Ngôi nhà của những mảnh đời nghiệt ngã

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 (BTXHTH ) tỉnh Quảng Trị Trần Văn Thành đau đáu khi nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh được tiếp nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây. Hàng chục trường hợp đều bị thần kinh đặc biệt nặng và mỗi người là một câu chuyện buốt lòng...

Cán bộ Hạnh ân cần chăm sóc một nữ bệnh nhân.

Cán bộ Hạnh ân cần chăm sóc một nữ bệnh nhân.

Người đi trong hoang tưởng

K.-cô gái mới ngoài 20 tuổi, xinh đẹp nhưng mắc bệnh hoang tưởng và được chuyển từ Huế ra điều trị tại Trung tâm BTXHTH 1 tỉnh Quảng Trị được 5 tháng qua. K. được sinh ra tại Đà Nẵng, khi còn đỏ hỏn đã bị mẹ bỏ rơi trước một cơ sở từ thiện. Dịp đó, có đôi vợ chồng hiếm muộn từ Quảng Trị vào Đà Nẵng xin con nuôi. Ngay từ phút đầu thấy K., họ cảm nhận một tình thương yêu dâng tỏa trong lòng và đón K. về trong vòng tay yêu thương vô hạn. Những tưởng suối nguồn hạnh phúc từ gia đình cha mẹ nuôi sẽ bù đắp lại sự thiệt thòi cho K. nhưng khi bước vào năm lớp 11, cô bé xinh xắn được phát hiện mắc bệnh tâm phần phân liệt, thể hoang tưởng. K. luôn mơ gặp và yêu... hoàng tử. K. mơ mộng, sống trong tình yêu cổ tích tưởng tượng... Cha mẹ nuôi đưa em vào Huế chữa trị, đằng đẵng 4 năm trời. Nhưng chính trong quãng thời gian này, giữa vợ chồng họ xảy ra mâu thuẫn phải ly hôn. Sau đó mỗi người đều sớm tìm được hạnh phúc mới, rời nơi ở cũ và ai cũng sinh được con. Vậy là họ quên K. Thế nhưng cô bé tội nghiệp không nhận ra được biến cố đó. Thi thoảng K. vẫn thắc mắc vì sao cha mẹ ít vào thăm? Câu hỏi của cô khiến nhiều y, bác sĩ chăm sóc em nghẹn đắng lòng. Sau khi được chuyển ra Trung tâm BTXHTH 1 tỉnh Quảng Trị, K. được tiếp tục chăm sóc, điều trị chu đáo. Cũng vì gần hơn nên người thân của cha mẹ nuôi về thăm em thường xuyên hơn, khiến bệnh tình của em chuyển biến rõ rệt...

- Đêm qua em ngủ ngon không?

- Dạ ngủ ngon, không còn mơ lung tung nữa-K. ngoan ngoãn trả lời nữ cán bộ y tế Trương Thị Mỹ Hạnh, người trực tiếp chăm sóc em.

...Nhìn ra sân vườn của trung tâm, ông Thành chỉ cho chúng tôi người đàn ông đang lao động trị liệu tuổi trung niên. Anh là N.T.H., 40 tuổi. Nếu không có chiếc áo đồng phục bệnh nhân của trung tâm thật khó tin anh bị tâm thần. Vốn là nông dân chăm chỉ, nhưng một ngày anh H. luôn nghĩ mình đang làm... chủ tịch xã. Anh H. cứ chạy lên trụ sở xã đòi làm chủ tịch. Thời gian sau, H. nghĩ mình làm "đại ca", quậy nát xóm làng, còn lao ra đường chặn xe bắt nộp tiền khiến người đi đường bao phen hết hồn... Còn ông N.T (50 tuổi) thì hoang tưởng lúc nào cũng có người tìm giết mình. Trong một cơn điên loạn, ông dùng vật nhọn tước đoạt mạng sống người vợ tội nghiệp. Khi trung tâm tổ chức đợt tiếp nhận đầu tiên vào tháng 6 - 2018, ông T. có tên trong danh sách...

Một bệnh nhân nam "đòi" Giám đốc Trần Văn Thành "bắt gió" cho mình.

Hồi sinh những cuộc đời

Giữa rất nhiều bệnh nhân ngờ nghệch, cười nói liên hồi, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự khác biệt của B. Gương mặt thanh niên 26 tuổi này cứ buồn rười rượi. Hỏi ra mới hay B. bị mắc thể trầm cảm nặng khi đang học năm thứ 4 ngành điện tử tại Đại học Đà Nẵng. Gia đình B. đã đưa đi chữa trị khắp nơi và được Trung tâm tiếp nhận năm 2018. Sau mấy tháng được chăm sóc, điều trị, người thân B. mừng rơi nước mắt khi thấy B. đã chịu trò chuyện, giao tiếp với nhiều người.

Trở lại câu chuyện của K., Giám đốc Thành cho biết đây là "ca khó" nhưng sau nhiều kiên trì nỗ lực, đội ngũ cán bộ Trung tâm đã đưa K. dần ra khỏi vùng hoang tưởng. Nhiều trường hợp khác ngày đầu vào trung tâm hung dữ, điên loạn, tấn công thương tích cán bộ, nhân viên nhưng qua thời gian được chăm sóc, điều trị, họ đã dần tìm lại sự tỉnh táo. Một số người đã hồi phục được trở về nhà như anh Hồ Văn N. và anh Nguyễn Văn M. (đều ở H.Đakrông). Hiện hai anh đều có thể phụ giúp gia đình lao động, sản xuất, chăn nuôi gia súc. "Vấn đề quan trọng nhất để người bệnh sớm bình phục là không bỏ thuốc và uống đúng giờ, dù ở trung tâm hay về nhà", anh Thành cho biết. So với 1 năm trước khi chúng tôi đến với trung tâm tìm hiểu về công tác chuẩn bị bước vào hoạt động, nay nơi đây đã khoác màu xanh tươi mát. Vào thăm nơi ở của K., của B, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự sạch đẹp, ngăn nắp, càng thấm thía những nỗ lực thầm lặng của đội ngũ cán bộ trung tâm. "Các trường hợp này đều có tâm lý hay làm theo đám đông, nếu một người chăm chỉ, sạch đẹp, người khác cũng làm theo. Nhưng để hướng dẫn được một người làm được cũng gian nan", điều dưỡng Duyên chia sẻ.

Đến quý 2-2019, Trung tâm BTXHTH 1 tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp nhận điều trị cho người nghiện ma túy. Không nói cũng đủ hiểu gian nan cán bộ nơi đây sẽ phải đối mặt nhưng chúng tôi tin tưởng ngôi nhà này sẽ hồi sinh cho nhiều mảnh đời nghiệt ngã.

BẢO HÀ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_203673_ngoi-nha-cua-nhung-manh-doi-nghiet-nga.aspx