Ngư dân Nghệ An đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa

Tâm huyết với nghề khai thác hải sản và tình yêu dành cho biển, đảo, ngư dân (Quỳnh Lưu) Nghệ An đã đầu tư lắp đặt trang thiết bị hiện đại, mua sắm ngư lưới cụ, các phương tiện đảm bảo an toàn để vươn khơi ra ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Đội tàu cá lớn nối nhau vươn khơi, bám biển.

Đội tàu cá lớn nối nhau vươn khơi, bám biển.

Ngư dân Phạm Hồng chủ tàu cá NA 955886 - TS ở xóm 3, xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Ngoài ngư trường khai thác truyền thống là Vịnh Bắc Bộ thì hai năm nay, anh cùng các thuyền viên trên tàu cá đã đến Hoàng Sa đánh bắt các loại hải sản. Mặc dù có những khó khăn nhưng anh luôn biết cách động viên để anh em lao động trên tàu không nản chí, quyết tâm bám trụ lại ngư trường mới để vừa phát triển kinh tế, vừa là cột mốc sống góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Mỗi chuyến 15 ngày, tàu anh khai thác đạt sản lượng từ 5 – 10 tấn cá, mực, tổng giá trị thu về từ 300 – 400 triệu đồng.

Mặc dù đánh bắt ngư trường xa ngư dân gặp rất nhiều khó khăn nhưng sản lượng đánh bắt luôn đạt cao. Ảnh: Hồng Diện

Mỗi chuyến đi biển ở những nơi xa này, phải mất nhiều thời gian hơn so với đi vùng Vịnh Bắc Bộ nên tranh thủ những ngày nghỉ trăng, ngư dân lại tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm để sẵn sàng vươn khơi. Ngư dân Nguyễn Văn Tính, xã Tiến Thủy chia sẻ: Tính đến thời điểm hiện nay, tàu của gia đình ông đã có 8 chuyến ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Mỗi chuyến vươn khơi xa phải tốn hơn 100 triệu đồng chi phí, cao hơn 30 – 50 triệu đồng so với ra ngư trường truyền thống.

Mỗi lúc ra khơi xa các tàu đều đi theo tổ, đội, nhóm nhằm tạo sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi khai thác hay lúc gặp thiên tai, bất lợi trên biển nên hiệu quả kinh tế được nâng cao rõ rệt. Sau 10 – 15 ngày khai thác, tàu của ông trở về cập cảng cho mỗi thuyền viên thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng.

Huyện Quỳnh Lưu có gần 1.200 phương tiện tàu thuyền tham gia khai thác hải sản, trong đó có 450 phương tiện có công suất từ 400 CV trở lên, đủ điều kiện vươn khơi khai thác ở các vùng biển lớn. Năm 2015, Quỳnh Lưu mới chỉ có 1 tàu đi đánh bắt thủy sản ở Hoàng Sa nhưng đến năm 2019, toàn huyện đã có 61 tàu tham gia đánh bắt ở ngư trường này. Xác định đây là một ngư trường tiềm năng nên thời gian qua, các cấp, các ngành huyện Quỳnh Lưu đã tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân đăng ký khai thác ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Tàu đánh bắt Hoàng Sa, Trường Sa trúng nhiều mẻ cá hố xuất khẩu. Ảnh: Hồng Diện

Đồng thời để tiếp sức cho ngư dân bám biển, huyện đã thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ về xăng dầu theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, các tàu còn được hỗ trợ 1 máy thông tin liên lạc tầm xa gắn hệ thống tích hợp vệ tinh trị giá 28 triệu đồng. Từ đó, giúp các tàu cá liên lạc, trợ giúp lẫn nhau ngoài biển khơi và nhất là khi phát hiện tàu lạ của nước ngoài thì kịp thời thông tin về cho cơ quan chức năng xử lý.

Ông Bùi Xuân Trúc – Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết:Đến thời điểm này huyện hỗ trợ kinh phí theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ cho các tàu là 21 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang tiếp tục phát huy vai trò của đảng ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân khắc phục những khó khăn, kiên trường bám biển, thực hiện những chuyến biển xa nhiều hơn, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Hồng Diện

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/ngu-dan-nghe-an-danh-ca-o-vung-bien-hoang-sa-truong-sa-260196.html