Người bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính, hình sự phải tham gia phục vụ cộng đồng

Sáng nay 16/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, UBTVQH cho ý kiến về Luật phòng chống bạo lực gia đình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.

Những hành vi bạo lực

Theo dự thảo Luật trình UBTVQH cho ý kiến, các hành vi được coi là bạo lực gia đình gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

Bỏ mặc, không quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc;

Ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc các hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;…

Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị quy định khái quát khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình; Có một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “gián tiếp” gây ra bạo lực gia đình.

Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình có thể đan xen lẫn nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi thì có thể trùng lắp các hành vi bạo lực gia đình.

Hơn nữa, quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình như trên và rà soát, tiếp thu, chỉnh lý.

Có ý kiến đề nghị không áp dụng quy định này đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng do không khả thi và mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và gia đình.

Trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không, chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không còn là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 đã thu hẹp nhóm đối tượng, chỉ áp dụng đối với “người đã ly hôn” và “người chung sống với nhau như vợ chồng”. Trong khi trên thực tế xảy ra nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng cần áp dụng quy định của Luật này. Do vậy, cần phải quy định cụ thể như trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp.

Xử lý đối với người có hành vi bạo lực

Về xử lý người có hành vi bạo lực gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao.

Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục nên cần thiết bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế cho thấy thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.

Do vậy, dự thảo luật quy định theo hướng, với người từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình mà chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự phải thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; Tham gia các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu giải trình dự án luật. Cơ bản có sự đồng thuận cao, không có ý kiến trái chiều.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đây là vấn đề mới nên cần đánh giá kỹ hơn tác động. Nên chăng cần có quy định trường hợp loại trừ vì ngay quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về cải tạo không giam giữ cũng nói không áp dụng với phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi, người già yếu, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật nặng... Hơn nữa, thời gian phục vụ cộng đồng trong luật này cũng cao hơn.

Quốc Huy

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nguoi-bao-luc-gia-dinh-chua-den-muc-xu-ly-hanh-chinh-hinh-su-phai-tham-gia-phuc-vu-cong-dong-212048.html