Ngôn tình – lực cản văn hóa đọc với học sinh THPT

Không thể phủ nhận giá trị giải trí mà truyện ngôn tình mang lại, tuy nhiên, trong các nhà trường THPT, nó đang là lực cản văn hóa đọc của học sinh – thế hệ tương lai của đất nước.

Cô giáo Phạm Phương Hoài, GV trường THPT Đồng Lộc, huyện can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Cô giáo Phạm Phương Hoài, GV trường THPT Đồng Lộc, huyện can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Khi bước vào một lớp học, tôi thường hỏi học sinh về những quyển sách văn học mà các em đã đọc. Các em chỉ nhìn nhau và cười. Rất nhiều em không thể nhớ nổi tên tác phẩm vừa học cách đó mấy tháng.

Thế nhưng, nếu hỏi các em đã đọc những quyển truyện ngôn tình nào, các em sẽ thi nhau kể đầy hào hứng, và tự hào về “thành tích” đọc nhiều của mình. Có không ít lần tôi nhìn thấy các em trao đổi, chuyền tay nhau những quyển ngôn tình vào những giờ ra chơi; và kéo theo đó là những đôi mắt thâm quầng vì thức đêm đọc truyện.

Vì sao ngôn tình hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh?

Tiểu thuyết ngôn tình bắt nguồn từ sự “thương mại hóa” của nền văn học mạng tại Trung Quốc. Dù có rất ít giá trị văn học hay nghệ thuật, nhưng tiểu thuyết ngôn tình hướng tới đề tài giới trẻ rất thích: Những câu chuyện tình cảm lâm li bi đát kết hợp với sự đơn giản, dễ đọc, ít có tính gợi mở, suy ngẫm.

Những quyển sách ấy rất được các em học sinh thích thú, bởi vì tác động được vào tâm lí của lứa tuổi đầy mộng mơ, nhạy cảm và đầy sự tò mò với thế giới, đặc biệt là những câu chuyện tình yêu đẹp, những “soái ca” trong mộng,... Cũng có những em vẫn đọc những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới nhưng thừa nhận rằng đọc tiểu thuyết tình cảm dễ hiểu và cuốn hút hơn so với việc cảm nhận một tác phẩm văn học hay một cuốn sách khoa mang nặng tính phân tích tư duy có giá trị.

Ngôn tình đã cản trở văn hóa đọc như thế nào?

Có thể nói truyện ngôn tình đã đáp ứng được một nhu cầu quan trọng trong cuộc sống, đó là giải trí. Sau những giờ học tập hay làm việc căng thẳng, thay vì xem phim hay nghe nhạc, thì một số người lựa chọn đọc ngôn tình. Nhưng điều đáng nói, ở lứa tuổi học sinh THPT, các em chưa thể kiểm soát thú vui giải trí này của mình một cách hợp lí.

Vì vậy, nó chiếm mất ở các em quá nhiều thời gian, dẫn đến không còn không gian nào cho những tác phẩm văn học đích thực, cho những quyển sách khoa học hay lĩnh vực khác; thậm chí là thời gian dành cho việc học, cho các quan hệ gia đình, xã hội.

Những cuốn tiểu thuyết ngôn tình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy, quan niệm sống của học sinh. Và khi không đủ sức đề kháng, các em sẽ dần bị nghiện những loại sách ngôn tình độc hại, biến tướng. Hệ quả rõ nhất là dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống và con người, thậm chí “lệch” khỏi những chuẩn mực cơ bản về đạo đức và giá trị truyền thống.

Đọc những tác phẩm dễ dãi như truyện ngôn tình sẽ làm “tầm thường hóa” thị hiếu thẩm mĩ của chúng ta, đặc biệt là các em học sinh. Những cốt truyện dễ đoán, những tính cách đơn giản, một chiều, với chủ đề được ưa chuộng là tình yêu, truyện ngôn tình hạ thấp văn hóa đọc của học sinh. Đã quen đọc những quyển sách như thế, các em khó lòng yêu thích những quyển sách không nói về tình yêu, không có những “soái ca” trong mộng, không kể chuyện dễ hiểu, nhiều yếu tố nghệ thuật đặc biệt, kết thúc lại không rõ ràng.

Hơn nữa, các em không thể “cảm” được những thông điệp hay dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Nhiều em, dù đã hạ quyết tâm đọc các tác phẩm văn học, nhưng cầm trên tay mà vẫn không thể kiên trì đọc hết quyển sách được. Thật đáng buồn! Giá trị giáo dục, giá trị thẩm mĩ, tính nghệ thuật, … lại bị các em hết sức xem nhẹ. Như vậy, ngôn tình tiềm ẩn hậu họa khôn lường đối với giới trẻ, đặc biệt là học sinh THPT. Một trong số đó chính là hạ thấp ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, cản trở các em với văn hóa đọc đích thực.

Bài toán chưa có lời giải

Làm thế nào để hạn chế sự ảnh hưởng của ngôn tình, đồng thời nâng cao văn hóa đọc cho học sinh THPT là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.

Thiết nghĩ, trước hết các em học sinh cần được định hướng về văn hóa đọc, về ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc; về giá trị giải trí, giá trị giáo dục, giá trị thẩm mĩ, giá trị nghệ thuật… của văn học.

Hãy giúp các em trong việc lựa chọn sách, phân biệt đâu là ấn phẩm chất lượng thấp và đâu là những ấn phẩm có giá trị văn hóa,…Từ đó, phát triển thói quen đọc sách tìm kiếm tri thức ở học sinh, đẩy lùi sự ảnh hưởng của những quyển sách ngôn tình giải trí. Và cũng rất cần có sự phối kết hợp giữa phụ huynh và nhà trường trong việc quản lí học sinh.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao hạn chế sự xuất hiện tràn lan của những quyển truyện ngôn tình này ở các quầy sách. Điều này chưa thể làm được trong một sớm một chiều. Nhưng hi vọng, với sự nâng cao nhận thức, thị hiếu thẩm mĩ và văn hóa đọc của người dân, sách ngôn tình sẽ mất dần “không gian” tồn tại và sức ảnh hưởng của nó.

Theo Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ngon-tinh-luc-can-van-hoa-doc-voi-hoc-sinh-thpt-3949503-c.html