Ngược dòng Kiến Giang

Chiếc rớ (vó) quay nhô dần khỏi mặt nước, những con cá nhảy loi choi, nước long tong rớt xuống tạo nên những vòng sóng tròn. Đó là những hình ảnh thanh bình mà sống động trên dòng sông Kiến Giang mỗi ban mai. Nhưng để dòng sông mãi êm ả chảy suốt chiều dài huyện lúa Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cần ứng xử với nó một cách hợp lý ngay từ bây giờ...

Đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập 2-9 trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Dòng sông bình dị

Những âm thanh, hình ảnh sống động trên dòng sông gắn với tuổi thơ đầy ắp hoài niệm như một lực kéo khó cưỡng đưa chúng tôi ngược dòng thời gian...

Những năm 60 của thế kỷ trước, trên sông Kiến Giang của huyện Lệ Thủy có nhiều cách đánh bắt cá rất lạ. Những chiếc thuyền nhỏ giăng lưới vươn ra ngoài mạn. Hai vợ chồng trên thuyền, người chồng vừa chèo vừa nhún nhẩy tạo sóng nước, người vợ dùng hai thanh gỗ hoặc tre gõ đều vào mạn tạo ra âm thanh lúc nhặt lúc khoan... Đàn cá hoảng loạn, nhảy đại lên khỏi mặt nước, trong đó không ít con nằm gọn trong những mảnh lưới đã giăng sẵn... Người ta gọi những chiếc thuyền này là thuyền... loòng coòng. Có lẽ đây là loại hình đánh bắt cá vào loại thô sơ nhất trên dòng Kiến Giang mà tôi biết. Đến nay thuyền loòng coòng đã không tồn tại vì nhiều lý do. Song, có lẽ cá ngày càng ít dần, không còn dày đặc như trước để có thể xô đẩy nhau nhảy vào lưới?

Một chiếc rớ quay trên sông Kiến Giang.

Một hình ảnh xa cũ nữa là những chiếc rớ bà. Có lẽ còn rất ít người biết, nhất là thế hệ trẻ vì nó đã biến mất cách đây cả mấy chục năm. Đối diện với làng chúng tôi qua dòng Kiến Giang là làng chài Phú Bình, xã Phong Thủy, nằm ngay mép sông và hầu như không có ruộng đất để canh tác. Người dân trong làng sở hữu những chiếc thuyền lớn, đủ cho cả gia đình sinh sống quanh năm trên sông. Trên thuyền có những đứa trẻ trạc tám, chín tuổi, tóc vàng hoe, da đen nhẻm. Phía trước mũi thuyền là một chiếc rớ rất lớn với bộ gọng “khủng”. Mỗi khi cất rớ có hai người chạy từ phía trước mũi ra phía sau dùng lực đòn bẩy để cất rớ lên. Người ta dùng cái gầu dài để hắt cá trong lưới vào gầu.

Một gia đình của làng chài với cả chục người hầu như chỉ sống dựa vào chiếc rớ bà đánh bắt cá trên sông. Khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng trên miền bắc, Quảng Bình thành chiến trường khói lửa thì những chiếc thuyền gắn rớ bà cũng biến mất. Tàu, thuyền là mục tiêu của máy bay Mỹ vì chúng được coi là phương tiện vận tải phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Theo đó mà những chiếc rớ bà dần biến mất, còn những chiếc thuyền đã được huy động vào đoàn thuyền vận tải phục vụ kháng chiến. Sau chiến tranh, làng chài Phú Bình cũng không còn ở chốn cũ nữa.

Bây giờ, trên dòng Kiến Giang có những chiếc rớ quay. Lúc đầu rớ quay còn thô sơ, bộ gọng còn mỏng mảnh và quay bằng tay. Nay nó được người dân dùng mô-tơ điện để quay rớ và bộ gọng rớ cũng chắc chắn hơn. Anh Lê Văn Khương, một chủ rớ quay ở thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy cho biết phải đầu tư gần 30 triệu đồng để sắm bộ rớ quay. Riêng bộ gọng phải vào tận xã Sen Thủy giáp với tỉnh Quảng Trị mới chọn được những cây phi lao dài, gốc và ngọn thon nhỏ, cân đối. Lưới thì mua từ xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, mô-tơ thì mua ở các xưởng cơ khí trong khu vực... Phải chi một khoản khá lớn như vậy, khi nào mới thu hồi lại vốn?

Theo anh Khương, mỗi đêm quay rớ bán được 200 đến 300 nghìn đồng tiền cá. Ban ngày tùy thuộc công việc, rảnh thì “quay”, bận thì thôi. Xem ra rớ quay là phương tiện làm thêm của người dân ven dòng Kiến Giang nhưng cũng cho thu nhập khá. Cá được đánh bắt bằng rớ quay tươi ngon cho nên khách mua rất chuộng, mà phần lớn là khách quen, bà con chòm xóm... Nhưng khi lũ về? Anh Khương cho biết, rớ không chịu nổi sức chảy của nước lũ cho nên khi có lũ, lúc nhiều cá nhất cũng đành phải kéo rớ lên cất, hết lũ mới đưa xuống. Trên dòng Kiến Giang đoạn qua trung tâm huyện Lệ Thủy có chừng hơn chục rớ quay ngày đêm lặng lẽ khuấy động mặt sông. Sự hiện diện ngày càng nhiều của những chiếc rớ quay như minh chứng cho sự dồi dào cá tôm và môi trường an lành của dòng sông.

Mong mỏi từ dòng sông

Bình yên, êm ả là vậy nhưng vẫn còn đó nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn đối với dòng sông từng đi vào tiềm thức của hàng chục nghìn người dân huyện Lệ Thủy. Phía thượng du dòng Kiến Giang trên dãy Trường Sơn chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Đó là diện tích rừng trồng rất lớn đang cần có những cơ sở chế biến gỗ; là khoáng sản, là thủy điện... cũng cần được đầu tư để biến tiềm năng thành vật chất cụ thể. Đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư ở vùng đất nhiều lợi thế này. Đó là những dấu hiệu đáng mừng của sự phát triển. Nhưng cũng cần lưu ý rằng sông Kiến Giang bắt nguồn từ núi rừng Trường Sơn và cũng chỉ hơn chục cây số là dòng chảy đến được vùng giữa của thị trấn Kiến Giang - huyện lỵ của Lệ Thủy.

Phía thượng nguồn mà bị ô nhiễm thì ngay lập tức vùng giữa, nơi đẹp nhất của dòng Kiến Giang sẽ hứng chịu hậu quả. Nếu đầu tư phát triển ở thượng nguồn một cách cẩu thả thì ô nhiễm môi trường cho hạ du là điều khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra cho chính quyền các cấp là hãy chọn giải pháp phù hợp cho phát triển mà dòng Kiến Giang vẫn trong xanh và yên bình. Bên cạnh đó, những áp lực về môi trường đối với dòng sông cũng đang hiện hữu và nếu không có giải pháp căn cơ thì dễ trở thành nguy cơ. Đó là nạn xả rác bừa bãi xuống sông, là nước thải từ các vùng dân cư, là nạn đánh bắt cá bằng kích điện đang hoành hành...

Dòng Kiến Giang không chỉ cần được gìn giữ sự trong lành mà còn đòi hỏi được đẹp hơn, tương xứng với trọng trách của dòng sông đang ngày càng “nặng lên” cùng với sự phát triển của vùng đất đang trở mình đi lên. Dòng sông là niềm tự hào của cư dân đôi bờ, là nét vẽ điểm tô cho thị xã trong tương lai mềm mại hơn, là dòng sông của lễ hội đua bơi truyền thống hiếm có ở miền trung... Cùng với sự trở lại cuộc sống thanh bình trên dòng sông, sau chiến tranh, lễ hội đua thuyền truyền thống tiếp tục được tổ chức vào dịp Tết Độc lập 2-9 hằng năm, cuốn hút du khách bậc nhất ở khu vực miền trung. Hai bên bờ sông trở thành khán đài kín đặc người xem suốt chặng đua dài 15 km.

Bờ sông Kiến Giang bây giờ có nhiều đoạn được xây kè chống xói lở, bảo vệ cư dân trong mùa mưa lũ và trong tương lai gần cần tiếp tục kéo dài những bờ kè như vậy. Có điều, như nhiều người đánh giá, xây kè thuần túy chống xói lở, mà chưa chú trọng đến tính thẩm mỹ. Đành rằng hai khái niệm này có khoảng cách không nhỏ, nhưng cái đích của nó lại rất gần nhau, đó là phục vụ tốt hơn cho cư dân nơi đây. Trên bờ kè kiên cố, nên chăng trồng thêm cây tỏa bóng xuống dòng sông để làm “mềm” đi mầu xám nặng nề, trơ trọi của bê-tông! Việc trồng cây cũng nên tính toán, cân nhắc, trồng cây gì cho phù hợp, là đặc trưng cho dòng sông... Rồi cần có tuyến đường đi bộ ven sông nữa. Cuộc sống đang đòi hỏi nhiều việc phải làm, phải thay đổi để dòng sông đẹp hơn, vùng quê đáng sống hơn.

Từ trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy, ngược dòng Kiến Giang khoảng 10 km là đến “vùng đất thiêng”, nơi có lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700), người mở cõi khai sáng miền đất phương nam của nước Việt thế kỷ 17. Đi quá vài trăm mét là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Tiến sĩ Quận công Hoàng Hối Khanh (1362 - 1407), vị tướng tài ba, người khai phá, mở mang lưu vực dòng Kiến Giang. Qua phía tả ngạn dòng sông là lăng mộ Hiệp Biện Đại học sĩ Võ Trọng Bình (1808 - 1898), vị quan nức tiếng thanh liêm... Trong vòng chưa đến một cây số vuông, qua mấy thế kỷ, ba vị quan tướng trụ cột của triều đình cùng yên nghỉ nơi này. Sự ngẫu nhiên hay sắp đặt của trời đất ở vùng đất thiêng?

Tua du lịch ngược dòng Kiến Giang là điều nên làm, đáng làm trong tương lai gần. Chuyến du lịch để không chỉ về lại vùng đất thiêng, về nguồn nơi chiến khu Bang-Rợn, ngầm Thác Cóc mà còn bao cảnh quan kỳ thú hai bên dòng sông... Theo dòng sông lên chút nữa sẽ là suối nước khoáng Bang, điểm du lịch hấp dẫn kỳ thú giữa đại ngàn Trường Sơn. Trên thuyền của tuyến du lịch sẽ âm vang những điệu hò khoan Lệ Thủy - điệu hò không trộn lẫn của xứ Lệ, sông trên dòng Kiến Giang đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hồi tháng 5 năm ngoái. Ngược lên thượng nguồn sông, khách du lịch có thể ghé thăm Nhà lưu niệm vị tướng của nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Dòng Kiến Giang vẫn mải miết xuôi ra biển. Đôi bờ vẫn là cuộc sống hối hả của những con người theo dòng thời gian không ngừng nghỉ. Nhưng “hồn cốt” của dòng sông luôn lắng đọng lại trong tâm thức bao thế hệ sinh ra, lớn lên và cả những du khách đã từng đến bên dòng sông này.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG, HOÀNG PHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/35262302-nguoc-dong-kien-giang.html