Ngôi làng quanh năm đều là Tết

Với các gia đình ở hầu hết các làng quê Việt Nam, việc gói bánh chưng truyền thống chỉ diễn ra trong dịp Tết. Khi các nhà ngâm gạo gói bánh, nổi lửa nấu bánh chưng nghĩa là Tết đến, xuân về. Riêng ở làng nghề bánh chưng truyền thống Bờ Đậu (thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) thì nhà nào cũng tấp nập với việc ngâm gạo nếp, ngâm đỗ, rửa lá, căn bếp quanh năm đỏ lửa ninh nấu bánh chưng. Người ta gọi đây là ngôi làng quanh năm đều là Tết.

Bánh chưng Bờ Đậu

Bánh chưng Bờ Đậu

Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 8km, làng Bờ Đậu nổi tiếng với đặc sản bánh chưng. Đặc biệt khu vực ngã ba Bờ Đậu - nơi trung chuyển nối tuyến quốc lộ 3 và 37 với trục đường Tuyên Quang - Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Yên Bái thì cả một dãy phố dài gần 3km lúc nào cũng tấp nập với việc giao thương, mua bán bánh chưng truyền thống cho du khách qua lại khu vực này.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Liên - Trưởng ban làng nghề xã Cổ Lũng thì bánh chưng Bờ Đậu có lịch sử từ những năm 1960. Người đầu tiên làm bánh là cụ Nguyễn Thị Đấng. Ngày ấy, quán bánh của cụ nằm đơn sơ dưới gốc cây phượng thuộc xóm Bò Đậu nhưng lúc nào cũng đông khách. Khách đến ăn tấm tắc khen ngon. Nhờ bán bánh, cụ nuôi được cả gia đình và lo cho 6 người con ăn học trưởng thành. Khi về già, cụ truyền lại nghề cho các con cháu duy trì và phát triển.

“Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, đói nghèo, người dân chỉ gói bánh chưng vào dịp Tết để thờ cúng ông bà, tổ tiên. Trải qua thời gian, thấy nghề làm bánh đem lại cuộc sống sung túc hơn, người nọ học người kia làm bánh rồi đem bán, từ đấy nghề làm bánh chưng được nhân rộng ra cả làng. Tính riêng tại xóm 9, xã Cổ Lũng, hơn 1.000 nhân khẩu đều theo nghề làm bánh, từ người già cho đến trẻ nhỏ”, bà Liên chia sẻ.

Nói về đặc sản của địa phương, ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Bánh chưng Bờ Đậu là cách gọi biến thể của Bò Đậu. Chuyện xưa kể rằng, có một ông cụ đi bán bò thường xuyên buộc bò vào đống guốc (cọc) ven đường. Nơi đó có rất nhiều bò nằm nên gọi là làng Bò Đậu. Về sau, người dân biến thể và đổi thành làng Bờ Đậu. Làng nghề bánh chưng cũng gắn liền với tích đó.

Về Bờ Đậu vào những ngày tháng Chạp âm lịch, chúng tôi cảm nhận rõ không khí Tết đang rộn rã, thậm chí sôi sục trong từng thôn xóm, trong không khí vui tươi rộn rã của lòng người. Hầu hết các gia đình ở Bờ Đậu đều làm bánh nên đến nhà nào cũng thấy già trẻ gái trai đều được phân công làm bánh để đáp ứng nhu cầu cung ứng bánh cho thực khách những ngày Tết. Trẻ con thì gấp lá, lau lá, người lớn thì lấy nước, luộc bánh, phụ nữ thái thịt, đãi gạo, cụ già luộc bánh. Khắp hang cùng ngõ hẻm đều sực nức mùi thơm đậm đà của hương vị bánh chưng.

Điều đặc biệt là bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà gói thủ công bằng tay. Nhìn những chiếc bánh chắc nịch, vuông vức vừa bảo đảm chất lượng vừa đẹp mắt mới thấy sự tâm huyết và lãnh nghề của các nghệ nhân làng bánh. Theo một nghệ nhân gia đình có 3 đời làm bánh chưng, việc gói bằng tay sẽ có thể điều chỉnh cho chiếc bánh thật chặt, vuông đều 4 cạnh bằng nhau, khi cho vào luộc không hề bị méo mó, căng phồng, chiếc nào chiếc nấy đều vuông thành sắc cạnh.

Bánh chưng Bờ Đậu được gói từ những nguyên liệu thuộc hàng đặc sản. Gạo nếp mua ở vùng núi rừng Định Hóa (Thái Nguyên), hạt gạo mẩy tròn, trắng tinh, sau khi đãi lọc qua ba lần nước rồi để ráo. Đậu làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên. Nhân bánh được làm bằng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu bắc và được gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng, được đưa về từ núi rừng Na Rì, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh. Bánh được đun từ 8 – 10 tiếng, khi nước cạn phải chan thêm nước để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài. Đặc biệt, nước luộc bánh chưng được lấy từ suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là nước “giếng tiên” tạo nên một vị riêng biệt, độc đáo của bánh so với các tỉnh, thành khác. Dân gian truyền rằng ăn bánh chưng nấu bằng nước giếng tiên không chỉ ngon miệng mà còn truyền cho thực khách sức khỏe và sự may mắn.

Nghề làm bánh chưng truyền thống của ông cha đã mang lại sự giàu có, ấm no cho biết bao gia đình ở xã Cổ Lũng nói chung, người dân thôn Bờ Đậu nói riêng. Người ta gọi làng Bờ Đậu - xã Cổ Lũng là nơi quanh năm đều là Tết cũng ngầm nói lên sự no đủ, giàu có đó.

Ngân Hà

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/ngoi-lang-quanh-nam-deu-la-tet-316993.html