Ngư dân Nhật sợ hãi vì nước thải phóng xạ Fukushima

Tròn 12 năm kể từ thảm họa Fukushima, người dân nơi đây vẫn chưa thể yên tâm khôi phục đời sống khi mối đe dọa phóng xạ vẫn hiện hữu.

Dưới ánh trời đỏ tươi của buổi bình minh lạnh lẽo, ông Haruo Ono bốc dỡ cá bơn, cá vược và cua lên bờ tại cảng Shinchimachi. Là một ngư dân thế hệ thứ ba, ông lão 71 tuổi đã ra khơi trong hơn nửa thế kỷ.

Nơi ông đánh bắt chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 55 km, theo Reuters.

Ngày 11/3/2011, một vụ động đất 9,1 độ richter đã làm rung chuyển bờ biển phía đông bắc Nhật Bản, gây ra sóng thần cao đến 40 mét ập vào đất liền.

Nhà máy điện hạt nhân Fukishima nằm gần bờ biển đã bị sóng thần làm hỏng hoàn toàn hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây sự cố rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng.

Ông Ono khi đó đang lênh đênh trên biển, may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng cơn sóng thần đã tàn phá Shinchimachi và xóa sổ ngôi nhà của ông.

Thảm họa Fukushima khiến ngư dân như ông Ono phải ngừng đánh bắt cá trong hơn một năm vì lo lắng bức xạ.

Ông Haruo Ono gỡ lưới sau chuyến đánh bắt đêm. Ảnh: Reuters.

Nỗi lo lặp lại

Đúng 12 năm sau thảm họa, chính phủ Nhật Bản và nhà điều hành Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đang chuẩn bị xả nước thải đã qua xử lý ra đại dương.

Kế hoạch đang được tiến hành với tốc độ nhanh chóng, bất chấp sự phản đối của ngư dân và cộng đồng địa phương. Thành công hay thất bại của dự án có thể tác động sâu rộng đến chính sách hạt nhân của đất nước.

Shinchimachi vẫn đang phục hồi ngành công nghiệp đánh bắt hải sản. Nhưng mối đe dọa mới từ kế hoạch xả thải có thể xóa sổ những tiến bộ ngư dân đã đạt được trong một thập kỷ qua.

TEPCO có kế hoạch sớm bắt đầu giải phóng hơn một triệu tấn nước phóng xạ từ nhà máy ra biển. Khu phức hợp nhà máy hiện có khoảng 1.060 bể chứa nước đã qua xử lý.

Sau khi thảm họa kép đánh sập hệ thống làm mát, TEPCO đã bơm nước vào hệ thống để giảm nhiệt cho các thanh nhiên liệu, tạo ra khoảng 100 tấn nước thải mỗi ngày. Tổng lượng nước thải hiện tại đủ để lấp đầy khoảng 500 bể bơi cỡ Olympic.

Từ bãi biển, có thể nhìn thấy một chiếc thuyền đang đổ bê tông, cách nơi xả nước khoảng 1 km. Việc xây dựng đường hầm để giải phóng nước được cho là đã hoàn thành khoảng 80%, theo Nikkei Asia.

Ông Haruo Ono và các ngư dân khác rửa cá ngần để bán. Ảnh: Reuters.

“Đã 12 năm trôi qua và giá cá đang tăng lên. Cuối cùng chúng tôi cũng hy vọng sẽ thực sự tiếp tục kinh doanh”, ông Ono chia sẻ. “Nhưng bây giờ họ lại thảo luận về việc giải phóng nước thải. Chúng tôi sẽ trắng tay một lần nữa. Thật không thể chịu đựng nổi”.

Các quan chức Nhật Bản cho biết các bồn nước phải được gỡ bỏ để tái thiết nhà máy. TEPCO và chính phủ Nhật Bản khẳng định nước đã an toàn sau khi được xử lý, lọc và pha loãng.

Tuy nhiên, nước có chứa dấu vết của tritium. Việc xả thải nước ra biển sau khi pha loãng nồng độ phóng xạ dưới mức tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Nhưng điều đó không đủ thuyết phục những người hoài nghi, đặc biệt là ngư dân.

Đồng vị phóng xạ tritium được coi là tương đối vô hại, nhưng ngư dân và nông dân lo ngại nước thải sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với công việc kinh doanh.

Việc xả thải này sẽ lại khiến người tiêu dùng lo ngại, không mua hải sản của ngư dân Fukushima. Họ đã phải vật lộn nhiều năm để khôi phục danh tiếng sản phẩm.

“Chúng tôi ở đây, ở Fukushima hoàn toàn không làm gì sai. Tại sao họ phải làm rối tung đại dương của chúng tôi? Đại dương không chỉ thuộc về con người. Nó cũng không phải thùng rác”, ông Ono nói.

Các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối việc xả thải, dù một số lo ngại đã được giảm bớt.

Thảm họa kép cướp đi tất cả

Fukushima có truyền thống đánh bắt cá lâu đời và đáng tự hào. Khu vực này từng gửi cá bơn cống vật cho các lãnh chúa phong kiến. Nhưng cơn sóng thần năm 2011 đã lấy đi tất cả.

Sau thảm họa, ông Ono hầu như không còn gì. Gia đình ông may mắn sống sót, nhưng em trai ông đã thiệt mạng khi biển động.

Ngôi nhà mới của ông Ono nằm sâu trong đất liền, được bao quanh bởi những ngôi nhà mới khác, trên con đường thẳng được xây dựng sau thảm họa.

Phòng chính nhà ông đầy những chậu hoa phong lữ màu hồng. Một bức ảnh chụp ông Ono tham gia rước đuốc Olympic 2021 được treo trên tường.

Khu vực ông từng sống đã được chuyển đổi thành công viên.

“Trong trận sóng thần, tôi mất nhà cửa, mất tất cả tài sản. Tôi mất em trai. Sau đó, chúng tôi đã gặp thảm họa hạt nhân”, ông Ono cho biết.

Cá và cua dính lưới tại cảng cá Tsurishihama ở Shinchimachi. Ảnh: Reuters.

“Nỗi đau của chúng tôi lớn gấp hai hoặc ba lần so với bất kỳ ai khác. Tại sao họ vẫn đẩy chúng tôi vào khó khăn? Tại sao phải xả nước vào biển Fukushima? Tại sao không phải là Tokyo hay Osaka?”, ông đặt câu hỏi.

Các chuyên gia như ông Toshihiro Wada, phó giáo sư về nghiên cứu môi trường và bức xạ tại Đại học Fukushima, cho biết thời điểm giải phóng nước và những vấn đề nó có thể gây ra là một điều đáng tiếc.

“Việc đánh bắt cá đã được khôi phục cẩn thận sau thảm họa. Nó mới chỉ đạt quy mô trong quá khứ. Thời điểm xả thải là một vấn đề đối với ngư dân. Tất nhiên họ sợ tác động của những tin đồn”, ông nói.

“Chúng ta không thể trì hoãn điều này mãi mãi”, Thủ tướng Yoshihide Suga phát biểu vào tháng 4/2021 khi quyết định xả nước thải ra biển.

TEPCO và chính phủ Nhật Bản cho biết đã áp dụng tiêu chuẩn kiểm tra bức xạ nghiêm ngặt hơn so với các quốc gia từng giải phóng nước đã qua xử lý. Việc xả thải cũng được phê duyệt bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).

“Chúng tôi khẳng định với ngư dân rằng chúng tôi có thiết bị xử lý nước một cách an toàn”, Tomohiko Mayuzumi, phát ngôn viên của TEPCO, nói với Reuters.

Để chứng minh nước vô hại với hải sản, TEPCO đã nuôi cá bơn trong bể nước tại nhà máy. Thử nghiệm này được phát trực tiếp liên tục trên YouTube để người dân theo dõi.

Bên ngoài nhà máy, các công nhân vẫn đang lắp đặt đường ống để đưa nước thải trong các bể kim loại ra biển.

Ông Ono cảm thấy tình hình đánh bắt hải sản của thế hệ ngư dân tiếp theo rất ảm đạm.

“Tôi cảm thấy ổn. Tôi đã 71 tuổi, sẽ tiếp tục làm việc trên biển cho đến khi lìa đời”, ông nói. “Nhưng còn những đứa trẻ đang học tiểu học và trung học cơ sở thì sao? Ngư nghiệp không còn là cách ổn định để chúng kiếm sống nữa”.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngu-dan-nhat-so-hai-vi-nuoc-thai-phong-xa-fukushima-post1410546.html