Ngôi nhà thứ 2 của sinh viên đến từ đất nước Triệu Voi

Hàng trăm sinh viên đến từ đất nước Lào đang học tập tại thành phố (TP) Đà Nẵng đã có hành trình chinh phục văn hóa Việt Nam nhờ chương trình 'Ở nhà dân'. Với việc được sống tại các gia đình người Việt, cùng sinh hoạt hàng ngày, các sinh viên Lào có thêm hiểu biết về văn hóa, từ đó, trau dồi vốn tiếng Việt để phục vụ cho học tập. Quãng thời gian tuy không dài nhưng đủ để gắn bó, yêu thương, góp phần tô thắm thêm nghĩa tình anh em hai nước Việt - Lào...

Các sinh viên Lào tham gia hành trình văn hóa Việt tại làng chài Nam Ô. Ảnh: Trúc Hà

Các sinh viên Lào tham gia hành trình văn hóa Việt tại làng chài Nam Ô. Ảnh: Trúc Hà

Ngôi nhà thứ 2

Ngày cuối tuần, không khí ở xưởng nước mắm Hương Làng Cổ (làng Nam Ô, quận Liên Chiểu) rộn ràng hơn thường lệ khi đón đoàn sinh viên đến từ nước bạn Lào trong chương trình “Ở nhà dân” đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa địa phương. Lần đầu tiên tham gia chuyến trải nghiệm văn hóa làng biển, em Sixanong Phoyphailin, lưu học sinh Lào đang học tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng rất hào hứng: "Ở Lào không có biển nên khi đến TP Đà Nẵng thấy biển, em rất thích. Yêu biển, em yêu cả những câu chuyện về văn hóa làng biển, quá trình hình thành nên giọt nước mắm truyền thống của người dân xứ biển, giá trị văn hóa của nước mắm trong đời sống người Việt. Đặc biệt, đến xưởng nước mắm Hương Làng Cổ, chúng em còn được chia sẻ và hiểu thêm về chủ đề phát triển kinh tế gắn với từng thế mạnh của địa phương. Đây là kinh nghiệm quý báu để khi hoàn thành khóa học trở về, em có những định hướng cho riêng mình trong việc phát triển kinh tế".

Từ chương trình "Ở nhà dân”, Đoàn phường Hòa Hiệp Nam phối hợp với Đoàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) tổ chức hoạt động ngoại khóa “Hành trình văn hóa Việt” với việc đưa các lưu học sinh Lào đang ở, sinh hoạt tại 2 phường đến thăm cụm di tích Nam Ô - Di tích lịch sử cấp TP, làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô để giao lưu ẩm thực, nhận quà đặc sản vùng miền đến từ làng nghề biển Nam Ô. "Chúng tôi tạo thêm điều kiện để các bạn sinh viên có thể trau dồi thêm tiếng Việt, học hỏi phong tục, tập quán và đời sống của người Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng trong quá trình theo học tại TP Đà Nẵng. Qua đó, gắn kết sâu sắc hơn mối quan hệ như anh em giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào" - chị Phạm Trần Trúc Mai, Bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Nam chia sẻ.

Nhằm giúp lưu học sinh Lào có những trải nghiệm văn hóa Việt, nhiều nhà dân ở TP Đà Nẵng đã dang rộng vòng tay chào đón, dành không gian sinh hoạt như chính người thân trong gia đình. Bữa cơm tối ở gia đình bà Trần Thị Lan Thành (phường An Khê, quận Thanh Khê) diễn ra thật đầm ấm. Tuần trước, bà vừa đón cùng lúc 3 nữ sinh Lào về ở cùng. Bà Thành chia sẻ: “Trước kia, bố tôi từng là bộ đội chiến đấu tại Lào. Bố kể, hồi ấy, bố được một mẹ nuôi người Lào chăm sóc rất tận tình, nhất là những lúc ốm đau, lên cơn sốt rét. Từ đó, trong tim tôi luôn có tình yêu thương đặc biệt dành cho người dân nước bạn. Nghe chương trình cần chỗ ở cho các cháu lưu học sinh, tôi liền đăng kí nhận 3 cháu về".

Mỗi lưu học sinh đều được bà Thành đặt cho một cái tên Việt. Em Xaisomphou Khaikeo vui vẻ cho biết: “Em được mẹ Thành đặt cho tên là Ngọc Lan, hai bạn còn lại là Dạ Lan và Tuyết Lan. Em rất thích những cái tên mẹ Thành đặt. Ở đây, ngoài giờ học, tụi em được mẹ hướng dẫn cách làm bánh xèo, nem rán, những món ăn truyền thống quen thuộc của người Việt Nam. Mẹ còn giúp em nói tiếng Việt rất nhiều. Chúng em rất vui, hạnh phúc khi được sống cùng mẹ Thành".

Hướng tới tương lai

Chương trình “Ở nhà dân" được triển khai tại TP Đà Nẵng do Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán CHDCND Lào tại TP Đà Nẵng, các trường học liên quan và UBND các quận trên địa bàn TP tổ chức dành cho sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn. Trải qua thời gian, chương trình đã trở thành điểm sáng và là mô hình tiêu biểu được học tập, nhân rộng trong cả nước. Mỗi năm, trung bình, có khoảng gần 100 em sinh viên Lào tham gia chương trình, qua đó, rất nhiều quan hệ kết nghĩa bố mẹ, con, anh chị em Việt - Lào đã được hình thành. Đây là những hạt nhân nuôi dưỡng và phát triển quan hệ khăng khít giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em. Năm 2023, có 148 em sinh viên Lào được bố trí ăn ở, học tập, sinh sống tại nhà các hộ dân trên địa bàn TP trong thời gian 2 tuần, từ ngày 26/11 đến hết ngày 10/12.

Bà Trần Thị Lan Thành và 3 cô con gái Lào tên Ngọc Lan, Dạ Lan và Tuyết Lan. Ảnh: Trúc Hà

Bà Trần Thị Lan Thành và 3 cô con gái Lào tên Ngọc Lan, Dạ Lan và Tuyết Lan. Ảnh: Trúc Hà

Được biết, trong những năm qua, với vai trò là cầu nối thúc đẩy hợp tác phát triển, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào TP Đà Nẵng đã trực tiếp vận động được hàng chục tỷ đồng học bổng dành cho sinh viên Lào theo học tại các trường đại học trên địa bàn; duy trì hợp tác và ghi nhớ với 7 địa phương của Lào, gồm: Thủ đô Viêng Chăn, các tỉnh Xaynhaburi, Savannakhet, Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu. Trong giai đoạn 2023-2027, TP Đà Nẵng tiếp tục duy trì chương trình học bổng cho cán bộ, lưu học sinh Lào, bao gồm các bậc nghiên cứu sinh, cao học, đại học; thống nhất tiêu chuẩn tiếp nhận, các ngành học, thời gian nhập học, thủ tục nhập học, kinh phí, ký túc xá, đón tiếp, hỗ trợ học viên... để thông báo cho các tỉnh nhằm tuyển chọn sinh viên, đồng thời triển khai chương trình hợp tác dạy tiếng Việt và hỗ trợ trang thiết bị cho các trung tâm tiếng Việt tại 5 tỉnh Nam, Trung Lào kể trên.

Phát biểu tại Lễ phát động chương trình “Ở nhà dân” dành cho sinh viên Lào đang học tập tại các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng được tổ chức ngày 26/11 vừa qua, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, đây là một hoạt động thiết thực và quan trọng của TP đối với nước bạn Lào. Qua đó, giúp các em sinh viên Lào trau dồi kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, bồi dưỡng khả năng hòa nhập cuộc sống tại Việt Nam trong những năm tháng theo học đại học và các cấp học cao hơn, góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

“Hai tuần về với nhà dân là quãng thời gian vô cùng quý báu và ý nghĩa đối với các em lưu học sinh. Các em không chỉ có cơ hội nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, gắn bó hơn với cuộc sống của người dân TP mà quan trọng hơn hết, các em sẽ có thêm một gia đình thứ 2 trong suốt thời gian học tập ở TP này và kể cả sau khi trở về nước, tình cảm gia đình đặc biệt ấy sẽ mãi mãi theo các em suốt cuộc đời” - ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Nguyễn Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngoi-nha-thu-2-cua-sinh-vien-den-tu-dat-nuoc-trieu-voi-post470714.html