Ngư dân Đà Nẵng rộn ràng Lễ hội cầu ngư

Lễ hội Cầu ngư năm 2023 là lễ lớn nhất trong năm của ngư dân Đà Nẵng, thể hiện tinh thần cốt lõi cho việc bảo tồn và phát triển lễ hội truyền thống; là bằng chứng vật chất, tinh thần, khẳng định chủ quyền biển đảo của người dân. Lễ hội Cầu ngư – Đà Nẵng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ sáng 10/2 (nhằm 20 tháng Giêng năm Quý Mão 2023), tại bãi biển đường Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng đã diễn ra Lễ hội Cầu ngư truyền thống năm 2023 với phần lễ gồm các nghi lễ truyền thống và phần hội mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng biển Đà Nẵng.

Các bô lão làng biển rước kiệu Lễ cầu mưa thuận gió hòa, ngư dân bội thu tôm cá trong năm 2023.

Các bô lão làng biển rước kiệu Lễ cầu mưa thuận gió hòa, ngư dân bội thu tôm cá trong năm 2023.

Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là sản phẩm đặc trưng của ngư dân Đà Nẵng.

Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là sản phẩm đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam. Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải lấy hình tượng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Đối với đời sống cộng đồng miền biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa - cầu ngư, tế ngư thần, bày tỏ khát vọng một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”.

Tại TP Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng không chỉ thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, có công lập miếu, đền, lăng thờ cá Ông, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu mong trời yên biển lặng, tàu thuyền được thuận buồm xuôi gió, mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân được ấm no hạnh phúc. Mà còn là dịp để tuyên truyền quảng bá, tạo điểm nhấn về hoạt động văn hóa - lễ hội, tăng khả năng thu hút khách du lịch nhằm phát triển kinh tế địa phương.

Đồng thời khơi dậy ý thức tự hào và tinh thần trách nhiệm cộng đồng dân cư, tự nguyện giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ mai sau bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể. Lễ hội cũng đề cao giá trị cố kết cộng đồng trong đời sống hiện đại, điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

Lễ hội Cầu ngư đã diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao liên quan đến văn hóa miền biển như gánh cá, đan lưới, ngoáy thúng, đua thuyền... thu hút sự quan tâm của người dân và du khách.

Năm nay, lễ hội Cầu ngư được diễn ra trong 3 ngày gồm các nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động hội. Phần hội được tổ chức đan xen nhiều hoạt động mang đậm tính dân gian của làng chài như: đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, ẩn thực “Mâm hương vị biển”; hát tuồng, hô hội bài chòi; những môn thể thao vận động trên biển như: biểu diễn dù lượn, mô tô lướt sóng, đua thuyền... tạo không khí vui tươi, náo nức trước khi bước vào vụ đánh bắt năm; thu hút đông đảo ngư dân, người dân và du khách tham gia.

Ngoài ra, Ban Tổ chức tổ chức các gian trưng bày như: mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, gian hàng trưng bày sản phẩm thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản của Nhân dân 3 phường ven biển, các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của 10 phường trên địa bàn quận...

Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/ngu-dan-da-nang-ron-rang-le-hoi-cau-ngu-i683094/