Ngôi nhà lưu dấu chân Bác Hồ

Bên dòng Hồng Hà cuộn đỏ phù sa có một ngôi nhà suốt 77 năm qua luôn lưu giữ những ký ức đặc biệt xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà lưu niệm được xây dựng từ năm 1929 cùng cây hoa mộc bên hiên vẫn được gìn giữ gần như nguyên trạng. Ảnh: Bình Thanh

Ngôi nhà lưu niệm được xây dựng từ năm 1929 cùng cây hoa mộc bên hiên vẫn được gìn giữ gần như nguyên trạng. Ảnh: Bình Thanh

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị An làng Phú Gia, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội mang sứ mệnh lịch sử: Được Trung ương Đảng chọn làm nơi đón Bác từ chiến khu Việt Bắc về ở và làm việc trong những ngày đầu tiên tại Hà Nội để chuẩn bị cho Tết Độc lập 2/9.

Nhớ mãi “Cụ già” đôn hậu

Về Phú Gia trong ngày thu lịch sử, chúng tôi được nghe những câu chuyện năm xưa đong đầy niềm yêu kính Bác Hồ từ ông Công Ngọc Dũng – cháu nội chánh tổng làng Phú Gia Công Ngọc Lâm và cụ Nguyễn Thị An, con trai ông Công Ngọc Kha và bà Đoàn Thị Tỵ - những người vốn là chủ nhân của ngôi nhà số 6 ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Chỉ tay vào bộ trường kỷ, ông Công Ngọc Dũng bồi hồi bảo, cùng với chiếc sập gụ, chiếc gương soi, chậu rửa mặt, bể nước hay cây hoa mộc… thì đây là một trong những kỷ vật nhắc nhớ biết bao ký ức về những ngày Bác Hồ đến ở và làm việc tại ngôi nhà này. Những ký ức ấy ông được nghe kể từ bà nội Nguyễn Thị An – người sớm được giác ngộ cách mạng từ đầu năm 1941 và đã dốc sức, dốc lòng ủng hộ kháng chiến, biến ngôi nhà chánh tổng thành cơ sở cách mạng bí mật, an toàn để nuôi giấu cán bộ từ những ngày tiền khởi nghĩa (từ năm 1941 - 1945). Nhất là, những ký ức không thể quên của người cha Công Ngọc Kha – một lão thành cách mạng của Phú Gia, từng là chiến sĩ tự vệ của làng Phú Gia, từng bị tù đày ở Côn Đảo…

Bên bộ trường kỷ Bác Hồ ngồi làm việc năm xưa, ông Công Ngọc Dũng xúc động kể chuyện về Bác. Ảnh: Bình Thanh

“Theo lời bà nội và cha tôi kể lại: Chiều thu 23/8, gia đình bà An bất ngờ đón khách và chỉ được biết đó là đoàn công tác ở chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, sẽ ở lại vài ngày. Với gia đình bà An, kể từ khi bà rồi đến con trai Công Ngọc Kha (1943) được giác ngộ cách mạng đó là nhiệm vụ rất đỗi quan trọng và luôn phải đảm bảo tuyệt đối bí mật và thực hiện thường xuyên.

Thế nhưng, lần này, nghe em gái báo tin, tự vệ Công Ngọc Kha cùng đội trưởng đội tự vệ từ cuộc họp ở xã trở về lại bị ngăn ở cổng, phải chờ mẹ anh - bà An ra đón thì mới được vào nhà. Vừa vào tới nơi, các chiến sĩ tự vệ của làng Phú Gia mới ngoài tuổi đôi mươi ấy đã rất hào hứng đề nghị đoàn công tác kể chuyện “chiến khu” vì với các anh nghe hai tiếng “chiến khu” là nước mắt tuôn trào trong niềm xúc động thiêng liêng. Thế nhưng đồng chí Khánh (tức đồng chí Hoàng Tùng) đã nhẹ nhàng bảo: “Các đồng chí ở chiến khu mới về còn mệt, cần yên tĩnh nghỉ ngơi”.

Sau đó, anh Kha được đồng chí Khánh tiếp tục thông tin trong đoàn công tác có đồng chí thượng cấp từ chiến khu về, sẽ ở lại vài ba ngày vì vậy nhờ gia đình bố trí nấu thêm cơm, chú ý thức ăn tươi thêm một chút. Đồng chí Khánh cũng giao anh Kha vừa trực tiếp gần gũi phục vụ, bảo vệ đồng chí thượng cấp vừa lo bố trí bảo vệ vòng ngoài.

Cổng vào ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ về ở và làm việc ở số 6 ngõ 319 phố An Dương Vương, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh

Vừa nhận nhiệm vụ, anh Kha liền ra ngoài bố trí lực lượng bảo vệ 2 điểm đầu và cuối làng rồi vội trở về nhà. Dưới ánh đèn dầu, anh thấy một ông cụ mặc bộ quần áo chàm, tóc hoa râm, chòm râu thưa, chân đi đôi giày vải của người miền núi đang ngồi ghi chép vào cuốn sổ tay nhỏ đặt trên chiếc bàn kê giữa nhà. Ông cụ có nước da ngăm đen, vóc người gầy yếu, hình như vừa mới qua một trận ốm. Phía sau ông cụ ngồi là chiếc mũ lá, túi công tác nhỏ được đặt trên chiếc sập gỗ cùng cây gậy dựng bên. Ở phía bên phải, mấy đồng chí ngồi trên giường trông trẻ hơn và luôn tỏ ra rất tôn kính ông cụ. “Có lẽ đây là đồng chí thượng cấp”, anh Kha thầm nghĩ.

Anh Kha rón rén pha nước và bước tới mời ông cụ. Ông cụ liền dừng bút và hướng nét mặt tươi cười, hiền hậu cùng ánh nhìn trìu mến hỏi: “Chú là người thế nào với bà cụ ở đây?”. “Dạ là con ạ”, anh Kha đáp. “Gia đình chú có mấy người?” – “Thưa đồng chí, có 4 người ạ: Mẹ tôi, em gái tôi và hai vợ chồng tôi ạ. Tôi còn ông nội, ông tôi ở với anh cả ở nhà bên”. Ông cụ gật đầu rồi lại mải miết với công việc cho đến tận khuya mới đi nghỉ trên chiếc sập gụ kê giữa nhà. Ở phía bên trái là chiếc phản dành cho đồng chí Trần Đăng Ninh. Anh Kha nằm phía ngoài để canh phòng, bảo vệ.

Chiếc gương, cái chậu, Bác Hồ sử dụng trong lần Người về ở và làm việc tại ngôi nhà lưu niệm. Ảnh: Bình Thanh

Sáng hôm sau, dù người còn mệt và yếu nhưng ông cụ vẫn thức dậy rất sớm và đứng bên cái ao nhỏ trước nhà tập thể dục rồi trở lại bàn làm việc miệt mài. Ngoài lúc ngồi nghe các đồng chí từ nội thành về báo cáo tình hình, ông cụ bận suốt ngày, không mấy lúc nghỉ tay. Hàng ngày, bà An trực tiếp nấu cháo để anh Kha mang lên. Ông cụ ngồi ăn cùng các đồng chí trong đoàn công tác và trò chuyện thân mật, tình cảm.

Chiều ngày 25/8, anh Kha đang chuẩn bị món cơm chiều thì thấy ông cụ vẫy tay gọi lại và bảo: “Bây giờ chú đi mời những người trong gia đình vào đây cho tôi nói chuyện”. Khi anh Kha cùng ông nội, mẹ An, anh trai và em gái có mặt, ông cụ thân mật nói: “Tôi về đây với gia đình, được gia đình hết lòng giúp đỡ. Bây giờ tôi phải đi công tác. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình. Tôi chúc gia đình mạnh khỏe, có dịp nào đó tôi sẽ về thăm lại”.

Từ lúc gặp cho đến lúc chia tay, gia đình anh Kha vẫn chỉ biết đây là đoàn cán bộ từ chiến khu Việt Bắc về, trong đó đặc biệt dành tình cảm yêu mến ông cụ có giọng nói ấm áp, đôi mắt sáng, vầng trán cao và nụ cười đôn hậu. Đến ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, gia đình bà An được vinh dự tới Quảng trường Ba Đình dự lễ mít tinh, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hòa cùng cảm xúc hân hoan của cả dân tộc trong ngày Tết Độc lập đầu tiên, gia đình anh Kha đã có những phút giây hồi hộp và không khỏi ngỡ ngàng, ngờ ngợ khi thấy bóng dáng và nhất là khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng: “Đồng bào có nghe rõ tôi nói không?”. Nhưng cảm xúc ấy chỉ có thể nén trong lòng chứ không dám thổ lộ và nhận ông cụ ở nhà mình chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mãi đến khi dự mít tinh xong, đồng chí Khánh mới cho biết đồng chí thượng cấp trong đoàn công tác ở và làm việc tại gia đình bà An chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc ấy, cảm xúc hân hoan, hạnh phúc trong gia đình bà An đã vỡ òa, không có từ nào có thể diễn tả được”.

Bể nước Bác Hồ sử dụng trong lần Người về ở và làm việc tại ngôi nhà lưu niệm. Ảnh: Bình Thanh

“Chúng ta có lòng dân!”

Hướng ánh mắt lấp lánh niềm tự hào và hạnh phúc, ông Dũng tiếp tục sang sảng kể câu chuyện năm xưa mà bà nội và cha ông đã kể cho nghe:

“Đúng như lời hẹn, ngày 24/11/1946, sau khi trở về từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bác Hồ đến thăm gia đình bà An. Dù được báo trước nhưng anh Kha vẫn rất bất ngờ. Lúc đó, anh Kha cùng anh trai đang ngồi lợp lại mái nhà ngang bỗng nghe có tiếng xe ô tô ở ngoài đê, tiếp theo đó là tiếng nói cười ríu rít. Mọi người reo to: “Bác Hồ về!, Bác Hồ về!”. Hai anh em anh Kha liền vội xuống và ra cổng đón Bác. Bác mặc bộ quần áo ka ki màu trắng, trông Bác khỏe hơn, da dẻ hồng hào hơn. Thoáng nhìn thấy anh Kha, Bác đã gọi: “Chú Hai!”.

Vừa đặt chân vào nhà, Bác đã hỏi về cái ao rồi niềm nở trò chuyện với mọi người trong gia đình. Bỗng Bác lại hỏi: “Thế ông cụ đâu nhỉ?”. Anh Kha vội thưa: “Dạ, ông nội cháu ở bên nhà anh cháu ạ”. “Thế chú đi mời ông cụ về đây”. Anh Kha chạy đi mời ông nội (là cụ Công Văn Trường - phó Trường đã làm ngôi nhà 5 gian cho chánh tổng Công Ngọc Lâm – ngôi nhà Bác Hồ ở hồi cuối tháng 8/1945 - PV) về gặp Bác mà trong lòng không khỏi lo lắng. Anh lo vì ông nội của anh là người cổ, phong kiến, nhỡ đâu có những ứng xử không phù hợp thì thật e ngại. Thế nhưng, thật xúc động khi ông nội anh vừa đến bên cây hoa mộc trồng trước hiên nhà và định chắp hai tay vái Bác thì Bác đã chạy đến tươi cười đỡ tay, dìu ông lên và nói: “Không, không! Bây giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em, không còn như chế độ phong kiến thực dân trước đây nữa…”.

Bác Hồ vui vẻ hỏi thăm ông phó Trường sức khỏe, đời sống, rồi giọng Bác chợt trầm xuống: “Thằng Pháp đang chuẩn bị đánh ta, các cụ nghĩ thế nào?”. Ông phó Trường tỏ ra lo lắng: “Báo cáo với Cụ, tôi thấy thằng Pháp có nhiều súng lớn, có xe tăng, tàu bò, có binh lính đông, liệu chúng ta có đánh được không?”. “Thằng Pháp tuy mạnh thật nhưng chúng ta có lòng dân. Nhân dân ta cả nước đoàn kết một lòng, có quyết tâm cao, nhất định chúng ta sẽ đánh thắng chúng”, Bác nói quả quyết. Ông phó Trường liền phấn khởi nói: “Vâng, nếu mọi người làm theo ý Cụ thì nhất định là ta đánh thắng.”

Đến chiều, Bác Hồ nói với anh Kha là Bác muốn gặp một số cán bộ địa phương. Gặp đông đủ các cán bộ địa phương, Bác rất vui và hỏi nhiều chuyện, nhất là chuyện tổ chức đời sống, vệ sinh phòng bệnh, tình hình sản xuất - toàn những chuyện chưa được cán bộ địa phương quan tâm đến khiến nhiều người không khỏi lúng túng, bối rối. Trước khi tạm biệt mọi người, Bác Hồ căn dặn: “Hà Nội ta có nội thành và có ngoại thành. Ngoại thành là vành đai của nội thành. Bác rất chú ý đến Phú Gia. Nay mai giặc Pháp đánh ta. Trước mắt, các chú phải ra sức xây dựng lực lượng về mọi mặt để chuẩn bị đánh Pháp…”.

“Trong lần được đón Bác trở về này, cha tôi đã không ngừng suy ngẫm về cuộc nói chuyện của Bác với cán bộ địa phương. Một lần cha tôi trầm ngâm kể, dần dần ông mới hiểu được ý Bác. Bác muốn nhắc cán bộ địa phương: Có chính quyền rồi phải củng cố và xây dựng chính quyền vững mạnh về mọi mặt. Muốn vậy phải tổ chức đời sống nhân dân, phải đẩy mạnh sản xuất, phải thực hành tiết kiệm, chứ không phải họp cho nhiều, mít tính cho nhiều, diễn thuyết cho nhiều như mọi người vẫn tưởng”, ông Công Ngọc Dũng xúc động kể.

Sau mấy chục năm gìn giữ, năm 1996 ngôi nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc (số 6 ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được dòng họ, gia đình ông Công Ngọc Dũng hiến tặng cho Nhà nước quản lý và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Bảo tàng Hà Nội. Năm 2019, ngôi nhà được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích cấp tỉnh thành phố. Năm 2021, ngôi nhà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia và nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Bác Hồ về ở và làm việc tại ngôi nhà (23/8/1945 – 23/8/2022) UBND quận Tây Hồ đã long trọng tổ chức lễ đón nhận.

Từ năm 2015, gia đình ông Công Ngọc Dũng được UBND quận Tây Hồ giao trông nom, quét dọn và giới thiệu đến khách tham quan. Các hiện vật, kiến trúc ngôi nhà 5 gian được xây dựng từ năm 1929 vẫn còn được giữ gần như nguyên trạng. Ngoài ra, nhiều hiện vật khác như hình ảnh, máy đánh chữ… do Bảo tàng Hà Nội sưu tầm và sách báo, một số hình ảnh… do ông Dũng sưu tầm cũng được trưng bày tại đây.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngoi-nha-luu-dau-chan-bac-ho-post606441.html