'Người ấy' đã lập gia đình, mình có còn là bạn?

Có những đôi bạn cặp kè, tri kỷ từ ngày này qua tháng nọ nhưng khi phụ huynh giục cưới lại lắc đầu nguây nguẩy. Họ cho rằng, giữ được tình bạn thì mối quan hệ ấy bền vững, lâu dài. Còn nếu đã cưới nhau, sống chung một nhà thì chắc gì còn những giây phút ấm áp, thân mật như trước? Lúc ấy, sự ràng buộc, gánh nặng về cơm áo gạo tiền, nay vợ/chồng ốm, nọ con đau rồi hằm bà lằng mọi lo toan thường ngày đè nặng tâm trí, liệu lúc ấy, có còn thấy đời vui?

Minh họa: MINH SƠN

Minh họa: MINH SƠN

Nhiều ông bố, bà mẹ đã “dậm chân kêu trời”, không rõ nguyên cớ gì khiến con mình lại giở chứng giở nết lạ đời quá. Trái khoáy thật đó chớ! Nhưng đó là một xu hướng có thật, khá phổ biến hiện nay trong sự lựa chọn của các “cô cậu” vui vẻ, trẻ trung. Nhóm bạn của cô em gái tôi là những người có học thức, thu nhập ổn định, hoàn toàn có khả năng xây dựng mái ấm nhưng rồi vẫn không chịu lập gia đình.

Cô em tôi thủ thỉ tâm sự lúc ngồi trong quán cà phê: “Em và anh ấy quen nhau đã tám năm nhưng bọn em không hề có ý định cưới nhau. Bố mẹ giục thì mặc. Có ai sống thay cho mình được, phải không anh? Mỗi một ngày, chúng em vẫn gặp nhau, vẫn nhỏ to tâm sự những câu chuyện không thể chia sẻ với ai khác. Những lúc ấy, em thấy mình thật sự vui sướng, hài lòng với tình bạn đang có”. Tôi nói: “Vậy tại sao bọn em không mạnh dạn “ký hợp đồng chung thân”? Với ràng buộc pháp lý, quan hệ gia đình, xã hội thì mối liên kết ấy bền vững hơn, danh chính ngôn thuận hơn?”. Cô cười phá lên: “Yêu nhau rồi cưới nhau, ai cũng nghĩ đến giấy chứng nhận kết hôn. Nhưng 1 hay 10 tờ giấy ấy cũng chẳng là gì, chẳng thể giữ được nhau mãi mãi nếu cả hai suốt ngày hục hặc, trục trặc? Chi bằng, cứ giữ mãi tình bạn mà bền vững, vẫn tốt hơn chứ anh?”.

Do thỏa thuận là tình bạn nên đôi lúc người này nửa đùa, nửa thật bộc bạch ý định cưới vợ/chồng, người kia cũng không níu kéo, thậm chí còn tán thành nữa là khác. Họ nghĩ rằng, đã tri kỷ với nhau dù sau này người kia có thêm “một nửa”, mình vẫn là bạn chứ có mất đi đâu? Những lúc vui buồn trong công việc, chẳng lẽ mình cần lời khuyên, sự san sẻ chẳng lẽ người kia từ chối? Mình và người ấy chỉ là bạn, chẳng lẽ vợ/chồng của người ấy không trở thành bạn mình sao? Sự có mặt của mình hoàn toàn trong sáng về tình bạn thì lấy cớ gì mà ghen tuông? Thật ra, suy nghĩ này… trật lấc.

Khi đã kết hôn, con người ta bước qua một trang đời khác, một cuộc sống khác, mối quan tâm khác. Ở đó, có những mối quan hệ dù thân thiết cỡ đến cỡ nào từ thuở “hàn vi” cũng có thể bị điều chỉnh theo chiều hướng khác. Trường hợp cụ thể của chị Nga còn sờ sờ sự tê tái ra đó. Chị và anh bạn của tôi, quen nhau từ thời bước vào giảng đường đại học. Họ cặp kè như hình với bóng. Dù họ tuyên bố chỉ tình bạn, nhưng chứng kiến tình thân đó, chẳng người thứ ba nào dám xía vào. Sau khi ra trường, anh cưới vợ và tất nhiên vẫn xem còn chị là bạn. Họ vẫn là bạn tốt của nhau.

Ngày nọ, anh vào bệnh viện mổ tim, chị sốt sắng đến thăm, chỉ vì tình bạn. Kỳ lạ, sau vài câu thăm hỏi xã giao, ánh mắt của vợ anh nhìn chị săm soi, soi mói đến kỳ lạ. Do quá lo lắng sức khỏe của chồng nên cô vợ mới tỏ thái độ ấy chăng? Rồi dăm ba lần sau, chị lại đến. Rồi lần cuối cùng là lúc vừa gõ cửa phòng, một chú nhóc bước ra lễ phép: “Thưa cô, cô vào thăm ai ạ?”. Chị trả lời rành mạch, cụ thể nhưng lại nghe câu trả lời dứt khoát: “Dạ, thưa cô, cô nhầm phòng. Ở đây chỉ có ba con và mẹ con thôi”. Nghe thế, chị Nga ú ớ đến lắp bắp, chưa kịp nói gì thêm thì cánh cửa phòng đã đóng sập lại.

Đến giờ, mọi người trong cơ quan tôi vẫn tiếc cho “cặp đôi hoàn hảo” nọ. Nếu thành vợ thành chồng ắt hạnh phúc lắm. Nhưng rồi, nàng lên xe hoa với người khác bởi lẽ chàng chỉ muốn mãi mãi giữ tình bạn, chứ không phải có thêm sự ràng buộc gì khác. Thỉnh thoảng “nhân danh tình bạn”, chàng vẫn mời nàng cà phê cà pháo như trước, kể lại với chúng tôi, anh quả quyết chỉ thăm hỏi nhau về sức khỏe, công ăn việc làm, chồng con chứ không hề có “âm mưu” gì. Cứ cho là thế. Vào một ngày đẹp trời, vừa bước vào cơ quan, sếp gọi chàng lên phòng và ném ra trước mặt một loạt bức ảnh chàng đang ngồi rù rì, thì thầm với nàng. Tái tê mặt mày, không hỏi ai đã gửi nhưng chàng đã tự biết và từ đó “cạch” đến già.

Tình bạn là điều đáng quý, cần thiết đến mức không thể thiếu của mỗi người. Nhưng rồi, tình bạn ấy khó có thể diễn ra như trước khi mà một trong hai người đã bước vào đời sống hôn nhân. Đừng bao giờ nuôi ảo tưởng, tình bạn là vĩnh viễn; cũng đừng bi quan cho rằng, hôn nhân có thể thay đổi còn tình bạn thì không bao giờ. Vấn đề đặt ra, sự bền vững trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều có những đặc thù riêng mà mỗi người phải thay đổi cách ứng xử đặng phù hợp với hiện tại.

LÊ MINH QUỐC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202005/nguoi-ay-da-lap-gia-dinh-minh-co-con-la-ban-900727/