Người ăn đất cuối cùng ở Việt Nam

(VTC News) - Tôi đề xuất được xem hai cụ ăn đất. Cụ Loa và cụ Biện hào hứng, nhiệt tình lắm. Hai cụ ý thức được mình là nhân chứng sống duy nhất còn lại của tục ăn đất nhuốm màu huyền thoại này. Tôi đã chụp ảnh, đã quay phim cẩn thận chi tiết cảnh hai cụ già, trong ngôi nhà rách, ngồi nhai đất bỏm bẻm. Cụ Loa đã 78 tuổi, cụ Biện đã 79 tuổi, răng hai cụ rụng gần hết, tuổi ấy cũng sắp về trời.

Người nổi tiếng bán đất ăn một thời là chị Nguyễn Thị Khuyên. Chị Khuyên làm nghề bán hoa quả ở thị trấn Lập Thạch, nên kiêm thêm nghề làm đất để bán cho khách. Tuy nhiên, chuyện ấy cũng đã lùi xa về 20 năm trước rồi. Chẳng có ai ăn đất, nên chị cũng không làm nữa. Chị Khuyên bảo, thi thoảng vẫn có người tìm đến chị hỏi mua đất ăn được. Họ đặt mua bao nhiêu, chị trực tiếp đào đất, chế biến đất cung cấp đủ cho họ bấy nhiêu. Nhưng những người mua đất hầu như không phải để ăn. Họ là khách du lịch từ xa đến, do tò mò muốn được xem loại đất ăn được thế nào, nên đặt mua đem về làm kỷ niệm. Một số khác là các đoàn làm phim cả ta lẫn Tây, họ đặt chị làm đất cốt để quay phim. Chẳng ai còn ăn đất nữa. Loanh quanh mãi ở Lập Thạch không tìm được ai ăn đất, ông Nguyễn Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch đành cậy nhờ đến đồng chí Trưởng Công an thị trấn, là người nắm sát địa bàn. Đồng chí Trưởng công an thị trấn sau khi suy nghĩ thì gọi cho đồng chí công an viên Dương Văn Việt. Theo các lãnh đạo thị trấn Lập Thạch, đồng chí Việt là người ở tổ dân phố Thống Nhất, trước là thôn Thống Nhất của xã Xuân Hòa, nơi mà tục ăn đất phổ biến nhất, nơi mà xưa kia nhà nhà ăn đất, người người đào đất đem bán. Hy vọng đồng chí Việt sẽ giúp tôi tìm được người ăn đất. Đồng chí Việt đưa tôi vòng qua mấy ngọn đồi vào nhà ông Đỗ Văn Bình, tổ trưởng tổ dân phố Thống Nhất. Dù đang bận rộn với việc tát ao, ông Bình vẫn bỏ dở tìm về tiếp chúng tôi. Ông Bình cũng mong muốn cái tục lệ mà người đời cho là cổ quái này giữ được như một nét văn hóa. Ông Bình là người Vĩnh Tường, lên đây từ năm 1969. Theo ông Tường, những năm 70 của thế kỷ trước, đàn bà trong xóm Thống Nhất ăn đất như món ăn hàng ngày. Chị em phụ nữ đi làm, đi chơi, đều giữ miếng đất trong cạp quần, buồn miệng lôi ra nhai sồn sột, cứ như chuột gặp khoai lang. Họ ăn như tằm ăn rỗi, ăn suốt ngày suốt đêm. Cả xóm Thống Nhất nằm trên một vỉa đất ăn được. Nhà nào cũng đào một vài cái giếng sâu cả chục mét xuống lòng đất để móc đất trắng lên vừa ăn vừa bán. Những giếng đất đều có tuổi cả trăm năm, đời nọ tiếp nối đời kia, hang nhà nọ thông với hang nhà kia thành hệ thống hang cứ như hang chuột, khoét rỗng cả lòng đồi. Ngày đó, ông Bình cũng bắt chước đàn bà, ăn thử vài miếng, nhưng chả thấy mùi vị gì, nhưng cũng chả sợ. Đàn ông trong xóm ít ăn đất, có ăn cũng chỉ là vì tò mò, ăn thử xem vì sao vợ thích. Nhiều ông ăn xong liền “chửi vợ” ăn bẩn. Các bà bầu thì chết mê chết mệt miếng đất. Họ đi chợ, qua hàng đất, không bước nổi, chân cứ líu ríu lại. Ai không có tiền mua đất chế biến sẵn để ăn, thì trên đường đi chợ về, rẽ qua đồi Công An (đồi nằm sau Công an huyện Lập Thạch nên gọi vậy) bóc vài miếng đất đem về chế biến. Đồi Công An giờ bị san phẳng xây nhà cửa, nên “kho đất” nổi tiếng đã lặn vào ký ức. Mặc dù một thời ở làng Thống Nhất, ai cũng ăn đất, nhưng hiện tại, ông Bình nghĩ mãi chẳng tìm thấy một ai còn ăn đất. Ông Bình dẫn tôi đi dọc các ngọn đồi đá sỏi gan trâu, cằn cỗi đến nỗi bạch đàn cũng xơ xác để tìm những giếng đất. Dấu tích vẫn còn, nhưng chẳng còn giếng đất nào sâu hoắm nữa. Tất cả đã bị người dân lấp lại, kẻo trâu bò, trẻ con sa chân thì mất mạng. Đang loay hoay đi tìm người ăn đất, thì một chị đi qua. Tôi và ông Bình giữ lại hỏi, chị này bảo: “Hôm qua đi chợ, thấy mép cụ Biện trắng xóa, chắc vẫn ăn đất”. Nghe được thông tin này, chúng tôi liền tìm đến nhà cụ Biện. Ngôi nhà của vợ chồng cụ Khổng Văn Loa và cụ Khổng Thị Biện đúng chất là một ngôi nhà Việt cổ, tường trình bằng đất dày, lúp xa lúp xúp. Trong nhà, ngoài sân, toàn bàn ghế hỏng, đồ rách rưới được hai cụ sưu tầm về. Hai cụ sống cuộc đời đạm bạc, nghèo khó như thuở xa xưa. Hỏi chuyện ăn đất, hai cụ hào hứng lắm, kể đủ chuyện trên trời dưới bể liên quan đến đất. Cụ bảo, mới năm ngoái, hai cụ đã đào giếng, chế biến đất, rồi ăn đất, cho một hãng phim mãi trong TP. Hồ Chí Minh ra quay. Cụ Biện còn cắp rổ đất ra chợ ngồi bán, rồi cũng có người đến mua, nhưng toàn là người đóng phim, chả có thật. Mua xong, họ vứt đi, chứ chả ai ăn. Chỉ có mỗi việc đào đất, chế biến, ăn đất, mà họ quay một tuần mới xong. Quay xong, họ cho tiền hai cụ hậu hĩnh. Hóa ra, hai cụ già ăn đất cuối cùng ở Lập Thạch, và có lẽ ở cả Việt Nam nữa, chỉ là đóng phim, chứ chả phải các cụ ăn hàng ngày, ăn như kẻ nghiện. Tôi cũng đề xuất được xem hai cụ ăn đất. Cụ Loa và cụ Biện hào hứng, nhiệt tình lắm. Dường như, hai cụ ý thức được rằng, mình là nhân chứng sống duy nhất còn lại cho cái tục ăn đất nhuốm màu huyền thoại này. Tôi đã chụp ảnh, đã quay phim cẩn thận chi tiết cảnh hai cụ già, trong ngôi nhà rách, ngồi nhai đất bỏm bẻm. Cụ Loa đã 78 tuổi, cụ Biện đã 79 tuổi, răng hai cụ rụng gần hết, tuổi ấy cũng sắp về trời. Và tôi, là con cháu của Đức tổ Hùng Vương, tự dưng xúc động với văn hóa tổ tiên mình, rằng “việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu”, cũng cầm một miếng đất nhai ngon lành cùng hai cụ. Tôi chợt nhớ đến cái ngày từ 5 năm trước, trong một hội thảo về tục ăn đất ở Bảo tàng Dân tộc học, do TS Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chủ trì. Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, GĐ bảo tàng Dân tộc học VN đã xúc động mà rằng, tục ăn ngói (đất) đã trở thành một hiện tượng văn hóa, và nên được xem như một di sản văn hóa dân tộc. Tiếc rằng, ở nước ta, có lẽ chỉ còn duy nhất vợ chồng cụ Loa và cụ Biện còn ăn đất! Phạm Ngọc Dương

Nguồn VTC: http://vtc.vn/394-248767/phong-su-kham-pha/nguoi-an-dat-cuoi-cung-o-viet-nam.htm