Người bạn tri kỷ của người lính quân hàm xanh

Đối với người dân tại ấp Mỹ Lộ (xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) cũng như cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, việc ông Châu Văn Lợi (70 tuổi) hằng ngày đi kiểm tra cột mốc, đường biên một cách tự nguyện, đã không còn xa lạ. Người dân nơi đây ví von một cách hóm hỉnh, ông là 'người phán xử' của xã Mỹ Lợi, 'người khai sáng dân trí' cho ấp Mỹ Lộ, người có trách nhiệm nhất với cột mốc, chủ quyền biên giới quốc gia.

Ông Châu Lợi cùng cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thăm, kiểm tra cột mốc 312. Ảnh: Kim Nhượng

Đến Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, BĐBP Kiên Giang, chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sĩ trong Đội công tác Vận động quần chúng tới thăm hỏi người dân vùng biên như những ngày bình thường khác. Thiếu tá Danh Tâm, Chính trị viên phó vội rút chiếc điện thoại của mình gọi cho ai đó và nhìn tôi cười, nói vui: “Đi địa bàn mà không có ông Châu Lợi đi cùng là không được. Ông là người uy tín nhất vùng này. Có ông đi cùng thì mọi việc, kể cả việc khó cũng suôn sẻ”. Câu nói của Thiếu tá Danh Tâm làm tôi không khỏi tò mò.

Từ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tới ấp Mỹ Lộ chỉ mất gần một giờ đồng hồ đi bộ. Tôi cùng Thiếu tá Danh Tâm đã tới nhà ông Châu Lợi. Dọc đường đi, người dân tại ấp cho biết, ông Lợi đang ở ngoài đồng xem ruộng, kiểm tra mốc. Trên đường, tôi tò mò hỏi Thiếu tá Danh Tâm, sao người dân nơi đây cũng như cán bộ, chiến sĩ đồn lại gọi ông Châu Lợi là “Người phán xử”? Anh cho biết, vì ông là người có uy tín nhất trong ấp, chính vì có uy tín nên người dân luôn tìm đến để ông phân giải từ những việc nhỏ như vợ chồng cãi nhau, chuyện mất cắp vặt, đến tranh chấp đất đai...

Vấn đề tranh chấp đất canh tác không hề đơn giản, thế nhưng ông Châu Lợi đều phân xử được hết. Thiếu tá Danh Tâm cho biết thêm: Đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, ông Châu Lợi như người cha, người chú trong gia đình vậy. Không những giúp cho Biên phòng về công tác bảo vệ đường biên, cột mốc mà ông còn chấp hành nghiêm chỉnh tất cả những quy định đối với người dân biên giới.

Khi phân giới cắm mốc chưa xong, vấn đề canh tác của nhân dân hai bên biên giới thường đan xen, chồng chéo lẫn nhau. Khi cắm mốc rồi thì một số người dân ở bên kia biên giới bị kích động đòi tranh chấp đất canh tác. Lúc này, ông Châu Lợi luôn là người đứng ra vận động, tuyên truyền cho người dân hai bên biên giới hiểu biết và chấp hành các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận giữa hai Nhà nước về phân giới, cắm mốc. Với uy tín của ông, bà con đã vui vẻ chấp hành.

Chúng tôi đi bộ băng qua cánh đồng xanh mướt của ấp Mỹ Lộ, ông Châu Lợi đã đứng đó đợi để cùng ra mốc. Ruộng của ông Châu Lợi canh tác chỉ cách cột mốc 311 và 312 chưa đầy trăm mét. Ông Châu Lợi năm nay khoảng 70 tuổi, nước da sạm đen vì nắng gió, tóc bạc phơ, chỉ nhìn qua, tôi có cảm nhận “thần thái” của ông đủ để người đối diện kính phục. Tôi tò mò hỏi về chuyện, ông được người dân “phong” cho biệt danh “Người phán xử”. Ông chỉ cười: “Họ cứ trêu thế thôi, chứ mình đâu phải người phán xử gì. Sinh sống ở đây lâu, có tuổi rồi nên người dân tin, bộ đội quý thôi”.

Tôi hỏi thêm về tình hình tranh chấp đất đai của người dân ở hai bên biên giới, ông rất nghiêm túc chỉ tay sang phía bên kia biên giới nói: “Bây giờ đỡ rồi. Hồi còn chưa phân giới, cắm mốc rất phức tạp. Như việc tranh chấp đất canh tác giữa hai gia đình ông Trao Chuôn và ông Nuôn Seng, tại ấp Mỹ Lộ đã đẩy hai dòng họ đi đến thù hằn nhau “một mất, một còn”. Nếu như tôi không đến kịp, phân giải phải trái thì có lẽ đã có chuyện đáng tiếc xảy ra”. Ông Châu Lợi không những là người phân xử về tranh chấp đất đai, mà còn là người luôn tích cực tuyên truyền cho bà con nơi đây không nghe theo các luận điệu xuyên tạc, không nghe kẻ xấu kích động làm mất đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới.

Đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, ông Châu Lợi luôn là “người bạn” đồng hành không thế thiếu trong mỗi chuyến công tác địa bàn. Ảnh: Kim Nhượng

Ông Trần Văn Sơ, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Mỹ Đức cho biết: Ông Châu Lợi là người dân tộc Khmer nên việc tuyên truyền, vận động bà con rất thuận lợi. Không những thế, ông là người đầu tiên lập ra “Quỹ khuyến học cho dòng họ”, sau là “Quỹ khuyến học ấp Mỹ Lộ”. Trong vòng hai năm, ông đã vận động được 168 hộ dân trong ấp đăng ký gia đình hiếu học. Ông được bà con tín nhiệm vì là tấm gương mẫu mực trong việc dạy dỗ con cái nên người. Ông có 6 người con đều thành đạt. Hai người con trai đầu hiện công tác tại Công an thị xã Hà Tiên. Hai người con tiếp sau là bác sĩ, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hai người con còn lại hiện đang làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã. Người dân noi gương ông mà cho con em mình học hành tử tế. Ông luôn đưa ra một quan điểm đơn giản: “Không cho phép bất cứ gia đình nào có con em bỏ học. Ấp biên giới phải có con em học giỏi để trở thành công dân tốt, nhiều công dân tốt sẽ thành ấp biên giới tốt, ấp biên giới tốt dần dần thành xã hội tốt”. Đó là những gì mà ông luôn phấn đấu.

Ông Trần Văn Sơ cho biết thêm, năm nay, UBND xã Mỹ Đức đã chọn ông Lợi là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer để báo cáo thành tích đề nghị tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Chúng tôi cùng ông ra kiểm tra mốc 311, 312 - hai trong số 10 cột mốc mà ông đứng ra nhận trông coi. Tôi nhận thấy sự kính trọng, cảm phục ông từ những người cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây. Họ kính trọng và cảm phục một con người có nhiều đóng góp không biết mệt mỏi cho sự phát triển của thôn, ấp, cho sự bình yên của biên giới Hà Tiên...

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-ban-tri-ky-cua-nguoi-linh-quan-ham-xanh/