Ngư dân Quảng Ngãi có cơ hội khai thác hải sản ở nước ngoài hợp pháp

Ngư dân Quảng Ngãi có cơ hội được đi nước ngoài khai thác hải sản hợp pháp. Điều này sẽ giúp cho các chủ tàu và lao động đi biển nâng cao thu nhập.

Mấy ngày nay, ngư dân Võ Văn Lựu, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chủ tàu cá QNg- 90627, công suất 700 mã lực cùng 15 anh em bạn chài đang khẩn trương hoàn chỉnh các giấy tờ của bản thân. Tàu cá của ông Lựu là 1 trong 6 tàu cá được lựa chọn để qua Solomon khai thác hải sản. Trước đó, từ ngày 14 - 16/11, đại diện Cục Đăng kiểm Solomon đã đến Quảng Ngãi để kiểm tra các tàu đăng ký “xuất ngoại”. Ông Võ Văn Lựu cùng với các ngư dân trên tàu hy vọng, qua Solomon đánh bắt một cách hợp pháp sẽ thuận lợi và có thu nhập cao.

“Tôi làm nghề lặn có kinh nghiệm mấy chục năm nay rồi. Mong muốn qua bển khi toàn bộ giấy tờ hợp pháp thì khai thác mở rộng, hiệu quả, mang về thu nhập cao cho ngư dân mình”, ông Lựu chia sẻ.

Ngư dân Võ Văn Lựu, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chủ tàu cá QNg- 90627 hy vọng lợi nhuận cao khi đi đánh bắt hợp pháp ở Solomon.

Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Kim Việt có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, đơn vị kết nối việc hợp tác nghề cá với đất nước Solomon đang cùng với các ngành chức năng của nước sở tại và Việt Nam hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đúng theo quy định. Đây là lần đầu tiên đi đánh bắt ở nước ngoài nên các ngư dân mong muốn, doanh nghiệp phải đảm bảo các giấy tờ cần thiết, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho ngư dân.

Ông Bùi Hồng Vân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đề nghị: “Mong rằng, Công ty khi đưa ngư dân Việt Nam đi thì phải có trách nhiệm cao. Quyền lợi kinh tế của lao động phải được đảm bảo trong thời gian làm công việc ngoài biển”.

Sau khi Cục Đăng kiểm Solomon kiểm tra và xác nhận các đạt tiêu chuẩn sang nước họ hoạt động thì Công ty Hoàng Kim Việt sẽ làm visa cho các ngư dân đưa tàu và lao động qua khai thác. Dự kiến, đến năm 2020, công ty này sẽ tiếp tục đăng ký thêm ở 3 nước khác trong khu vực Nam Thái Bình Dương để tổ chức khai thác hải sản.

6 tàu cá ở Quảng Ngãi được chọn để “xuất ngoại” chuyến đầu tiên đi Solomon.

Ông Hồ Trọng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, việc đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản ở nước ngoài sẽ giúp nâng cao thu nhập cho người đi biển. Tuy nhiên, việc này cần được doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

“Trên cơ sở đề án của doanh nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ xem xét và tham mưu UBND tỉnh để xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi Bộ có ý kiến, UBND tỉnh sẽ thẩm định và phê duyệt. Sau đó, doanh nghiệp xây dựng lại hồ sơ xin Bộ NN&PTNT cấp phép để đưa ngư dân đi khai thác”, ông Hồ Trọng Phương nói.

Trước đó, tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước. Quảng Ngãi là 1 trong 3 địa phương của cả nước được chọn để thực hiện thí điểm Đề án này.

Trong điều kiện nguồn lợi thủy sản ở ngư trường trong nước bị cạn kiệt, khan hiếm thì việc hợp tác nghề cá với các nước để đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài hợp pháp là rất cần thiết. Điều này không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người đi biển mà còn góp phần ngăn chặn, chấm dứt tình trạng lén lút ra nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp như lâu nay./.

Tiến Công/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ngu-dan-quang-ngai-co-co-hoi-khai-thac-hai-san-o-nuoc-ngoai-hop-phap-982792.vov