Ngư dân vui mùa ghẹ đỏ

Ghẹ đỏ là loại hản sản có giá trị kinh tế cao. Ngư dân ở khu vực Nam Trung bộ như: Đất Đỏ, Long Hải, Bình Châu (Bà Rịa- Vũng Tàu) hay La-Gi, Phan Thiết, Tuy Phong, Mũi Né (Bình Thuận) luôn mong đợi tới mùa khai thác loài hải sản này. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian khó khăn nhất trong năm bởi ghẹ đỏ thường xuất hiện khi mùa biển động.

Ngư dân La-Gi chuẩn bị cho một chuyến lưới ghẹ.

Chuyện bên cánh lưới

Từ khi mặt trời còn chưa lên, trên bãi cát dài cả cây số nằm ở thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hàng chục ngư dân đã bắt đầu kéo từng tay lưới nằm trong chiếc thúng ra, rung rung mạnh mỗi khi có con ghẹ đỏ mắc vào. Những người làm công việc gỡ ghẹ ở bãi biển này hầu hết là người già, phụ nữ và thậm chí cả trẻ em. Còn những người đàn ông làng biển lúc này đã trở về nhà nghỉ ngơi bởi họ vừa trắng đêm trên biển giăng lưới ghẹ đỏ. “Giờ mới bắt đầu mùa ghẹ thôi. Lúc nào có áp thấp nhiệt đới, có bão về mới là chính mùa ghẹ đỏ. Ngư dân thường đi lúc chiều tối, ra ngoài khơi chừng 10 hải lý thôi. Thả lưới xong nằm tại ghe nghỉ ngơi một chút rồi chừng gần sáng là thu lưới, rồi chạy ghe về. Ghe về bến là lúc người nhà bắt đầu gỡ ghẹ, rồi có thương lái ở thị trấn thu mua đem lên TPHCM, Vũng Tàu tiêu thụ. Ghẹ loại ngon giờ giá, hơn 300 ngàn/kg. Tháng sau mùa ghẹ rộ chắc chỉ còn 200 ngàn thôi”, ông Nguyễn Văn Thành, 68 tuổi vừa gỡ lưới, vừa kể.

Cũng theo ông Thành, hồi trẻ ông làm nghề lưới ghẹ, lưới cá nhiều năm. Mùa nào thì ngư dân làm nghề đó. Gần chục năm nay tuổi cao, ông không đi biển được nên chỉ ở nhà gỡ lưới giúp các con. Công việc không quá nặng nhọc nhưng cần sự chăm chỉ và kiên nhẫn. Bởi ghẹ khi mắc vào lưới rất khó gỡ. Đôi bàn tay gầy guộc của ông phải vừa nhanh nhẹn, vừa khéo léo để lấy con ghẹ màu đỏ au ra khỏi lưới mà vẫn giữ nguyên được càng, chân của chúng và lưới không bị rách.

Ở chiếc thúng ngay bên cạnh, ông Hai (68 tuổi), ngụ ở mãi bên Lộc An (huyện Đất Đỏ) đang cặm cụi với công việc gỡ lưới ghẹ. Có điều, ông Hai đi gỡ lưới ghe thuê giúp các chủ ghe, thúng ở đây. “Mỗi ngày 180 ngàn, thường chỉ làm tới trưa là xong việc rồi. Lưới ghẹ nhưng nhiều khi dính cả tôm tích, tôm búng (một loại tôm to như tôm hùm, không có râu) hay cá. Gỡ xong chỗ lưới nào rách thì mình rặm lại cho chủ ghe để họ đi biển tiếp", ông Hai chia sẻ.

Theo ông Hai, ở đây có một số chủ ghe lớn làm nghề lưới ghẹ, có cả chục tay lưới. Mỗi lần thả dài tới vài cây số nên khi về bờ thường phải thuê người gỡ lưới. Nếu như nghề lưới kéo, câu hay vây khi đưa lưới lên ghe là xong việc thì nghề ghẹ vất vả hơn nhiều, phải mất nhiều giờ để lấy được sản phẩm dù chúng đã nằm trên ghe rồi.

Ngư dân Phước Hải gỡ ghẹ đỏ.

Thu nhập cao nhờ ghẹ đỏ

Kéo dài khoảng 5 tháng trong năm, mùa ghẹ đỏ là thời gian mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều ngư dân ven biển miền Nam Trung bộ. Với giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại hải sản khác, ghẹ đỏ cũng dễ tiêu thụ. Ngoài ra, do phân bố ở vùng biển ven bờ giúp cho chi phí đánh bắt loại hải sản này cũng thấp hơn nhiều so với các chuyến biển dài ngày khác. “Nghề ghẹ tốn kém nhất là chi phí lưới và gỡ lưới chứ không phải xăng dầu hay đá lạnh như các nghề khác. Những dây lưới ghẹ có giá từ vài chục cho tới cả trăm triệu đồng, tùy theo chiều dài. Hơn nữa, lưới ghẹ rất dễ hư vì càng ghẹ sắc, thường khi gỡ được chúng ra là phải vá đoạn lưới đó lại. Nếu lưới vây, lưới rút có thể xài cả chục mùa biển thì lưới ghẹ chỉ xài chừng 3 mùa là phải thay lưới mới rồi”, anh Trần Văn Hoạt, 31 tuổi, một ngư dân ở xã Tân Tiến, thị xã La-Gi cho biết.

Ngồi lại cùng anh Hoạt để trò chuyện về cuộc sống và nghề đánh bắt ghẹ đỏ, được biết hầu hết ngư dân vùng La-Gi sử dụng thúng để đánh bắt ghẹ. “Thúng có gắn đầu máy và cả mái che nữa. Nghề lưới ghẹ chỉ đi quanh quẩn gần bờ nên không cần ghe tàu lớn tốn kém. Vì thế nhiều người coi nghề ghẹ là nghề của ngư dân nghèo. Như chiếc thúng này tôi đầu tư hơn 90 triệu đồng. Ngày đi biển có khi kiếm được 6 - 8 ký ghẹ, trừ chi phí xăng dầu cũng dư được gần triệu đồng”, anh Hoạt cho biết.

Mặc dù gần bờ nhưng nghề lưới ghẹ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì thúng nhỏ và thường ra khơi khi có sóng gió. Vì vậy, ngư dân thường đi theo nhóm vài ba thúng để có thể ứng cứu, giúp đỡ nhau nếu có bất trắc giữa biển. Trong những ngày tìm hiểu về cuộc sống của ngư dân làm nghề ghẹ đỏ, chúng tôi được biết thêm rằng hiện nay, ngư dân vùng Nam Trung bộ đánh ghẹ không chỉ ban đêm như truyền thống mà ban ngày cũng đi lưới. “Vùng biển quanh đây giờ khách du lịch nhiều, ghe cập bến là khách tắm biển họ tìm tới mua luôn. Ghẹ vừa gỡ, còn sống nhìn rất thích. Mà sơ chế ghẹ cũng đơn giản và chỉ vài phút chế biến là được thưởng thức. Thế nên nhiều ngư dân vùng biển Phan Thiết, Mũi Né, Vũng Tàu… chọn cách đi lưới ban ngày và bán trực tiếp cho khách du lịch. Dù sản lượng ít hơn giăng lưới ban đêm nhưng giá cao hơn chút đỉnh và có tiền luôn, không cách bữa như bán cho thương lái, vựa thu mua”, anh Hoạt cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ghẹ đỏ được ngư dân khai thác lâu nay có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với ghẹ được đánh bắt bằng phương thức lưới kéo, giã cào hay đóng đáy. “Ghẹ lưới cũng như cá câu vậy, chúng tươi ngon và còn nguyên vẹn cả chân, càng chứ không bị dập nát. Nhiều nơi ngư dân làm nghề kéo đáy, giã cào hay đóng đáy cũng bắt được ghẹ nhiều lắm. Tuy nhiên ghẹ đánh bắt cách đó thường khó bán hơn bởi chúng bị gãy càng, chân. Ghẹ đỏ thường được sơ chế ngay bằng cách hấp chín, gỡ lấy thịt rồi bảo quản đông lạnh để tiêu thụ. Ngư dân vùng này không ai làm nghề đáy bởi đặc trưng vùng biển này không phù hợp, nhiều bãi đá ven biển lắm”, bà Năm Hồng, một chủ thu mua ghẹ có tiếng ở thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) kể. Cũng theo bà Năm Hồng, mùa này ghẹ về nhiều, mỗi ngày bà thu mua khoảng từ 80 tới 100kg ghẹ, sau đó bỏ mối cho các khu resort, nhà hàng ven biển. Khi tới mùa, bà còn bán cho các mối quen ở Thủ Đức, Bình Chánh (TPHCM).

Những năm gần đây, với nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhiều địa phương ven biển phía Nam đã nhân giống, nuôi ghẹ ở các khu vực đầm, vịnh ven biển. Mặc dù vậy, ghẹ thương phẩm hầu hết là loại ghẹ xanh, chất lượng không bằng ghẹ đỏ. Đó cũng là lý do khiến những ngư dân gắn bó lâu đời với nghề lưới ghẹ ở vùng Nam Trung bộ vẫn còn duy trì sinh kế, gắn bó cuộc sống mưu sinh với vùng biển quê nhà.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngu-dan-vui-mua-ghe-do-5717783.html