Ngọt, bùi gà bản chấm trám đen

Đến Bình Liêu, được thưởng thức hương vị món gà bản chấm trám đen của bà con dân tộc Tày với vị ngọt, thơm của gà, vị bùi của quả trám đen là một trải nghiệm tuyệt vời.

Tôi là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở Bình Liêu - huyện miền núi nhỏ có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số. Gọi là thiểu số nhưng dân tộc Tày của chúng tôi chiếm trên 60% dân số ở huyện Bình Liêu. Tuổi thơ tôi lớn lên cùng những cây trám với thân cây to lớn, tán cây tỏa bóng mát, lũ trẻ chúng tôi thường chạy nhảy dưới tán cây trám. Cây thường ra hoa vào tháng hai, quả chín vào tháng bảy, tháng tám. Quả trám đen có hình thoi, 2 đầu nhọn, khi chín vỏ có màu đen bóng, thịt màu tím đỏ, trong hạt có nhân màu trắng.

Mỗi khi đến mùa trám chín, gia đình tôi huy động các thành viên trong gia đình lại để cùng nhau thu hoạch. Người khỏe thì leo lên vụt quả, còn những đứa thấp bé như tôi thì ở dưới nhặt quả cho vào bao. Trám sau khi thu hoạch về được rửa sạch, sau đó ngâm ở nước nóng 15 đến 20 phút với nhiệt độ khoảng 70 độ C. Bà tôi bảo ngâm như thế quả mới mềm và dễ bóc vỏ, tách hạt. Quả trám sau khi được làm sạch vỏ và tách hạt sẽ được trộn với muối trắng để dùng dần, đặc biệt là dùng kèm với thịt gà. Tôi vẫn nhớ nhà tôi thường dùng khá tiết kiệm để dành đến tết còn chấm với thịt gà bản.

Trám đen được ủ kỹ và trộn với muối trắng để dùng kèm với thịt gà hoặc làm gia vị chấm cho các món ăn khác.

Gọi là gà bản bởi đây là giống gà địa phương, chân nhỏ, thân thấp, bé, nặng từ 1,3 đến 1,8kg. Gà thường được nuôi thả rông, được cho ăn vào sáng sớm và đến xế chiều mới về cho ăn thóc, gạo tiếp; đêm ngủ trên các cành cây. Thịt gà bản vàng giòn, săn chắc, ngọt thơm một cách đặc biệt mà không béo ngậy.

Thịt gà bản có thể chế biến thành nhiều món: Luộc, rang, kho gừng rượu… nhưng phổ biến nhất vẫn là luộc. Bà tôi thường bảo ăn thịt gà bản mà thiếu món trám đen thì như thiếu đi một phần ký ức. Cho nên, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa trám gia đình tôi lại để dành một ít trong lọ để tết đem ra chấm thịt gà bản. Hai thứ này kết hợp với nhau sẽ tạo thành món ăn ngon, đậm vị với vị ngọt của gà, vị bùi bùi thơm thơm của quả trám đen.

Gà bản chấm trám đen là trải nghiệm tuyệt vời cho thực khách.

Tôi lớn lên, vì nhiều lý do mà bố, mẹ tôi chặt cây trám đen đi, bà nội tôi cứ tiếc mãi. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa trám, mẹ tôi lại ra chợ mua vài cân trám đen để chế biến cho cả nhà ăn. Một kg trám đen thường có giá từ 60 đến 80.000 đồng. Bà nội thường ăn với cháo trắng thay thức ăn và lúc nào cũng không quên cất một phần để dành ăn vào ngày tết cổ truyền.

Năm nay là năm thứ 5 tôi đi lấy chồng, theo truyền thống của người Tày, mùng 2 Tết con cháu đi lấy chồng thường về chúc tết ông bà ngoại. Tôi cũng không ngoại lệ, cả đêm tôi chỉ mong sao trời sáng để được về với bà, với bố mẹ, để cùng nhau ôn lại những ký ức đẹp đẽ, bên mâm cơm gia đình cùng thưởng thức món gà bản chấm trám đen. Nếu bạn có dịp đến Bình Liêu cũng đừng quên thưởng thức món ăn này nhé, biết đâu món ăn này sẽ mang lại cho bạn một ký ức đẹp về vùng đất và con người nơi đây.

La Lành (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201902/ngot-bui-ga-ban-cham-tram-den-2422877/