Ngựa con tốc hành đã gục ngã như thế nào?

Ngựa con tốc hành (Pony Express) luôn được nhắc đến trong lịch sử nước Mỹ như một niềm tự hào, một huyền thoại, một biểu tượng dành cho sức mạnh của trí tưởng tượng và những ước mơ chinh phục.

Song, cũng bởi vậy, nguyên nhân kết thúc sự tồn tại ngắn ngủi của công ty chuyển phát nhanh lừng lẫy ấy thường lại chỉ được quy một cách đơn giản vào sự xuất hiện của những đường dây điện tín nối liền hai bờ Đông - Tây nước Mỹ…

Hào quang bất tử

Hai nghìn dặm cho 10 ngày, từ bang Missouri đến Sacramento, một điều hoang đường vào thời điểm đó, năm 1860. Song, đó chính là điều mà William Russell - cha đẻ của Pony Express - bảo đảm rằng những chàng trai của ông sẽ thực hiện. Ông cam kết, một cam kết bị đánh giá là điên rồ, rằng đoàn Ngựa con Tốc hành sẽ chuyên chở được thư từ xuyên qua chiều ngang mênh mông của nước Mỹ chỉ với quỹ thời gian ít ỏi đó.

Ngày 3-4-1860, Billy Richardson - người kỵ mã xuất phát đầu tiên - lên đường từ St Joseph, mang theo 49 lá thư và một số ấn bản báo chí đặc biệt. Và đến đêm 14-4, báo chí cả nước Mỹ tung hô Pony Express, khi những lá thư ấy được mở tại San Francisco. 2h45 rạng sáng 15-4, William Sam Hamilton trở thành người mở đầu cho chuyến hành trình trở về theo chiều ngược lại, từ Sacramento.

Dĩ nhiên, khác với trong bộ truyện tranh nổi tiếng của họa sĩ Morris, chẳng có chàng Lucky Luke thần thánh cùng chú ngựa Jolly Jumper phi thường nào giúp đỡ Đoàn ngựa con tốc hành. Pony Express đã đạt được mục tiêu chỉ nhờ vào hai điều: khả năng tổ chức của Willam Russell, và sự xuất sắc của các kỵ mã.

Những vị cha đẻ của Pony Express.

Russell, để có được chuyến hành trình đầu tiên thành công vang dội ấy, đã mang những ý tưởng thông tin quân sự vào một cơ chế chuyển phát dân sự. Ông phá vỡ các khuôn mẫu vận chuyển đương thời, khi từ bỏ những đoàn xe vận tải do gia súc kéo - chở được nhiều thứ, nhưng cồng kềnh và chậm chạp. Ông chỉ cần những con ngựa đua, và những kỵ mã xứng tầm để cưỡi chúng. Ý tưởng của ông, đơn giản, là cuộc chạy tiếp sức băng ngang lục địa của những cặp vó truy phong đó.

Đến cả William Waddell và Alexander Majors - những cộng sự thân thiết của Russell kể từ khi khởi nghiệp cũng không mấy tin vào kế hoạch hoang đường này. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng Russell hoàn toàn đúng, và vô cùng xuất sắc trong việc tổ chức những trạm đổi người - thay ngựa nối tiếp nhau, từ St Joseph đến Sacramento.

Các kỵ mã của ông - những chàng trai thanh mảnh, trẻ trung, không ai nặng quá 60kg đủ sức vượt qua tất cả, từ những lãnh địa thù địch của người thổ dân da đỏ đến mặt đường xấu và khí hậu khắc nghiệt. Họ cũng đủ điên như người tuyển mộ họ, để sẵn sàng chấp nhận mọi mạo hiểm, kể cả mạo hiểm sinh mạng.

Thậm chí, bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln còn được mang từ St Joseph đến Sacramento không phải như thời gian cam kết là 10 ngày, mà chỉ là 7 ngày 17 giờ.

Thế nhưng, cũng đúng như những gì họa sĩ Morris không quên đưa vào bộ truyện tranh của mình, khi Richardson lên ngựa trong chuyến đi đầu tiên, những người công nhân cũng đã bắt đầu xây những cột điện tín nối từ Omaha (bang Nebraska ở miền đông) đến Carson City (bang Nevada, miền tây). Đường dây điện báo đông - tây này hoàn tất ngày 24-10-1861. Và thế là, để liên lạc xuyên nước Mỹ, thay vì khoảng một tuần trông đợi vào những cặp vó Ngựa con tốc hành, đến lúc đó người dân Mỹ chỉ còn mất khoảng vài phút.

Những âm thanh đầu tiên vang lên dưới các ngón tay gõ morse của những nhân viên bưu điện chính là tiếng chuông báo tử dành cho Pony Express. Công ty thông báo đóng cửa ngay vào ngày 26-10. Mặc dù vậy, 19 tháng hoạt động (mà chỉ mất duy nhất một chuyến thư) của nó vẫn sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Một kỵ sĩ chuẩn bị lên đường.

Hành trình tuyệt vọng

Vào thời điểm mà một lao động bình thường chỉ có thể kiếm được khoảng 20-30 USD/tháng, các kỵ sĩ của Pony Express được trả từ 100 đến 150 USD, chưa kể chi phí đài thọ cho chỗ ở và tiền ăn. Tất nhiên, họ hoàn toàn xứng đáng với mức đãi ngộ đó, đến từng xu một. Nhưng, vấn đề là thực tế, Pony Express không đủ tiềm lực tài chính để cáng đáng những mức đãi ngộ cao ngất đó.

Theo hợp đồng ban đầu, thư từ do Ngựa con Tốc hành vận chuyển được trả 10 USD/ounce (28,35gr). Tuy vậy, sau đó số tiền này bị giảm xuống chỉ còn 4 USD/ounce. Trong khi đó, Russell, Waddell & Majors - công ty mẹ của Pony Express - phải tốn đến 16 USD để giao một bức thư (mà chỉ có thể nhận lại khoảng 3 USD, kể cả các khoản hỗ trợ của nhà nước).

Chỉ chừng ấy thôi, Pony Express đã xem như phải dấn thân vào một hành trình tuyệt vọng. Nhưng, hơn thế, thực tế, Pony Express được sinh ra từ một hành trình tuyệt vọng.

Russell, Wadden & Majors từng là một công ty vận tải bằng xe do gia súc kéo làm ăn khấm khá. Họ đã từng giàu phất lên, cho đến năm 1857, khi nổ ra xung đột giữa chính quyền liên bang Hoa Kỳ với người Mormons. Quân đội ký một hợp đồng vận chuyển 500 tấn hàng hóa, và sau đó là một hợp đồng nữa lên tới 1500 tấn, nhằm phục vụ hậu cần. Russell và các cộng sự lập tức đầu tư mạnh mẽ, từ 500 xe với hàng chục nghìn bò kéo tăng lên 800 xe. Họ sẵn sàng mua tất cả những gì cần thiết, với giá cao hơn bình thường.

Có điều, người Mormons khá am tường "binh pháp". Trước khi giao tranh với binh sĩ của chính quyền, họ đốt trọn đoàn xe của Russell, Wadden & Majors. Chưa hết, mùa đông khắc nghiệt năm đó, với những trận mưa tuyết, khiến mọi thứ thêm tồi tệ. Công ty mất khoảng 500.000 USD, và chưa hết, Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ thông báo vắn tắt rằng do đã cạn kiệt ngân khoản, quân đội không thể trả tiền cho bên vận tải.

Thông báo tuyển người của “Ngựa con tốc hành”, trong đó có tiêu chí "Mồ côi càng tốt".

Cho đến lúc đó, khi Majors và Wadden bắt đầu tin rằng chỉ có phép màu mới có thể cứu họ khỏi bị phá sản, thì Russell vẫn cố gắng suy nghĩ tích cực, rằng tất cả những gì ông cần chỉ là một cơ hội mới. Cơ hội đó là đây: Thư từ xuyên nước Mỹ thường vẫn được vận chuyển quá chậm trễ theo một con đường gọi là "đường chữ U", đi vòng qua các đô thị lớn nhất. Con đường này do công ty của John Butterield, một đại tài phiệt, gần như nắm độc quyền khai thác vận chuyển. Còn một con đường ngắn hơn - con đường Trung tâm, đi xuyên qua những khu vực khó khăn nhất - bị bỏ ngỏ.

Đó là cơ hội Russell chọn để khai sinh Pony Express nhằm tự cứu lấy mình và các cộng sự khỏi hố thẳm nợ nần. Đó cũng là nơi bắt đầu của một giấc mơ đẹp đẽ và đầy sức lay động. Vẻ đẹp của những cuộc hành trình hoang dại và ngông cuồng đó khiến nó luôn được nhắc đến với quá nhiều tiếc nuối.

Tuy nhiên, với mức thâm hụt tài chính khổng lồ tăng lên theo từng ngày, thực tế, Russell cũng chưa cải thiện được gì nhiều cho tình cảnh bi đát của chính mình. Ông là người khẳng định sức mạnh của ước mơ, nhưng cũng là người cho thấy: Chỉ giấc mơ thôi là không đủ.

* Để khai sinh Pony Express, Russell đã mua đứt một công ty có sẵn hợp đồng thư từ - công ty chở khách của John M.Hockaday, chạy từ Missouri đến Utah. Hợp đồng ấy bao gồm 130.000 USD tiền trợ cấp từ chính phủ liên bang, nhưng Russell đã phải mua với giá 144.000 USD. Nghĩa là, ngay từ đầu, hoạt động kinh doanh đã thâm hụt 14.000 USD.

* William F.Cody - thường được gọi bằng biệt danh nổi tiếng Buffalo Bill - là kỵ sĩ nổi tiếng nhất của Pony Express. Có lần, ông chạy 76 dặm đến trạm kế tiếp, nhưng thấy người thay thế mình đã bị người da đỏ giết chết, ông lại lên ngựa chạy thêm 85 dặm nữa rồi mới trở về.

Tuy nhiên, Bob Haslam, một kỵ sĩ khác, cũng đã từng vượt qua 120 dặm trong 8 giờ 10 phút, với một mũi tên xuyên cánh tay và một mũi tên khác xuyên quai hàm, thay hết 13 con ngựa.

Phi Hồ

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/ngua-con-toc-hanh-da-guc-nga-nhu-the-nao-600304/