Ngôi trường vùng sâu vùng xa đạt giải kiến trúc danh giá thế giới

Khu phức hợp được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Brazil Aleph Zero và Rosenba, hoàn thành vào tháng Giêng năm 2017. Nó được chọn ra từ 4 tác phẩm xuất sắc khác bởi một hội đồng ban giám khảo do kiến trúc sư nổi tiếng Elizabeth Diller làm chủ trì.

Giải thưởng quốc tế của Viện Kiến trúc hoàng gia Anh (RIBA) được trao tặng 2 năm một lần cho tác phẩm kiến trúc xuất sắc, đồng thời kiến trúc đó phải mang lại tác động xã hội có ý nghĩa. Đây là một trong những giải thưởng kiến trúc được đánh giá là nghiêm ngặt nhất thế giới, trong đó nhóm các tác phẩm lọt vào chung cuộc đều được các chuyên gia quốc tế đến tham quan tận mắt.

“Làng Trẻ Em có một môi trường đặc biệt nhằm cải thiện cuộc sống và tinh thần của những đứa trẻ ở đây” – chủ tịch giải thưởng RIBA, Ben Derbyshire nhận xét. “Nó đại diện cho những giá trị không thể đo lường của việc thiết kế một môi trường giáo dục tốt”.

Làng Trẻ em là một không gian nội trú dành cho 540 đứa trẻ từ 13 tới 18 tuổi của Trường Canuana. Học sinh ở đây tới từ những khu vực xa xôi hẻo lánh của đất nước Brazil. Một số em đi từ nhà tới trường phải mất nhiều giờ đồng hồ.

Được tài trợ bởi Quỹ Bradesco, Làng Trẻ Em là một trong số 40 trường học của những đứa trẻ vùng sâu vùng xa trên khắp đất nước Brazil.

Với các kiến trúc sư, dự án này cho thấy cách mà kiến trúc có thể là một công cụ để thay đổi xã hội. Trước khi bắt tay vào thực hiện, họ đã tiếp xúc rất gần gũi với các em để hiểu được nhu cầu và mong muốn của những đứa trẻ về ngôi trường này. Họ muốn tạo ra một môi trường có thể là ngôi nhà thứ 2 của bọn trẻ - nơi mà chúng có thể phát triển cả cá tính cá nhân và tính tập thể.

Với diện tích gần 25.000m2, Làng Trẻ Em được chia thành 2 khu phức hợp giống nhau: một khu cho nữ sinh, một khu chon am sinh. Khu phòng ở nằm xung quanh 3 sân chơi lớn rất thoáng mát. Tầng trên là không gian chung linh hoạt dành cho đọc sách, xem tivi, có cả võng và ban công – nơi bọn trẻ nghỉ ngơi và chơi đùa.

Một số hình ảnh của Làng Trẻ Em:

Nguyễn Thảo(Theo RIBA Architecture)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/ngoi-truong-vung-sau-vung-xa-dat-giai-kien-truc-danh-gia-the-gioi-490175.html