Ngôn lành

Trong 4 thứ học của đời người mà ông cha ta đã dạy, 'học nói' xếp ở vị trí thứ hai 'Học ăn, học nói, học gói, học mở'. Nếu như 'ăn' là bản năng sinh tồn tự nhiên của cá nhân thì 'nói' thể hiện sự tồn tại xã hội của con người.

Nói không đơn thuần chỉ là khả năng phát âm để tạo ra tín hiệu âm thanh giao tiếp xã hội, mà sâu xa hơn, nói còn bộc lộ tư cách, đạo đức, phẩm chất, khí tiết, trình độ ứng xử và khả năng ứng biến văn hóa của một con người. Giá trị của một nhân cách văn hóa là tích hợp của nhiều yếu tố, trong đó “ngôn lành” vừa thể hiện chiều sâu tư cách cá nhân, vừa nói lên chuẩn mực giao tiếp của cộng đồng, xã hội.

“Lành” nghĩa là nguyên vẹn, tròn trịa. Lành cũng có nghĩa là hiền. Lành còn mang nghĩa không bị tác động, tổn thương bởi ngoại cảnh. Từ những ý nghĩa đó, “ngôn lành” được hiểu là từ ngữ, câu chữ chuẩn mực, hài hòa, tinh tế, đủ sức tác động đến thính giác, thị giác, tâm lý người nghe với một thái độ nhẹ nhàng, nhã nhặn, văn minh. Ở tầm sâu hơn, “ngôn lành” là sự kết hợp nhuần nhụy giữa khả năng nói năng, giao tiếp đúng lúc, đúng chỗ, hợp tình, hợp cảnh và năng lực làm chủ lời nói thiện chí, thiện tâm, anh minh, sáng suốt.

“Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lựa lời là lựa chọn thời điểm nói năng, lựa chọn từ ngữ, lựa chọn âm sắc, âm vị, văn phong sao cho phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp. Chữ lựa vừa là một thái độ tinh tế, phong cách ứng xử nhanh nhạy, hoạt bát, vừa thể hiện nghệ thuật làm chủ tình huống giao tiếp khéo léo, hợp lòng người. Chữ lựa lời lúc này đã trở thành “sức mạnh vô song” trong việc gắn kết tình người, củng cố lòng tin và hơn thế, có thể đẩy lùi sự nghi kỵ, làm nguôi ngoai cơn tức giận, xóa bỏ sự thù hận và góp phần nâng giá trị cuộc sống nhân văn hơn. Lựa lời vì thế là cốt lõi của “ngôn lành”.

Có phải “lời nói gió bay” không? Không đâu. Những lời nói lành lặn, tròn trịa như hương hoa bay theo gió, góp cho không gian đất trời thêm trong trẻo, ngát thơm. Còn những lời nói xiên xẹo, méo mó như những “vi rút, vi khuẩn” độc hại gieo rắc và làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa giao tiếp và khiến lòng người có thể ly tán, tình đời có thể phân tâm. Điều gan ruột của người xưa để lại “Lời nói, đọi máu” như nhắc nhở, như cảnh tỉnh những ai không biết giữ gìn “ngôn lành” sẽ không những tự gây phiền toái cho bản thân, mà khó rửa được “vết nhơ” từ những lời nói dữ dằn của mình, bởi vì “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa” và “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”…

“Ngôn lành” không tự nhiên sinh ra, mà phải tự rèn giũa, tu chỉnh, học hỏi suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi mới có thể tiếp cận, thấm thía, thẩm thấu được những giá trị của lời nói, câu từ, chữ nghĩa khôn ngoan, lành mạnh. Xuất phát từ tính chất đặc điểm vô cùng phong phú, vô cùng biến hóa, vô cùng nhạy cảm của ngôn ngữ tiếng Việt, giữ được “ngôn lành” thực chất là giữ gìn vị thế, tư cách, phẩm giá cá nhân trong mọi tình huống, hoàn cảnh giao tiếp và góp phần làm giàu, làm đẹp thêm môi trường văn hóa giao tiếp xã hội.

Nghề báo, nghề văn là nghề của câu từ, chữ nghĩa. Người làm báo, làm văn không những nên chú tâm gìn giữ “ngôn lành” trong nói năng, giao tiếp, ứng xử với con người, công chúng và xã hội, mà làm sao trong khi sáng tạo tác phẩm báo chí, văn chương đều thông qua và thể hiện bằng những câu từ, chữ nghĩa toát lên vẻ đẹp “ngôn lành”. Khen đúng mực, đúng đối tượng, đúng thời điểm. Chê cần chừng mực, có lý, có tình. Phê phán cũng cần công tâm, nghĩ trước nghĩ sau. “Ngôn lành” của người làm báo, làm văn đâu chỉ để trang hoàng chức danh nghề nghiệp, mà hơn thế, đấy là lương tâm bảo toàn bổn phận chính nghĩa của cây bút và nét đẹp văn hóa ứng xử với nhân tình thế thái, với cuộc đời!

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ngon-lanh-623367