Ngư dân Cà Mau cứu nhiều người nước ngoài gặp nạn trên biển

Thời gian qua, trong khi hoạt động đánh bắt trên biển, ngư dân Cà Mau đã phát hiện, cứu vớt được nhiều người nước ngoài gặp nạn, bị trôi dạt trên biển trong tình trạng hết sức nguy kịch. Khi vớt được, họ đã liên lạc báo cho BĐBP. Có những trường hợp, ngư dân ngừng hoạt động để đưa người gặp nạn vào bờ để cấp cứu, chấp nhận lỗ hàng trăm triệu đồng chi phí đầu tư cho chuyến khai thác dài ngày...

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc mua áo mới tặng Tha Quăn Chăm Ba Thon. Ảnh: Lê Khoa

Vào cuối tháng 6-2014, Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau tiếp nhận nạn nhân tên Tha Quăn Chăm Ba Thon, quốc tịch Thái Lan, do tàu đánh cá Kim Ngân, ở Sông Đốc phát hiện, cứu vớt trên vùng biển cách Hòn Khoai khoảng 85 hải lý về hướng Đông Nam. Sau đó, tàu này nhờ tàu cá mang số BT 93167 TS đưa vào bờ trình báo và bàn giao cho Đồn Biên phòng Sông Đốc.

Theo lời kể của Tha Quăn Chăm Ba Thon thì anh làm thuê cho 1 tàu đánh cá của Thái Lan. Tàu đến vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia đánh bắt thủy sản. Làm việc được khoảng 10 ngày thì Ba Thon nghe các thuyền viên khác cho biết là bị bán xuống tàu để làm việc, nếu không làm sẽ bị thuyền trưởng bắn chết. Vì sợ, nên lợi dụng sơ hở của thuyền trưởng, Ba Thon đã ôm can nhựa nhảy xuống biển, bơi về hướng Việt Nam. Sau đó, anh được tàu cá của Việt Nam phát hiện, cứu vớt.

Cùng quốc tịch Thái Lan và cũng cùng hoàn cảnh bị đe dọa tính mạng khi làm thuê trên tàu đánh cá, nạn nhân có tên Nai Xỏm Phôn Khăm Mã, được ngư dân Việt Nam cứu vớt vào năm 2015 và Đồn Biên phòng Rạch Gốc chăm sóc nhân đạo cũng được đối xử như những người bạn. Khăm Mã cho biết, anh làm thuê trên 1 tàu đánh cá, nhưng thường xuyên bị thuyền trưởng đánh đập. Lợi dụng đêm tối, anh nhảy xuống biển với hy vọng được sống sót. Sau 3 ngày trôi dạt trên biển, Khăm Mã được 1 tàu cá của Việt Nam phát hiện, cứu vớt, trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.

Sau khi tiếp nhận từ tàu cá, Đồn Biên phòng Rạch Gốc tổ chức khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân. Khi sức khỏe nạn nhân ổn định, đơn vị tiến hành làm các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam để anh được về đoàn tụ với gia đình. Khăm Mã được anh em bộ đội cho quần áo, ăn uống đảm bảo nên sức khỏe bình phục nhanh, hàng ngày còn được bộ đội mua cho cà phê, thuốc lá để sử dụng.

Những ngày ở Đồn Biên phòng Sông Đốc, Chsôi Sà Rum, Hua Pho Ly và Sim Cal (quốc tịch Campuchia, gặp nạn trên biển, được ngư dân Việt Nam cứu vớt) luôn được cán bộ, chiến sĩ đơn vị đối xử như những người bạn thân, chăm sóc ăn, ngủ, thăm hỏi, động viên và dạy tiếng Việt. Cả 3 đều chăm chỉ, tích cực tham gia lao động dọn vệ sinh doanh trại cùng bộ đội. Bằng vốn tiếng Việt lơ lớ mới học, họ liên tục nói: "Cảm ơn, cảm ơn".

Một cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc cho biết, những ngày ở đồn Biên phòng, 3 người bạn Campuchia rất vui vẻ, hiền lành, chịu khó. Họ được đơn vị mua cho quần áo, dép và các đồ dùng cá nhân. Biết họ nôn nóng được đoàn tụ sớm với gia đình, đơn vị đã tham mưu, đề xuất Bộ Chỉ huy tạo điều kiện hoàn thành nhanh nhất các thủ tục bàn giao họ cho nước bạn.

Từ năm 2012 đến nay, trong khi hoạt động trên biển, ngư dân Cà Mau đã phát hiện, cứu vớt 17 người nước ngoài gặp nạn trên biển; trong đó, nạn nhân quốc tịch Campuchia 8 người; Myanmar 4 người và Thái Lan 5 người. Ngư dân đã bàn giao các nạn nhân cho BĐBP chăm sóc nhân đạo, trao trả về nước đoàn tụ cùng gia đình.

Anh Huỳnh Việt Trung, ngư dân ở Sông Đốc, là thuyền trưởng tàu đánh cá trực tiếp cứu vớt các nạn nhân người nước ngoài trôi dạt trên biển kể lại: Năm 2014, trong một lần đang cho tàu chạy tìm luồng cá trên biển thì anh phát hiện phía trước tàu có người đang trôi. Anh kêu gọi anh em nhanh chóng cứu vớt.

Khi vớt lên tàu thì toàn thân nạn nhân bất động. Thấy miệng nạn nhân còn mấp máy, hơi thở yếu, anh biết còn cứu sống được, nên cùng anh em đưa ngay vào bờ và báo cho BĐBP. Trên đường chạy vào đất liền, anh em cho uống nước, xoa bóp chân tay, lau người bằng nước ấm, cho uống nước cháo loãng, họ dần tỉnh lại.

Đến một ngày, niềm vui của Chsôi Sà Rum, Hua Pho Ly và Sim Cal được nhân đôi khi đồn Biên phòng thông báo đã hoàn thành thủ tục và sẽ được Tổng Lãnh sự quán Campuchia đón nhận tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Sau khi làm xong thủ tục bàn giao, ông Sin Si Ya, Tổng Lãnh sự quán Campuchia tại Việt Nam nói: “Chúng tôi xin tiếp tục được cảm ơn UBND tỉnh Cà Mau, nhân dân và BĐBP Cà Mau đã cứu vớt, chăm sóc các nạn nhân người Campuchia gặp nạn trên biển trong nhiều năm qua. BĐBP Cà Mau còn cho xe chở các nạn nhân đến tận biên giới để họ về nhà. Chúng tôi luôn biết ơn, đồng thời khẳng định thêm tình hữu nghị, phát triển bền vững giữa hai nước”.

Sự quan tâm, giúp đỡ những nạn nhân người nước ngoài gặp nạn trong thời gian qua của ngư dân và BĐBP Cà Mau đã nói lên tình đoàn kết, hữu nghị và tính nhân văn sâu sắc cũng như chính sách, pháp luật nhân đạo của Việt Nam.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngu-dan-ca-mau-cuu-nhieu-nguoi-nuoc-ngoai-gap-nan-tren-bien/