Ngổn ngang phân loại rác tại nguồn

Tại cuộc họp cập nhật công tác triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào sáng 7-10, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phê bình Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thiếu chủ động, không sâu sát, không quyết liệt trong việc triển khai các nhiệm vụ.

Tại cuộc họp cập nhật công tác triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào sáng 7-10, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phê bình Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thiếu chủ động, không sâu sát, không quyết liệt trong việc triển khai các nhiệm vụ.

“Kế hoạch lớn, chủ trương lớn như vậy thì phải quyết liệt như đi đánh trận. Xung trận rồi mà không chuẩn bị súng ống gì cả thì thua chứ sao mà thắng nổi. Tuyên truyền thì phải hành động chứ nói suông về mục đích, ý nghĩa thì sao nhân dân tin mà hưởng ứng”, ông Dũng nghiêm khắc phê bình.

Kế hoạch phân loại rác tại nguồn của Đà Nẵng nhằm tái sinh rác tái nguyên và giảm tỷ lệ chôn lấp, giảm áp lực cho bãi rác Khánh Sơn.

Kế hoạch phân loại rác tại nguồn của Đà Nẵng nhằm tái sinh rác tái nguyên và giảm tỷ lệ chôn lấp, giảm áp lực cho bãi rác Khánh Sơn.

Còn nặng hình thức, người dân bối rối!

Báo cáo cập nhật công tác triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, từ tháng 4-2019 tới nay, các cơ quan liên quan đã thực hiện công tác khảo sát, điều tra, xác định các điểm tập kết rác và tập huấn cho lực lượng nòng cốt tại quận huyện, phường. Riêng 2 phường thí điểm là Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam của Q. Hải Châu, công tác cổ động trực quan, phát tờ rơi, túi đựng rác tái chế cho hộ gia đình, thùng đựng rác tập trung tại phường, hướng dẫn cũng bước đầu tiến hành, phổ biến đến người dân và doanh nghiệp trong khu vực thí điểm. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Hà, các hoạt động triển khai trên thực tế đều không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, chủ trương của thành phố. Trong đó, hạng mục quan trọng nhất là mua sắm trang thiết bị, dụng cụ với kinh phí đầu tư gần 13 tỷ đồng được giao cho Ban Quản lý dự án hạ tầng và Phát triển đô thị thực hiện chưa triển khai.

Theo bà Phạm Thị Thanh Thủy – Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, việc triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. “Mình tuyên truyền là phân các loại rác riêng ra tại hộ gia đình nhưng đến khi đưa ra điểm tập trung thì lại bỏ chung vào một thùng là không có ý nghĩa. Công nhận thu gom chưa có tín hiệu thông báo riêng mà dùng nhạc trên điện thoại quá nhỏ, đến khi dân mang rác ra thì xe đã chạy mất rồi. Mình hô hào triển khai nhưng không cụ thể thì dân không phục”, bà Thủy cho hay. Trong khi đó, lãnh đạo P. Hải Châu 1 thì cho rằng cả xe thu gom cũng như thời gian thu gom rác của chương trình này còn nhiều bất cập khiến người dân chưa hiểu rõ và chưa thích ứng kịp. Trong khi các loại rác như giấy các – tông, kim loại dễ phân loại thì các loại hộp sữa và túi ni-lông đang rất khó xử lý. Một số ý kiến còn cho rằng, việc phân loại rác để bán và trích kinh phí lại cho các khu dân cư chưa được thông báo rộng rãi, không ghi chép cụ thể khiến người dân chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của việc này. Chính vì vậy, nhiều người vẫn chọn cách giữ lại các loại rác như bìa các – tông, chai nhựa, lon bia... để bán riêng.

Đánh giá kết quả sau hơn 5 tháng thực hiện, bà Nguyễn Thị Kim Hà cho biết, dù đã có những chuyển biến ban đầu nhưng các nhiệm vụ quan trọng ở cấp thành phố không đạt kế hoạch. Trong khi đó, ở 2 phường thí điểm thì số lượng thu gom rác tái chế tại các hộ gia đình còn ít, sự vào cuộc của người dân và các cơ sở kinh doanh còn ít, số tiền bán rác tái chế chưa đủ bù đắp kinh phí đầu tư phương tiện và trả nhân công.

Dù đã được triển khai 4 tháng nhưng rất nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ chủ trương phân loại rác tại nguồn.

* Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, tính đến tháng 9-2019, có 10 doanh nghiệp tham gia tài trợ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ kế hoạch phân loại rác của thành phố. Dụng cụ tài trợ chủ yếu là thùng rác 2 ngăn, 3 ngăn, túi đựng rác tái chế và sản phẩm cổ động trực quan. Trong thời gian này, 2 phường Hòa Cường Nam và Hải Châu 1 đã thực hiện 30 đợt thu gom rác tái chế, thu về gần 13 triệu đồng trang trải các chi phí.

Mục tiêu là tái chế rác tài nguyên, giảm tỷ lệ chôn lấp

Ông Đặng Việt Dũng lấy một câu chuyện để chứng minh việc triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn còn mang nặng tính hình thức là câu chuyện bao bì đựng rác phân loại. Vì chính người dân cũng phản ánh là không hiểu vì sao phía ngoài bao bì được vẽ thành 3 ngăn để chứa các loại rác khác nhau nhưng phía trong lại không có ngăn! “Làm như đánh đố người dân, hài hước, bôi bác không chịu được! Tuyên truyền thì cho thực tế, gắn liền với hành động cụ thể, chứ không hành động thì làm sao mà dân nghe, dân tin được. Họ lại cười cho”, ông Dũng gay gắt. Phó Chủ tịch UBND thành phố phê bình đích danh đầu mối của công việc này là Sở Tài nguyên và Môi trường và cho rằng Sở này ít giao ban, báo cáo tiến độ, không sâu sát cơ sở.

Trong quá trình rà soát công việc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết thông tin báo cáo là đến thời điểm hiện tại là đã qua 4 tháng triển khai kế hoạch nhưng Ban Quản lý dự án hạ tầng và Phát triển đô thị được giao nhiệm vụ thực hiện mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác thu gom vẫn chưa hoàn thành công việc được giao. Lãnh đạo đơn vị này cho biết phải qua năm 2020 thì mới có thể hoàn thành các thủ tục đấu thầu, bố trí vốn. Về việc tận dụng rác tái sinh để bán nhằm trang trải chi phí phương tiện, nhân công cũng như trích lại cho khu dân cư, ông Dũng cho rằng việc này cần phải công khai, nói rõ cho dân biết ý nghĩa để đồng thuận thực hiện. Tuy nhiên, mục đích lớn hơn của việc này là tái chế sinh rác tài nguyên và giảm tỷ lệ chôn lấp, giảm áp lực cho bãi rác Khánh Sơn chứ không phải là gom rác tái chế để thu về bao nhiêu tiền.

Để kế hoạch đạt được những kết quả tích cực nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong nhân dân, ông Dũng yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải quyết liệt trong triển khai thực tế. Vì sau hơn 4 tháng, chủ trương rất đúng đắn, kế hoạch đề ra hoành tráng nhưng phương pháp thực hiện thì đang thất bại. “Việc phân loại rác tại nguồn nhằm mục đích bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm lượng rác phải xử lý đưa lên bãi và tái chế rác tài nguyên phục vụ đời sống xã hội. Công việc này phải được thực hiện bền bỉ, lâu dài để trở thành thói quen tốt trong đời sống mỗi người dân. Phải quyết liệt, để người dân hiểu, tin và hưởng ứng thì mới mong có hiệu quả”, ông Dũng nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện việc đầu tư mua sắm các thiết bị phương tiện, huy động xã hội hóa để tham gia, đảm bảo cho việc triển khai thực hiện công tác này trong năm 2020 đạt kết quả tốt.

ĐÔNG A

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_213921_ngon-ngang-phan-loai-rac-tai-nguon.aspx