Ngư dân vui mừng đón lộc biển

Những ngày qua, thời tiết tại Quảng Trị thuận lợi cho ngư dân ra khơi đánh bắt thủy sản. Ghi nhận tại xã Hải Khê (huyện Hải Lăng), có ngày ngư dân thu nhập cả chục triệu đồng từ biển.

Không khí hối hả, tấp nập tại bờ biển thuộc xã Hải Khê.

Không khí hối hả, tấp nập tại bờ biển thuộc xã Hải Khê.

Chúng tôi ghé thăm bãi biển thuộc thôn Trung Khê (xã Hải Khê, Hải Lăng, Quảng Trị). Ngoài khơi, những chiếc thuyền nan của ngư dân bắt đầu trở về sau một hành trình đi biển đánh bắt thủy sản. Khi thuyền vừa cập bến, mở khoang đựng cá, một ngư dân nói vọng xuống: “Hôm nay biển động rồi, cá kém hơn hôm qua. May tầm trưa gặp được một đàn (đàn cá trích - PV) nên cũng gỡ gạc lại đôi chút”.

Người đàn ông mới trả lời là ông Trần Văn Còn (61 tuổi; trú tại thôn Trung Khê, xã Hải Khê). Trò chuyện với chúng tôi, ông Còn cho hay, đến vụ đi biển, mỗi ngày ông và người con trai thường dậy từ lúc 3h30’ - 4h00 sáng. Sau khi ăn sáng, chừng 5h00’ hai bố con lên thuyền ra khơi đánh bắt.

“Bữa nay, 2 cha con tôi đánh bắt được khoảng hơn 1 tạ cá trích. Hiện, cá này bán khoảng 15 nghìn đồng/1kg. Tính ra trừ chi phí 300 nghìn tiền xăng dầu và những chi phí khác, còn lại cũng thu được hơn 1 triệu đồng”, ông Còn chia sẻ và cho biết thêm, khoảng từ ngày 9 - 12/2 ngư dân ở vùng này “trúng đậm” cá trích.

“Ngày 12/2, chúng tôi đánh bắt được hơn 1 tấn cá trích và thu về hơn chục triệu đồng. Mấy ngày đó những thuyền khác cũng trúng. Nhiều thuyền đánh bắt được cả tấn”, ông Còn kể.

Ông Còn đưa cá trích từ khoang lên để bán cho thương lái.

Còn theo ngư dân Triệu Tuân, trú tại thôn 6, xã Triệu Lăng, đầu năm nay gia đình ông đi biển từ ngày mùng 6 Tết. Do thuyền đánh bắt gần bờ nên chủ yếu là cá khoai. Những khi gặp luồng cá, thuyền ông đánh bắt được 25-30kg, còn những ngày bình thường chỉ đạt từ 15-17kg. Giá cá khoai bán sỉ theo ngày sẽ có giá từ 110.000 đồng - 150.000 đồng/kg tùy theo ngày. Theo lời bà con ngư dân xã Triệu Lăng, giá cá khoai thu mua năm nay cao hơn cùng kì năm ngoái từ 20-30%. Vụ mùa đánh bắt cá khoai sẽ kéo dài hết tháng 2 âm lịch nên bà con đang tận dụng từng ngày để ra khơi.

Được biết, trên địa bàn xã hiện có 322 thuyền, ghe có công suất từ 9-24CV, riêng thôn 6 chiếm trên 60%. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, bà con vươn khơi sớm. Chỉ tính riêng trong 15 ngày đầu năm mới, tổng sản lượng hải sản các loại đánh bắt được đạt trên 36 tấn.

Tìm hiểu thêm về nghề đi biển của ngư dân, chúng tôi được ông Nguyễn Dũng (60 tuổi; trú tại thôn Trung An, xã Hải Khê) cho biết, đối với những thuyền công suất lớn và đánh bắt dài ngày trên biển, ngư dân sẽ trang bị thêm lương thực, bếp để chế biến đồ ăn trên thuyền. Riêng đối với những ngư dân sử dụng thuyền nhỏ, đánh bắt trong ngày họ sẽ mang theo đồ ăn đã được chế biến sẵn để dùng trong bữa trưa.

“Chúng tôi thường đánh bắt cách bờ khoảng 6 - 8 hải lý. Vì đi về trong ngày và cũng chỉ có 2 người đi nên cũng không cần chuẩn bị gì nhiều. Mỗi chuyến đi biển chúng tôi mang theo ít đồ ăn là đủ bởi 2-3 giờ chiều là thuyền đã cặp bờ rồi. Điều đáng mừng là cá đánh bắt khi vào bờ là được thương lái thu mua hết”, ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, hàng năm, nghề đánh bắt thủy sản của ngư dân trong vùng hoạt động chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch. Sau đó, do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh nên việc đi biển của họ sẽ bị gián đoạn, đồng nghĩa thu nhập từ nghề này cũng sẽ giảm đi.

Thông tin từ UBND xã Hải Khê cho biết, hiện, tại địa phương này có hơn 400 chiếc thuyền lớn bé các loại phục vụ cho hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân. Cùng với đó, khoảng 70% dân số ở đây làm nghề đi biển đánh bắt thủy sản. Ước tính, từ đầu năm đến nay, ngư dân tại xã Hải Khê đánh bắt được hơn 51 tấn thủy sản các loại như: cá trích, cá khoai, khuyết (ruốc, tép biển) ...

Trong đó, các loại cá, mực… sẽ được bán cho thương lái ngay khi đánh bắt về. Riêng khuyết, tận dụng thời tiết nắng ấm, đa số người dân sẽ mang ra phơi khô rồi bán với giá 50 - 70 nghìn đồng/1kg tùy từng thời điểm.

Ông Trần Kim Cương - Chủ tịch UBND xã Hải Khê cho biết, đánh bắt thủy sản là nghề chính của người dân tại đây. Nghề này đóng góp một nguồn doanh thu lớn cho địa phương, đặc biệt là góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân ở xã ven biển này.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị, trong những ngày đầu năm mới, nhiều tàu, thuyền đã đánh bắt được sản lượng cao. Đặc biệt, vùng bãi ngang vào vụ cá khoai "được giá" so với những năm trước. Để hỗ trợ ngư dân vươn khơi đánh bắt, đơn vị đã tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết, ngư trường và nguồn lợi nhằm kịp thời hướng dẫn ngư dân khai thác đạt hiệu quả...

NGHĨA VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngu-dan-vui-mung-don-loc-bien-5709744.html