Ngọn lửa đam mê trong trái tim cựu phóng viên chiến trường

Nhà báo Võ Thế Ái một trong những người được công nhận là thế hệ phóng viên đầu tiên của TTXVN. Mặc dù không cầm bút đã lâu nhưng trong ông vẫn luôn cháy lên ngọn lửa đầy nhiệt huyết với nghề và tình yêu với người bạn nghề, cũng là bạn đời của ông.

Chuyện nghề, chuyện đời

Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhà báo Võ Thế Ái (SN 1930) vẫn giữ được sự minh mẫn, sắc bén và nhanh nhẹn vốn có, đặc biệt trong con người ông, ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề vẫn còn cháy bỏng. Nhưng ẩn chứa trong câu chuyện về nghề, đó là chuyện đời, cứ thế đan xen hòa quyện vào nhau làm nên một nhà báo Võ Thế Ái như thế. Bởi trong ông, tình yêu với nghề cũng song hành, gắn liền với tình yêu với người vợ quá cố - nhà báo Nghiêm Thị Tú.

Chàng trai Võ Thế Ái tham gia cách mạng với nhiệm vụ là chiến sĩ liên lạc cho bộ đội Khu 5 khi mới tròn 15 tuổi. Vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Ái được điều về Nha thông tin, rồi chuyển sang công tác tại TTXVN và trở thành một trong những người đầu tiên của đội ngũ những người làm báo.

Nói về mối lương duyên của mình với vợ là nhà báo Nghiêm Thị Tú, ông bảo, năm 1957, ông gặp và yêu bà khi cùng làm việc tại TTXVN. Sau đó, 2 người đã có một mối tình đẹp đi cùng năm tháng với bao nhiêu kỷ niệm.

Trong đó, kỷ niệm được ông trân trọng nhất đó chính là những bức thư gửi cho người vợ thân yêu của mình, những lá thư sau này được ông xuất bản thành sách với tựa đề: “Có một thời phóng viên như thế”. Nhiều lá thư được ông đọc đi, đọc lại nhiều lần, thậm chí thuộc lòng cho đến tận bây giờ.

Năm 1959, sau khi kết hôn với bà Nghiêm Thị Tú được gần 2 năm và có với nhau một con trai (lúc đó được 8 tháng tuổi - PV), nhà báo Võ Thế Ái nhận nhiệm vụ vào công tác ở Phân xã Khu 5 thuộc TTXVN.

Ông kể, rời khỏi tổ ấm của gia đình, bước xuống cầu thang bỗng dưng ông thấy nghèn nghẹn trong cổ, nghĩ đến vợ con mà nước mắt như muốn trực trào. Lúc đó, một suy nghĩ thoáng vụt qua trong ông, liệu mình có còn được gặp lại vợ và con trai nữa hay không? Nghĩ vậy, ông vờ quên đi để quay lại ôm hôn con và nhìn vợ thêm lần nữa… “Khi đó, tôi biết vợ mình nén tiếng khóc, để tôi có thể yên tâm lên đường làm nhiệm vụ”, nhà báo Võ Thế Ái nhớ lại.

Những năm tháng xa nhau, ông bà chỉ có thể chia sẻ nỗi nhớ, niềm thương thông qua những cánh thư. Một trong những lá thư như thế, nhà báo Võ Thế Ái thể hiện tất cả sự nhớ thương, trăn trở gửi về cho vợ, trong thư ông viết: “Anh ra đi vì nhiệm vụ nhưng cũng vì em và con. Trong khi một phần đất nước còn đau khổ thì hạnh phúc của chúng ta không thể trọn vẹn được. Chắc em đồng ý với anh như thế và hết lòng khuyến khích anh theo đuổi cuộc chiến đấu cho tới ngày thắng lợi. Lúc đó, chúng ta sẽ có hạnh phúc thật sự...”.

Thế nhưng, như định mệnh, số phận của hai người không thể rời xa nhau nên cuối năm 1965, bà Tú được TTX điều vào Phân xã Khu 5, nơi ông Ái cũng đang công tác. Sau 4 năm cùng chồng trải qua những ngày tháng ác liệt tại chiến trường, năm 1969, bà Tú nhận được lệnh trở ra Bắc tiếp tục công việc. Thời gian này, những cánh thư lại thay ông bà gửi niềm thương, nỗi nhớ và động viên nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn, vất vả.

Phóng viên Võ Thế Ái (người đứng sau Bác Hồ) tháp tùng Bác và Bộ trưởng Giao thông Công chính Trần Đăng Khoa đi thăm công trình đập Thác Huống (Thái Nguyên) để viết tin, bài (tháng 12/1954)

“Cuộc đời vẫn đẹp sao”

Hai năm sau khi người vợ của mình trở ra Bắc, năm 1971, nhà báo Võ Thế Ái cũng được lệnh quay ra Hà Nội. Sau bao ngày xa cách, nhớ mong, những tưởng ông bà sẽ được sống và hưởng thụ trọn vẹn tình yêu, niềm hạnh phúc. Nhưng cuộc sống thật bất công, sóng gió lại tiếp tục đổ lên đầu vợ chồng nhà báo trẻ.

Khi đó, người con trai duy nhất của ông bà không may mắc phải căn bệnh viêm não Nhật Bản và để lại di chứng nặng nề. Mặc dù cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình con trai ông không hề thuyên giảm, bất đắc dĩ ông bà đành gửi con vào bệnh viện để chữa trị, một thời gian sau con trai ông mất…

Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng của cựu nhà báo Võ Thế Ái

Nhắc lại câu chuyện về gia đình, về người con trai tội nghiệp của mình, lần nào cũng vậy, nhà báo Võ Thế Ái đều không kìm được cảm xúc, ông bảo: “Sau khi con trai mất, vợ chồng tôi cũng không sinh thêm đứa con nào, bởi những năm tháng tham gia chiến trường, tôi nghĩ chắc chắn tôi và vợ đều bị nhiễm chất độc da cam. Vì thế, chúng tôi không muốn sinh con ra, để rồi sau đó nhìn con bị phơi nhiễm mà mang tội với con và trở thành gánh nặng của xã hội…”.

Không còn người thân thích, năm 2012, ông bà quyết định rủ nhau vào Trung tâm bảo trợ xã hội 3 (Hà Nội) sống tiếp những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Lý giải về quyết định này, ông Ái bảo, không phải ông bà không có nhà hay cuộc sống khó khăn, vất vả, mà bởi quyết định vào Trung tâm là do cả ông và bà đều muốn có thêm những người bạn già để chia sẻ và muốn có một không gian yên tĩnh để sống…

Vào Trung tâm ở được gần một năm thì bà Tú qua đời. Sau khi vợ mất, ông đã suy sụp rất nhiều, nhưng rồi ông nghĩ, mình cũng không sống được bao lâu nữa nên ông đã bán ngôi nhà của mình dành làm từ thiện.

Nhà báo Võ Thế Ái trò chuyện với phóng viên Báo Công lý

Chia sẻ về cuộc sống tại Trung tâm, nhà báo Võ Thế Ái rất lạc quan cho biết: “Không có chỗ nào mình bằng lòng hoàn toàn nhưng cũng không có nơi nào là hoàn hảo cả. Ở đây, tôi có không gian riêng để sống, có những người bạn già để trò chuyện, sẻ chia”.

Sau cuộc nói chuyện vui vẻ, cựu nhà báo Võ Thế Ái nhắn nhủ với chúng tôi rằng, nếu đã có duyên đến với nghề báo chúng ta phải biết vượt qua những khó khăn, vất vả và đôi khi là cả những hy sinh cá nhân, thậm chí còn phải đối mặt với những nguy hiểm... Nhưng ông hy vọng, người làm báo dùng ngòi bút để diễn tả chân thực, khách quan, không ngại vất vả để mang lại những giá trị to lớn cho mình, cho đời và cho các thế hệ mai sau.

HÙNG MINH

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/ngon-lua-dam-me-trong-trai-tim-cuu-phong-vien-chien-truong-257866.html