Ngôi trường mang tên 'Trở về'

Giao tranh khiến trẻ em tị nạn tại khu vực Tây Bắc Syria 'quên' mất thế nào là một cuộc sống bình thường. Trong bối cảnh đó, các giáo viên tình nguyện Syria đang nỗ lực đem đến cho những đứa trẻ này một cuộc sống bình thường nhất có thể.

Trong một bài viết mới đây, tờ The New York Times cho biết, khu vực Tây Bắc Syria thiếu thốn đủ thứ, từ chỗ tá túc cho đến lương thực, thuốc men. Theo các nhóm cứu trợ, khoảng ¼ người tị nạn Syria mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Thậm chí, điều phối viên các hoạt động của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) tại Tây Bắc Syria Cristian Reynders cho biết các nhân viên của MSF chứng kiến cảnh nhiều người tị nạn Syria còn phải luộc lá cây để ăn. Khó khăn là vậy, song bên trong chiếc lều của một trại tị nạn ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, có 4 giáo viên đang làm tất cả những gì có thể, đó là “gieo chữ”.

Chiếc lều ấy chính là “trụ sở” của ngôi trường mang tên “Trở về”. Không bàn ghế, không nhà vệ sinh và gần như không có sách vở, cơ sở vật chất của ngôi trường chỉ là một chiếc lều cùng một tấm bảng trắng. Ngôi trường có khoảng 60 học sinh trong độ tuổi từ 4 đến 14. Khi phóng viên tờ The New York Times bước vào bên trong chiếc lều, một đám trẻ ngồi bệt trên tấm thảm cũ kỹ đang cặm cụi giải các phép tính cộng mà giáo viên đã viết trên bảng. “Chúng tôi hy vọng sẽ sớm được quay trở về nhà”, thầy giáo Qassem al-Ahmad, 30 tuổi giải thích về tên gọi của ngôi trường.

Trẻ em tị nạn ngồi chen chúc trong một lớp học của ngôi trường “Trở về” ở Tây Bắc Syria. Ảnh: The New York Times.

Khi cuộc chiến tranh Syria nổ ra vào năm 2011, Qassem al-Ahmad đang là sinh viên đại học năm cuối chuyên ngành triết học. Chiến tranh leo thang đã buộc Qassem al-Ahmad phải nghỉ học và bắt đầu làm giáo viên tại một trường công-cũng là nơi anh gặp người vợ của mình. Qassem al-Ahmad cùng vợ là Malak, 28 tuổi và hai con nhỏ từng sống tại ngôi làng Al Iss ở ngoại ô thành phố Aleppo trước khi phải chạy nạn sang Tây Bắc Syria cách đây hơn hai tháng. Kể từ đó, cả gia đình Qassem al-Ahmad phải sống chung với 17 người khác trong một căn phòng chật chội của một tòa nhà chi chít những lỗ đạn đã bị bỏ hoang gần trại tị nạn.

Sống trong cảnh tị nạn, vợ chồng Qassem al-Ahmad nhận thấy rằng cách tận dụng thời gian tốt nhất chính là tiếp tục làm những gì mà mình biết. Bắt tay với hai giáo viên khác sống cùng làng trước kia, họ quyết định trưng dụng một chiếc lều trong trại tị nạn để tổ chức các lớp học miễn phí. Và ngôi trường “Trở về” đã ra đời từ đó.

Chiến tranh liên miên khiến rất nhiều trẻ em Syria bị gián đoạn việc học hành suốt nhiều năm. Thậm chí, có những em chưa bao giờ được đến trường. Ước tính có đến 40% trong số các học sinh của anh Qassem al-Ahmad bị mù chữ. Giáo viên phải tìm cách để những em tiến bộ kèm cặp thêm các bạn không biết chữ. Ngôi trường “Trở về” không phân chia lớp theo độ tuổi bởi có những em tuy đã 14 tuổi nhưng mới học lớp 4.

Để vận động những đứa trẻ trong trại tị nạn tới lớp không phải là chuyện dễ dàng với các giáo viên của ngôi trường “Trở về”. Nhiều bậc phụ huynh muốn con em đi kiếm củi nấu nướng hoặc làm việc lặt vặt để phụ giúp kiếm đồng ra, đồng vào. Theo The New York Times, đó là còn chưa kể có những gia đình vẫn thường hay rời khỏi trại tị nạn để tìm những chỗ tá túc khác “tốt hơn” cho dù “không ai biết được nơi nào là an toàn hoặc sự an toàn sẽ kéo dài bao lâu?”. Làm sao để các em tập trung học hành cũng là thách thức với các thầy cô. Học sinh của ngôi trường “Trở về” dễ bị phân tâm bởi nhiều thứ: Những ngón tay tê cóng vì lạnh, những cái bụng đói vì mỗi ngày chỉ được ăn một bữa, tiếng máy bay chiến đấu lởn vởn trên đầu...

Chị Malak phụ trách “gieo chữ” cho nhóm học sinh từ 6 đến 7 tuổi dựa vào một vài ứng dụng dạy học đơn giản tải xuống từ chiếc điện thoại di động của chồng. 4 giáo viên của trường đang nỗ lực hết sức để truyền đạt những kiến thức cơ bản nhất cho học sinh như chữ cái và chữ số Arab. “Chúng tôi chẳng có gì để cho các em giải trí. Không sách truyện, không tranh vẽ. Chúng tôi chỉ dạy cho các em những thứ cơ bản nhất”, chị Malak kể với The New York Times.

Anh Qassem al-Ahmad từng dành những món đồ chơi nho nhỏ hay vài cây bút bi để làm phần thưởng khích lệ các học sinh có thành tích tốt trong lớp. Thế nhưng giờ đây, những phần thưởng nho nhỏ ấy cũng là thứ xa xỉ với anh. “Tôi hứa dành cho bọn trẻ vài phần thưởng khích lệ cho dù tôi biết khó mà giữ lời. Thành thật mà nói, có lúc tôi còn không có đủ tiền để mua bánh mì”, anh Qassem al-Ahmad chia sẻ.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ngoi-truong-mang-ten-tro-ve-614618