Ngọn đèn dầu của những người mẹ Anh hùng

Là nơi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (năm 1858), sau đó trở thành 'nhượng địa' suốt hơn 80 năm, ngày 26-8-1945, nhân dân Ðà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, cùng nhân dân cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 'long trời lở đất', giành lại tự do cho dân tộc, độc lập cho Tổ quốc.

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ÐẮC ÐỨC

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ÐẮC ÐỨC

Từ mùa thu cách mạng ấy, tiếp tục đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, TP Ðà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đã sản sinh nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH). Xuyên suốt chặng đường chiến đấu gian khổ nhưng kiên cường của những người mẹ VNAH là ngọn đèn dầu thắp sáng lối đi cho đồng bào, chiến sĩ, là tín hiệu để cảnh báo cho bộ đội, du kích ta.

Mẹ VNAH Huỳnh Thị Hiền, trú tại đường Hồ Quý Ly, quận Liên Chiểu tựa lưng vào ghế, ánh mắt mờ đục nhìn về phía núi. Hỏi về chế độ, chính sách, mẹ bảo: "Già rồi con, gần 90 tuổi thì ăn được mấy mà để ý chuyện đó, lâu lâu có người đến thăm hỏi, trò chuyện là vui rồi!". Người con trai cả của mẹ là ông Ðoàn Ngọc Hiền, 65 tuổi, phải ghé sát tai mẹ nói thật lớn để thuật lại cuộc nói chuyện.

Mẹ Hiền sinh ra và lớn lên bên dòng Vu Gia hiền hòa. Chiến tranh ập đến, máy chém của kẻ thù lê khắp làng xóm. Chồng mẹ, ông Ðoàn Hiền tham gia chiến đấu, hoạt động ngay trên mảnh đất quê hương. "Mẹ không nhớ bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ khi nào, bởi bên nách sáu đứa con nhỏ. Lúc đầu là tìm cách tiếp tế cho chồng, rồi đồng đội của chồng. Khi có du kích, bộ đội, cán bộ tìm đến, mình lại đào hầm nuôi giấu". Những lúc địch lùng sục, bố ráp rát quá, cán bộ, du kích không vào làng được, phải ẩn nấp trong núi, ngoài bờ sông. Ðể qua mặt kẻ thù, mẹ tháo cán cuốc thay bằng cán tre non được đục rỗng ruột, đổ đầy gạo, nhét thêm thuốc chữa bệnh vào rồi đậy lại, giả vác cuốc ra đồng, chờ khi không có địch thì giấu gạo, thuốc vào hốc cây, đậy lại bằng lá khô. Ðến tối, quân ta theo ám hiệu ra lấy gạo.

Ðịch phát hiện, chúng bắt mẹ, tra khảo đủ mọi cách, từ dùng cây gỗ sắc cạnh đánh bất cứ đâu trên người, ấn đầu vào xô nước xà-phòng, đóng đinh nhọn vào cây gỗ rồi đánh vào đầu ngón tay, ngón chân. Mẹ vẫn một mực không khai, chúng đưa mẹ vào nhà lao Thượng Ðức, rồi nhà lao Hội An. Không khai thác được gì, kẻ địch đành thả mẹ về. Mẹ lại tiếp tục hoạt động. Việc gì cách mạng giao, mẹ cũng làm, nào là đưa thư, dẫn đường cho cán bộ, lâu lâu lại được giao nhiệm vụ quan sát cách bố phòng, canh gác ở mấy đồn, trại lính. Những lúc bận thì giao các con đi thay, đứa nào cũng giành việc để được tham gia cách mạng, dù tuổi mới 14, 15.

Năm 1972, địch phát hiện người con gái thứ hai của mẹ là chị Ðoàn Thị Lài, lúc ấy mới 14 tuổi, làm giao liên cho cách mạng, chúng truy đuổi nhưng chị chạy thoát và trốn trong hầm bí mật. Ngay trong đêm, chị cùng mấy thiếu niên khác được du kích dẫn lên vùng an toàn. Trên đường đi, mọi người bị địch phục kích, hy sinh gần hết. Giọng nghẹn lại, mẹ Hiền quay vào trong lau khóe mắt: "Chưa nhận được xác con, bọn chúng đã đến bắt mẹ vì tội cho con theo Việt Cộng". Lại những trận đòn roi, những trò tra tấn man rợ, nhưng đau đớn thân xác không át được nỗi đau mất con. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ đáp trả quân thù: "Con tôi còn nhỏ, biết gì cách mạng, mấy ông không bảo vệ được, để Việt Cộng bắt con tôi rồi còn đổ thừa là sao?". Không làm gì được, chúng lại thả mẹ về. Mẹ lại làm tiếp tế, giao liên, đưa thư, nắm hình tình...

Ông Ðoàn Ngọc Hiền, con trai cả của mẹ tiếp lời: "Ra tù, mẹ tôi lại tiếp tục hoạt động, bát cháo trộn rau rừng của mẹ từng nuôi sống được năm, sáu người. Có những khi chúng tôi chỉ ăn khoai, sắn. Mỗi khi mua được ít gạo, mẹ lại để dành cho bộ đội ăn có sức mà chiến đấu". Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi, bốn tháng sau mẹ Hiền điếng người khi hay tin chồng hy sinh trên đường đi công tác. Hai năm sau, người con trai Ðoàn Ngọc Dục hy sinh khi vừa 15 tuổi. Ông Ðoàn Ngọc Hiền bùi ngùi: "Trước khi đi, em tôi hẹn với mẹ, đêm 30 Tết nào con cũng sẽ về thăm mẹ. Mấy chục năm, cứ chiều tối 30 Tết là mẹ tôi lại thắp một ngọn đèn dầu, để trước cửa, chờ nó về...".

Ở tuổi 97, mẹ Nguyễn Thị Dần, phường Thanh Khê Ðông, quận Thanh Khê lúc nhớ lúc quên, chuyện xưa chuyện nay cứ ríu vào nhau trong nụ cười chân chất. Ðến tuổi 25, mẹ làm cán bộ phụ nữ thôn 3, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, hoạt động công khai từ chống Pháp đến chống Mỹ. Trong ký ức Trung tá công an Nguyễn Thanh Hương, con trai út của mẹ Dần, căn nhà tranh xiêu vẹo của mẹ là địa chỉ tin cậy giữa vòng vây quân thù, nơi nuôi nhiều cán bộ nhất vùng. Ðể có gạo nuôi quân, mẹ nghĩ cách khoét một lỗ nhỏ lấy hết ruột quả bí đỏ, bí đao, dứa... cẩn thận nhét từng nắm gạo, viên thuốc tiếp tế cho quân ta ở trong núi. Năm 1968, mẹ dẫn đầu đoàn biểu tình cướp chính quyền, bị bọn Mỹ - ngụy bắn trọng thương. Lành vết thương mẹ lại tiếp tục hoạt động giữa đạn bom kẻ thù.

Mẹ Dần kể: Một đêm mưa rét tháng 10-1972, mẹ cùng các con nhỏ cứu một anh bộ đội bị thương khắp người. Lúc khiêng anh vào nhà băng bó vết thương, chái bếp dột ướt không có gì nhóm lửa. Nhìn quanh, chỉ còn tấm phên che bàn thờ tổ tiên, chồng và con gái. Nước mắt lăn dài, mẹ khấn "Mong các cụ, ông và các con hiểu giúp", rồi tháo tấm phên nhóm lửa sưởi ấm, đun cháo loãng cho anh bộ đội. Sau này, ông Trương Văn Thành, người chiến sĩ được mẹ cứu sống hôm ấy xin làm con nuôi của mẹ. Nay ông Thành sống ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam, vẫn thường xuyên ra vào thăm mẹ.

Người con gái thứ hai của mẹ Dần hy sinh tại Hòn Tàu tháng 3-1969; năm 1971 chồng mẹ hy sinh, rồi lần lượt con gái thứ tư Nguyễn Thị Báng, hy sinh tháng 7-1972, con trai thứ năm Nguyễn Thanh Tiền hy sinh tháng 7-1973. Giữa năm 1974, mẹ nhận cùng lúc hai nỗi đau, con gái thứ ba Nguyễn Thị Ðôi và con gái đầu Nguyễn Thị Thảnh hy sinh ngay tại quê nhà. "Tối hôm trước ngày giỗ cha hay các anh, các chị, mẹ tôi đều bảo tắt hết điện, thắp ngọn đèn dầu, vặn thật nhỏ, để cha, các anh, các chị biết mà về", anh Nguyễn Thanh Hương thì thầm kể, như sợ ngọn đèn kia bỗng tắt.

Dưới tán cây trứng cá mát rượi trên đường Tạ Mỹ Duật, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, mẹ Trần Thị Ngự, nay đã 91 tuổi cười móm mém: "Nhớ câu chuyện năm 1965 khi mẹ nuôi giấu hai cán bộ nằm vùng trong hầm bí mật, địch phát hiện, chúng kéo đến xả súng nát cả cây rơm, bắt mẹ về tra tấn, đánh đập đủ kiểu, nát cả người, đau đớn nhưng mẹ vẫn một mực: "Không biết, họ ở đâu mà mấy ông đổ cho tui nuôi, tui không biết chữ, nuôi con còn không nổi, lấy gì mà nuôi Việt Cộng". Ba năm ròng rã hết nhà lao Vĩnh Ðiện đến nhà lao Hội An, mỗi lần bị tra tấn, hỏi cung xong, về xà-lim mẹ vẫn cố cười để anh em yên tâm, nhưng đêm khuya lại trở nghiêng vào tường, lo cho chồng nơi tiền tuyến, lo cho con thơ ở nhà, nước mắt tuôn lã chã.

Ra tù, mẹ Ngự lại tiếp tục chiến đấu, nuôi con, tiễn con lên đường hết đứa này đến đứa khác. Chồng, con trai, con gái lớn lần lượt hy sinh, mẹ như đứt từng khúc ruột, nhưng vẫn lặng lẽ nuốt nước mắt, tiếp tục cùng bà con kiên cường đấu tranh với kẻ thù cho đến ngày đất nước toàn thắng. Ngày giải phóng Ðà Nẵng, người con trai duy nhất còn lại của mẹ tìm về. Nhìn thấy con, mẹ đánh rơi miếng trầu, lặng người, nước mắt lăn dài trên má.

Bác Nguyễn Hồng Tân, 70 tuổi, người con trai duy nhất còn lại của mẹ Ngự thắp một nén hương lên bàn thờ, rồi quay sang chúng tôi nói: "Thuyết phục mãi mẹ tôi mới chịu ra đây ở với con cháu, mà phải mang theo cả mấy đồ dùng thời trước còn lại mẹ mới đồng ý. Thành phố điện đèn sáng trưng, nhưng lâu lâu, mẹ tôi lại bảo: "Tắt điện đi con, thắp ngọn đèn dầu trên bàn cho ấm cúng". Mỗi lần vậy, tôi biết, mẹ nhớ cha, nhớ các anh, các chị".

Khu lưu niệm căn cứ địa cách mạng B1 Hồng Phước (phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Ðà Nẵng) hiện lưu giữ, trưng bày ngọn đèn dầu của mẹ Phạm Thị Dĩ, người từng đào hàng chục căn hầm nuôi giấu cán bộ, du kích, bộ đội. Ngọn đèn ấy là ám hiệu của mẹ, hễ ngọn đèn thắp lên treo trước hiên nhà là không có địch lùng sục, bố ráp, phục kích. Nếu không có ngọn đèn là hiểm nguy, là kẻ thù đang rình rập đâu đó ngoài ngõ, trên đồng... Ngọn đèn dầu đứng gác của mẹ Dĩ, mẹ Thứ, mẹ Trị, của hàng chục nghìn Bà mẹ VNAH nay vẫn thắp lên để đón linh hồn các anh hùng, liệt sĩ. Những ngọn đèn ấy như vẫn soi sáng cho thế hệ tương lai.

Bài, ảnh: THANH TÙNG và HỒNG THỊNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33826702-ngon-den-dau-cua-nhung-nguoi-me-anh-hung.html