Ngọn lửa nơi rẻo cao

Cách quốc lộ 279 chừng 5 km, ngày xưa, nhắc đến thôn Nà Đeo, xã Đà Vị (Na Hang) ai cũng lắc đầu ngán ngẩm bởi sự nhọc nhằn nơi thâm sơn, cùng cốc. Năm 2015, thôn Nà Đeo sáp nhập với thôn Bản Lục, thành thôn Bản Lục nhưng người dân vẫn quen gọi là Nà Đeo như một địa danh vì đã đi vào tiềm thức. Nơi đây đang từng ngày đổi thay với những ngôi nhà xây khang trang, những nụ cười tươi rói ẩn dưới những tán rừng xanh bạt ngàn vút tầm mắt.

Ngọn lửa dẫn lối

Những ngày tháng 10, trời thu se lạnh, ánh nắng sớm chói chang luồn qua những kẽ lá khiến con đường bê tông vừa nhỏ, khúc khuỷu, dựng đứng… như gần lại. Chúng tôi tìm đến nhà ông Chúc Tạ Quân, Bí thư Chi bộ thôn Bản Lục, người đã từng có nhiều năm làm cán bộ thôn Nà Đeo trước kia.

Ông Quân hồ hởi: "nhà báo đến đúng dịp sinh nhật tròn 60 của tôi đấy!".

Ông là người gốc xã Sinh Long, di cư lên Thượng Giáp, mãi đến năm 1991 mới về đây định cư. Ngày đấy ông có sức trẻ lại có nhiều sáng kiến giúp dân nên được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn năm 1994 khi mới hơn 30 tuổi, rồi kiêm luôn Bí thư Chi bộ vào đầu năm 1995. Gánh vác trọng trách lớn, ông Quân bảo, lúc đó cũng tự hào nhưng cũng cảm thấy sức nặng trong 2 từ "trách nhiệm".

Ông Chúc Tạ Quân, Bí thư chi bộ thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang).

Xưa kia, người Dao nơi đây quanh năm chỉ bám vào cây lúa, cây ngô, đất đồi ít nước, canh tác lạc hậu, cái đói, cái nghèo cứ lởn vởn chỉ trực bám chặt khi mất mùa. Không cam chịu, ông Quân tự mày mò, đi hỏi cán bộ nông nghiệp huyện Na Hang, chủ động đưa giống lúa thuần N203 và giống ngô Q2 về trồng trên triền ruộng của gia đình.

Sau 6 tháng thử nghiệm và đã thành công. Ông Quân bảo, bản Dao khi đó có 31 hộ dân, tôi như mở được nút thắt trong cơn khát lương thực, từ năm 1996, toàn dân Nà Đeo không còn ai bị đói, cái bụng được no, người dân dần nghĩ ra các hướng để phát triển kinh tế.

Năm 1996, ông Quân vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Na Hang được 3 triệu đồng, cộng thêm 1,5 triệu đồng vốn của gia đình, mua 3 con bò cái nuôi sinh sản. Khi ông nuôi bò để làm kinh tế nhiều hộ dân cũng "hồi hộp" xem kết quả, ông tự nhận là người may mắn, bởi từ năm 1995 đến nay, chưa bao giờ gặp thất bại về chăn nuôi do dịch bệnh, một phần cũng do tính cẩn thận, ham học hỏi. Năm 2000, ông Quân có trong tay 28 con bò, nhiều nhất xã, năm đó ông bán thu về 78 triệu đồng, một số tiền thực sự lớn. Ai cũng ngưỡng mộ.

Số tiền ấy, ông dành ra 30 triệu đồng để sửa sang lại nhà cửa, còn lại ông đầu tư mua 9 ha rừng, mua thêm trâu về nuôi. Ông kể, mình thích làm trước, thành công bà con làm theo là sự an toàn. Đất đồi nhiều nhưng toàn để hoang, hoặc cũng trồng cây kém hiệu quả, hình ảnh lão nông chi điền tự tay cải tạo đất, trồng rừng vẫn khắc sâu trong tâm trí nhiều người dân nơi đây.

Ông Quân tích cực vận động chị em phụ nữ tham gia phát triển kinh tế gia đình.

Như hiểu được thắc mắc của cánh nhà báo về thay đổi đàn vật nuôi, ông Chúc Tạ Quân chia sẻ, lúc đó các con đã trưởng thành đi học xa, sức khỏe của bản thân không được tốt nên ông đã chọn sang nuôi trâu, nuôi bò vất vả vì càng nắng bò càng đi lên cao, thức ăn cũng kén chọn, còn nuôi trâu thì dễ hơn nhiều. Đàn trâu của gia đình ông vẫn duy trì từ đó đến nay, và luôn có khoảng 10 con để làm kinh tế.

Cho dân vay vốn lãi suất 0 đồng

Người dân nơi đây kể, ông Quân còn giúp nhiều hộ dân về vốn sản xuất với lãi suất 0 đồng. Là người tiên phong, kinh tế gia đình ông Quân luôn đứng đầu trong thôn, có của, ông lại nghĩ giúp đỡ mọi người. Năm 2015, ông bán tỉa vài ha rừng trồng từ năm 2000 được gần 150 triệu đồng, lúc này trong thôn vẫn còn nhiều hộ nghèo, ông chủ động đến gia đình anh Chúc Ỳ Pú, hộ nghèo nhất thôn cho vay 20 triệu đồng để làm kinh tế.

Bản thân người được vay cũng rất đỗi ngạc nhiên, bởi số tiền lớn, lúc đầu anh từ chối, nhưng được ông Quân động viên, anh Pú đã vay và dùng số tiền để cải tạo đất rừng, mua thêm vật nuôi để phát triển sản xuất. Ông Quân kể, nhà Pú như có động lực, sau 1 năm đã trả được tiền, còn trả thêm 2 triệu tiền lãi nhưng ông không nhận, ông bảo, giúp là giúp, cứ mỗi hộ thoát nghèo là một niềm vui.

Nhớ lại dạo trước, hồi năm 2003, nhà nước có chủ trương làm tuyến đường từ Quốc lộ 279 lên thôn Nà Đeo (thôn cũ) dài 6 km, lúc này với vai trò là Trưởng thôn, ông đi vận động nhân dân hiến đất, người đầu tiên ông vận động là bố đẻ Chúc Y Và. Ngày đó con đường đi qua giữa thửa ruộng của gia đình, thấy con trai vận động, cũng thấy được lợi ích khi có đường giao thông, ông Và chủ động hiến 400 m2 đất dù hiến xong gia đình chỉ còn một mảnh ruộng nhỏ để canh tác.

Có kinh nghiệm về chăn nuôi nên ông Quân cũng thường xuyên giúp đỡ nhân dân phòng bệnh cho đàn gia súc.

Ông Quân cười dí dỏm, nhân dân thấy sự tiên phong dần dần làm theo. Ông chỉ tay đầy tự hào, con đường đi qua nhà 7 hộ dân, thì ai cũng đồng ý hiến. Ông Lý Văn Bình kể lại, con đường đi qua gia đình ông là nhiều nhất, được vận động, ông Bình mạnh dạn hiến 1.000 m2 đất nông nghiệp để làm đường.

Tấm Giấy khen của Huyện ủy Na Hang năm 2018 khen thưởng ông trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị được treo trang trọng giữa phòng khách. Ông kể, năm 2015, sau khi sáp nhập thôn và được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Bản Lục ông và bố đẻ Chúc Y Và còn hiến thêm đất làm trường học, rồi cả con đường nối khu dân cư Nà Po và Nà Đeo (cũ) với tổng diện tích hơn 1.300 m2. Gia đình tâm niệm, có trường học mới, bọn trẻ sẽ được thụ hưởng, được học hành đến nơi đến chốn, ngay cả con cái mình cũng được hưởng nên cả gia đình ai cũng vui vẻ chấp nhận.

Bản Lục hôm nay nổi tiếng ở xã Đà Vị với diện tích rừng, toàn thôn có 51 hộ dân thì 40 hộ có rừng, với tổng diện tích gần 200 ha. Nhiều hộ năm vừa rồi thu gần 1 tỷ tiền rừng như gia đình anh Bàn Văn Chiều hay gia đình anh Bàn Văn Hai, từng là hộ nghèo nhất trong thôn năm nay anh đã xây được nhà, mua sắm được phương tiện đi lại, anh Hai phấn đấu thoát nghèo cuối năm nay…

Đồng chí Dương Văn Nội, Bí thư Đảng ủy xã Đà Vị phấn khởi nói, đời sống của người dân thôn Bản Lục, trong đó có người dân Nà Đeo trước đây đã khấm khá hơn trước rất nhiều, số hộ nghèo mỗi năm một giảm, điều này có sự đóng góp rất lớn của Bí thư Chi bộ Chúc Tạ Quân. Dự kiến đến năm 2024 toàn thôn chỉ còn khoảng 15 hộ nghèo, góp phần cùng xã xây dựng nông thôn mới.

Chia tay chúng tôi, ông Quân quả quyết, thu nhập bình quân đầu người hiện là 28 triệu đồng/người/năm, nhưng nhà báo yên tâm, với những hướng đi làm kinh tế vững chắc như hiện nay thì vài năm nữa thu nhập sẽ đạt gần 40 triệu đồng. Hy vọng con số đó sẽ còn được nâng lên nhiều hơn để đời sống người dân nơi đây ngày càng sung túc.

Ghi chép: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/ngon-lua-noi-reo-cao-182095.html