Ngôi làng chỉ toàn phụ nữ tại Syria

Làng Jinwar, trong tiếng Kurd nghĩa là 'vùng đất phụ nữ'. Nơi này chào đón mọi phụ nữ và trẻ em Syria đến sinh sống. Đây cũng là nơi mà họ mơ ước một cuộc đời mới, với tự do, dân chủ.

Tại làng Jinwar, ngôi làng dành cho phụ nữ ở Syria, mọi người đều tham gia vào các công việc chung

Tại làng Jinwar, ngôi làng dành cho phụ nữ ở Syria, mọi người đều tham gia vào các công việc chung

"Làng Jinwar chính là lời đáp trả tới mọi định kiến nhằm vào phụ nữ, vốn coi chúng tôi chỉ là nô lệ", chị Fatma Emin, một cư dân của ngôi làng đặc biệt, chỉ toàn phụ nữ này trả lời CNN qua điện thoại. "Tại đây, phụ nữ có thể xây nhà. Cư dân chúng tôi không chỉ có phụ nữ Kurd, mà còn có phụ nữ Arab, Yazidi và những người bạn quốc tế chung sống với chúng tôi", người phụ nữ có chồng thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Syria, bởi một quả mìn do IS gài lại. Kể từ đây, cuộc đời chị Emin đã trải qua nhiều sóng gió, mà việc thành lập làng Jinwar chính là bước ngoặt.

Chị Fatma Emin hiện là một bà mẹ đơn thân, không hề nhận bất cứ sự hỗ trợ nào từ gia đình nhà chồng

Được biết, sau khi chồng mất, người phụ nữ 35 tuổi đã phải giành quyền nuôi 6 đứa con, bởi gia đình nhà chồng quyết giành quyền nuôi các con của chị. Họ không muốn chị làm việc, bắt chị phỉa ở nhà nuôi dậy con cái. Chị cho rằng, gia đình chồng coi chị và các con như gánh nặng, và không ai muốn chìa tay ra giúp đỡ chị. Trong bối cảnh khó khăn ấy, chị đã nhận được sự giúp đỡ từ tổ chức của những người phụ nữ Kurd, và đã chuyển đến làng Jinwar, nằm ở phía bắc Syria, do những người phụ nữ Kurd xây dựng từ hai năm trước.

Những ngôi nhà màu nâu, mái nhà tam giác, được làm bằng gạch thủ công, trông rất sạch sẽ và khô ráo. Bên trong ngôi nhà được trang trí, sơn sửa cẩn thận để phù hơp với cuộc sống của các gia đình sinh sống. Hiện nay, làng Jinwar đang có 16 phụ nữ và 32 trẻ em sinh sống.

Mặc dù là ngôi làng dành cho phụ nữ, thế nhưng nam giới vẫn được đón tiếp đến đây, nếu họ có thái độ đúng mực với phụ nữ, nhưng họ không thể ở lại qua đêm. Những cư dân đặc biệt của làng làm việc theo phân công ca trực. Họ mang vũ khí để tuần tra qua đêm, nhằm đảm bảo an ninh và ngăn ngừa những kẻ lạ mặt.

Mọi phụ nữ ở làng Jinwar đều tham gia các công việc chung, kể cả nặng nhọc như xây nhà

Một số phụ nữ sinh sống tại đây là nạn nhân bị cưỡng bức, bắt giam, không nhà cửa, có nguy cơ bị IS và các nhóm vũ trang khác sát hại. "Trong hoàn cảnh chiến tranh mà chúng tôi đã trải qua, mọi phụ nữ đều phải chịu đựng những nỗi đau. Mọi người đều đau đớn, mất mát. Jinwar đã đoàn kết tất cả chúng tôi", chị Emin chia sẻ.

Hai năm trước, Jinwar chỉ là một vùng đất bị bỏ hoang. Sau một năm lên kế hoạch, các tổ chức của phụ nữ Kurd, như Kongreya Star hay Quỹ Phụ nữ Tự do Rojava đã bắt đầu xây dựng ngôi làng cho phụ nữ tại đây, từ năm 2017. Các tổ chức này phối hợp cùng các tổ chức trong và ngoài nước khác, tiếp tục ủng hộ và gây quỹ cho làng Jinwar. Ngôi làng đã được khánh thành vào ngày 25/11/2018.

Tại làng Jinwar, có hội đồng lãnh đạo do các cư dân nữ bầu ra mỗi tháng một lần. Những người phụ nữ đã cùng chung tay xây dựng một không gian xanh và bền vững, bằng cách sử dụng các viên gạch thủ công. Họ đã xây 30 ngôi nhà, một cửa hàng và một tiệm bánh, là nơi họ bán bánh mì và các sản phẩm thủ công cho nhau, cũng như cho các làng lân cận.

Ngôi làng cũng có một mảnh đất để chăn gia súc và trồng trọt. Bệnh viện cũng có tại đây, mà một số phụ nữ được huấn luyện các kỹ năng y tế, song vẫn còn thiếu nhiều thiết bị để trở thành một bệnh viện hoàn chỉnh.

Trẻ em lớn lên tại làng Jinwar có thể lựa chọn sinh sống tiếp ở đây hay tại các ngôi làng khác. Các em trai vẫn được sinh sống tại làng, bởi chúng mang những "giá trị" của làng Jinwar. Các em sẽ rời làng để đi học tiếp, bởi hiện tại, trường làng chỉ dạy đến lớp 6. Đáng chú ý, phụ nữ trong làng được học tiếng Anh, được hỗ trợ tiếp tục theo đuổi con đường học vấn lên cao.

Những người phụ nữ tại Jinwar cho biết, họ muốn thay đổi định kiến rằng phụ nữ chỉ đơn thuần là nạn nhân của tôn giáo và bạo lực. Họ muốn lập nên hình ảnh người phụ nữ tự do và độc lập. Mặc dù ở nhiều nơi tại Syria, tôn giáo là lực lượng lãnh đạo, song không phải ở tất cả mọi nơi.

Văn hóa Syria bao gồm các giá trị dân tộc, tôn giáo đa dạng, thay đổi từ truyền thống cho đến hiện đại, tự do. Những người phụ nữ như chị Emin mong muốn làng Jinwar sẽ là nơi đủ sức thách thức những định kiến bảo thủ, áp đặt của tôn giáo nhằm vào họ.

Phục Hưng

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/ngoi-lang-chi-toan-phu-nu-tai-syria-1411733.tpo