Ngôi trường 110 tuổi ở Hà Nội: 'báu vật' giữa lòng phố

Nằm ven hồ Tây (Hà Nội), trường THPT Chu Văn An có 13 tòa nhà, trong đó rất nhiều tòa xây từ thời Pháp, đến nay vẫn sử dụng tốt.

Trường THPT Chu Văn An (phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), tiền thân là Collège du Protectorat (trường Trung học Bảo hộ) do chính quyền Pháp xây dựng năm 1908.

Tòa D - một trong hai dãy nhà một tầng của trường với đặc trưng phong cách kiến trúc Pháp: tường màu vàng, những cánh cửa sổ lớn màu xanh.

Tổng diện tích trường THPT Chu Văn An là hơn 42.000 m2 với 13 tòa nhà, gồm: các dãy nhà học chính (A, B, C, D); nhà thực hành thí nghiệm (T); nhà Hội đồng sư phạm (S); hội trường Thăng Long đáp ứng 200 chỗ ngồi; khu ký túc xá - căng tin (nhà K); nhà truyền thống; khu thư viện; nhà thi đấu và khu tập luyện thể chất ngoài trời, sân bóng...

Tòa nhà cổ nhất trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An là thư viện - phòng tự học hay còn gọi là nhà bát giác. Công trình được xây dựng từ năm 1898, ban đầu có tên biệt thự Schneider - lấy theo tên người chủ căn biệt thự, sau đó được dùng làm nơi ở của Hiệu trưởng người Pháp trường Trung học Bảo hộ. Năm 1999, tòa nhà được tu sửa và dùng làm thư viện, phòng Hiệu trưởng, phòng máy tính...

Nhà bát giác có hướng nhìn ra hồ Tây với kiến trúc độc đáo, họa tiết cầu kỳ, mang đậm phong cách Pháp, trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh THPT Chu Văn An. Đây là điểm đến, nơi chụp ảnh yêu thích của thầy trò nhà trường.

Tòa C - một trong những dãy nhà được xây dựng từ thời Pháp (cùng với tòa A, B, D) đã liên tục được cải tạo trên cơ sở giữ nguyên những nét kiến trúc cổ.

Tòa nhà A cũng xây dựng từ thời Pháp. Phía trước là khoảng sân rất rộng, rợp bóng cây. Năm 1995, trường Chu Văn An được Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng thành một trong ba trường Trung học trọng điểm quốc gia.

Trên khuôn viên của trường, bên cạnh những khối nhà được xây dựng từ đầu thể kỷ 20, các công trình mới được mọc lên (nhà E, T, S, K), trở thành phòng chức năng hiện đại, phục vụ tốt cho hoạt động dạy học của nhà trường.

Cầu thang gỗ nối các tầng trong dãy nhà học 3 tầng cũ. Khi về trường dự lễ kỷ niệm 110 năm trường Bưởi - Chu Văn An (ngày 3/11) và thăm lại phòng học xưa tại tầng 2 tòa nhà A, bà Đặng Thị Vinh (cựu học sinh khóa 1974-1977) xúc động bởi: "Bao năm qua đi, chiếc cầu thang gỗ gắn với kỷ niệm học trò của chúng tôi vẫn giữ được nguyên vẹn".

Hành lang nhà A, đối diện là khu Hiệu bộ - nơi có các phòng ban phụ trách quản lý sổ sách, hồ sơ của học sinh.

Chiếc đồng hồ đặt gần cổng chính trường THPT Chu Văn An.

Nhà truyền thống - nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, tranh ảnh về lịch sử hình thành, phát triển trường Bưởi - Chu Văn An. Đây là công trình mới nhất tại ngôi trường 110 năm tuổi, được khánh thành vào năm 2018.

Khuôn viên trường rợp bóng cây xanh. Với bề dày lịch sử và thành tích đào tạo, trường THPT Chu Văn An nhiều năm nhận được các danh hiệu, khen thưởng. Tại lễ kỷ niệm 110 năm thành lập trường Bưởi - Chu Văn An, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng ba, ghi nhận những thành quả tập thể nhà trường đã đạt được.

Tháng 12-1908, toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra quyết định thành lập Collège du Protectorat (Trường Thành chung Bảo hộ theo mô hình giáo dục Pháp với mục đích đào tạo công chức trung - cao cấp người Việt cho bộ máy cai trị). Trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê, ven Hồ Tây nên người dân vẫn gọi là Trường Bưởi. Trường Bưởi là cái tên mà các học sinh có tinh thần phản kháng lại người Pháp dùng khi đề cập đến trường nhằm không gọi cái tên chính thức người Pháp đặt.

Tháng 6-1945, Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại đã ra quyết định đổi tên trường thành Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An, GS Nguyễn Gia Trường làm hiệu trưởng đầu tiên của trường. Tên Trường Chu Văn An được giữ từ ngày đó đến nay và đây là một trong những trường phổ thông lâu đời và có truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam.

Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng từng là học sinh của Trường Chu Văn An như nhà khí tượng học Nguyễn Xiển (ông là học sinh, sau này là giáo viên của trường).

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, ông Nguyễn Cao Kỳ, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, liệt sĩ - phi công Vũ Xuân Thiều, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà triết học Trần Đức Thảo, nhà sử học Lê Văn Lan, nhà toán học Lê Văn Thiêm, bác sĩ Tôn Thất Tùng, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện... đều là cựu học sinh của trường.

Rất nhiều văn nghệ sĩ cũng từng học tại ngôi trường đẹp nhất Hà Nội này như nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Tú Mỡ, nhà văn Nguyễn Công Hoan, dịch giả Nguyễn Hiến Lê, họa sĩ Dương Bích Liên, nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nghệ sĩ nhân dân Trần Tiến, họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhạc sĩ Thanh Tùng… (theo báo Người Lao Động)

Giang Huy - Quỳnh Trang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ngoi-truong-110-tuoi-o-ha-noi-bau-vat-giua-long-pho-16104.html