ảnh tư liệu, phương án cải tạo là di chuyển và phục hồi đình Chợ Trổ thành đình xã”.

Dù quyết định này triển khai dựa theo quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du (được Thủ tướng phê duyệt tại QĐ 2169 ngày 3/12/2015), nhưng vẫn làm bùng nổ tranh cãi.

Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban Quản lý Khu lưu niệm Nguyễn Du thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình, không thể “thay tên đổi chủ” một ngôi đình có bề dày văn hóa, lịch sử như vậy.

“Theo quan điểm tín ngưỡng văn hóa dân gian, đình làng nào thờ thành hoàng làng đó, “đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Ngôi đình gắn chặt với thiết chế văn hóa làng “cây đa, bến nước, sân đình”, do yếu tố lịch sử trong từng thời kỳ mới chuyển đổi vị trí, vai trò của ngôi đình Chợ Trổ. Nay cần điều chỉnh, chuyển đổi trường hợp này cho hợp lý” – ông Khoa nhấn mạnh.

Nhìn lại 55 năm đình Chợ Trổ rời quê hương “sống” trong Khu lưu niệm Nguyễn Du, ông Khoa nhận định: Ngôi đình đã “hoàn thành nhiệm vụ văn hóa”.

Chứng kiến ngôi đình 260 năm tuổi đang phơi mình chờ phán quyết của cơ quan quản lý, ông Khoa không khỏi băn khoăn. Trong nhiều cuộc làm việc những năm trước, chính ông đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cần đưa đình về quê cũ để địa phương phục dựng văn hóa làng. Nay xã Bùi La Nhân lên tiếng, ông hy vọng lần này sẽ tìm ra cách giải quyết thấu đáo.

Ông Bùi Đức Hạnh, nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh nêu quan điểm, “xã Bùi La Nhân có nguyện vọng xin lại đình là chính đáng, tỉnh nên xem xét một phần kinh phí. Một công trình văn hóa tâm linh nơi này lại đưa sang làm đình nơi khác là không được. Làm văn hóa cần tôn trọng cộng đồng. Đình Chợ Trổ nếu đưa về quê chắc chắn sẽ được xếp hạng như một di tích kiến trúc độc lập vì chạm trổ rồng bay phượng múa rất đẹp, chứa đựng nhiều giá trị”.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhà giáo Nguyễn Trung Tuyến, hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, cho rằng: “Khi đưa đình Chợ Trổ về Khu lưu niệm Nguyễn Du thì không còn nguyên nghĩa là đình thờ thành hoàng nữa mà trở thành nhà lưu niệm.

Tại sao lại “đòi về” sau hơn 55 năm ngôi đình trải qua mưa bom, bão đạn gắn bó với nơi đây? Cũng không thể đưa đình Chợ Trổ phục dựng thành đình Tiên. Không thể bạ thế nào làm thế đó. Cần chọn nơi hợp phong thủy trong khu lưu niệm để phục dựng lại và giới thiệu là: “Nhà lưu niệm cũ, nguyên là đình Chợ Trổ ở làng Đức Nhân”.

Trên thực tế, nhiều công trình kiến trúc có tuổi đời 200 - 300 năm như đình Chợ Trổ gần như đã hư hỏng hoàn toàn nếu không được tu bổ đúng quy trình. Cũng là cái duyên khi đình Chợ Trổ được trưng dụng đi “làm nhiệm vụ văn hóa” trong khu lưu niệm Nguyễn Du nên mới tồn tại đến bây giờ. Tuy nhiên, khi một cộng đồng dân cư đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng một cách chính đáng, ngành chức năng Hà Tĩnh cần xem xét giải quyết thấu đáo, tránh để dư luận tranh cãi không hay.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ngoi-dinh-lien-quan-dai-thi-hao-nguyen-du-gian-nan-duong-ve-que-20200329183112926.html