Ngược đãi học sinh - hành vi bạo lực không thể chấp nhận

Trong năm qua, trong phạm vi cả nước đã đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em mà những người gây ra vụ bạo hành lại chính là những thầy cô giáo đang dạy dỗ các em.

Nhà trường chính là nơi gắn bó thứ hai sau gia đình và là nơi nâng đỡ và có ảnh hưởng quan trọng nhất với trẻ trong những năm tháng đầu đời, đồng thời cũng là nơi chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt nhất, an toàn nhất. Thế nhưng thời gian qua tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em mà những người gây ra vụ bạo hành lại chính là thầy cô giáo đang dạy dỗ các em.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vào cuối tháng 11/2019, nhiều phụ huynh có con đang theo học lớp 2, trường tiểu học Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) đã phản ánh đến báo chí, bày tỏ bức xúc trước việc đồng loạt học sinh khai bị cô giáo chủ nhiệm đánh.

Cụ thể, theo phụ huynh phản ánh, các con nói trên lớp mắc lỗi sẽ bị cô giáo dùng chân đạp vào bụng, lấy thước kẻ nhôm đánh vào đầu, giật tóc… xé vở học sinh có thể chỉ vì một lý do nào đó như viết chữ xấu. Không chỉ có những hành vi bạo lực học đường, cô còn có cách xưng hô “mày tao”, nói tục, nói bậy với học sinh.

Sau đó, 17 phụ huynh trường tiểu học Trung Văn cùng ký vào đơn tố cô P.T.T.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 2 đến các cấp mong có sự can thiệp khẩn cấp nếu tiếp tục để các con học tập trong môi trường bất an như vậy.

Được biết, cô H. sinh năm 1975, công tác ở trường 7 năm, là người kín đáo, ít chia sẻ chuyện riêng tư nên nhà trường không biết cô chịu áp lực gì về mặt tâm lý không. Chiều 25/12/2019, cô H. có đơn xin nghỉ công tác chủ nhiệm lớp 2B. Trong quá trình chờ xác minh từ phía cơ quan chức năng, cô cũng bị tạm đình chỉ công tác.

Về hành động phản giáo dục mà phụ huynh tố cáo cô giáo chủ nhiệm P.T.T.H., vị hiệu trưởng trường tiểu học Trung Văn khẳng định nhà trường ban đầu xem xét, xác nhận cô có một số hành động vi phạm quy chế như làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ lên lớp.

Riêng hành động liên quan bạo hành học sinh như phản ánh của phụ huynh, vị hiệu trưởng nói đang cùng cơ quan công an điều tra, xác minh, chưa có kết luận chính xác.

Liên quan đến vụ việc, đầu tháng 1/2020, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra thông tin sự việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) và báo cáo Thành ủy, UBND thành phố.

Trước đó, vào trưa ngày 25/11/2019, học sinh nam lớp 4 của trường tiểu học Tân Bình (Bình Dương) bị thầy H. dùng tay tát vào má vì nghịch không chịu ngủ trưa. Trong ngày 25/11, khi học sinh đi học về, gia đình nhìn thấy trên má của bé bị đỏ, in hình dấu tay nên hỏi thì được bé trai này kể lại rằng, em bị thầy giáo đánh.

Bức xúc vì con bị đánh, phụ huynh đã đăng ảnh con trai lên trang cá nhân. Sau đó phòng GD&ĐT thị xã Dĩ An, Bình Dương đã vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin thầy H. - người được cho là có hành vi bạo hành học sinh trong lớp.

Liên quan đến vụ việc, bà Phan Thị Ngọc Phượng, Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Bình (Bình Dương) đã yêu cầu thầy giáo liên quan đế sự việc viết tường trình.

Theo đó, thầy H. cho rằng cho em học sinh không ngủ trưa, nói chuyện ồn ào nên đánh để răn đe.

“Thầy H. rất ân hận và mong muốn xin lỗi phụ huynh. Chúng tôi cũng rất buồn vì để xảy ra sự việc đáng tiếc. Theo đề nghị của phụ huynh, chúng tôi đồng ý chuyển lớp cho cháu và sẽ có hình thức xử lý kỷ luật với thầy H. để không còn tái diễn tình trạng trên. Chúng tôi cũng sẽ đến nhà để xin lỗi gia đình và động viên tinh thần cháu", bà Phượng nói.

Sau đó, thầy giáo và nhà trường đã đến gia đình học sinh xin lỗi.

Một vụ bạo hành tương tự cũng xảy ra ở TP HCM khiến dư luận vô cùng bức xúc. Theo đó, phụ huynh lớp 2/11, trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM) nghi ngờ con mình bị giáo viên đánh nên lén đặt camera trong lớp để theo dõi từ ngày 27/8 đến 30/8. Phụ huynh sốc khi thấy hình ảnh cô giáo đánh, mắng hàng loạt học sinh trong lớp.

Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng đây là hành vi không thể chấp nhận trong ngành giáo dục. Sở đã đề nghị UBND quận Tân Phú xử lý nghiêm, có thể xem xét đưa ra khỏi ngành đối với cô N.H.H.

Về phía mình, nữ giáo viên đã nhận sai khi có hành vi bạo lực, phản giáo dục đối với học sinh và gửi lời xin lỗi đến phụ huynh lớp 2/11. Tuy nhiên, cô nghi ngờ hiệu trưởng cố tình quay lén để trù dập, do trước đó tố cáo sai phạm của lãnh đạo nhà trường.

Ngày 21/10, bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, đã ký quyết định kỷ luật đối với cô N.H.H. Mức kỷ luật là buộc thôi việc. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mỗi năm toàn quốc có hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại thân thể nghiêm trọng. Trẻ em đang bị xâm hại dưới nhiều hình thức, trong mọi độ tuổi. Trẻ có thể bị hành hạ tại bất cứ đâu như ở nhà hay tại trường học và do nhiều đối tượng gây ra...

Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Nhà nước ta rất quan tâm đến trẻ em khi đã thể chế hóa các chủ trương về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như: Phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em; xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Bên cạnh đó, Luật Lao động, Luật tố tụng hình sự… đều dành những quan tâm nhất định đến quyền lợi của đối tượng yếu thế này.

Mới đây, Luật Trẻ em 2016 đã chính thức có hiệu lực. Công tác thực thi pháp luật đang ngày càng nghiêm túc với những biện pháp xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe, phòng ngừa chung cho toàn xã hội.

Với hành vi bạo hành học sinh - những mầm non của đất nước, các bậc thầy, cô giáo sẽ phải đối mặt với hình phạt của pháp luật. Nhưng có lẽ hình phạt nặng nề, day dứt nhất chính là sự lên án của gia đình, của xã hội và sự phán xét của tòa án lương tâm.

P.Mai

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/202001/nguoc-dai-hoc-sinh-hanh-vi-bao-luc-khong-the-chap-nhan-5404236/