'Người bảo vệ môi trường' ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Sau gần 3 năm công tác trên cương vị Phó Chánh Thanh tra tại Ban Thanh tra, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2012, PGS.TS Nguyễn Thị Báo được tin tưởng giao phó chức Chánh Thanh tra. Suốt 9 năm ngồi trên 'ghế nóng', bà luôn xác định, mình trong 'vai' của 'người bảo vệ môi trường'...

Với PGS.TS Nguyễn Thị Báo (thứ nhất từ phải sang) được gặp gỡ, chia sẻ với các học viên thực sự là niềm vui, là niềm hạnh phúc... Ảnh: NVCC

“Dễ bị cô đơn”...

Vẫn biết, nghề nào cũng có cái khó và vất vả riêng, nhưng những ai làm công tác thanh tra mới "thấm" sự khó khăn, phức tạp, nhạy cảm và thậm chí cả “rủi ro”. Có lẽ vì vậy mà trong ngành Thanh tra, nhất là thanh tra cấp bộ rất hiếm gặp Chánh Thanh tra là nữ. PGS.TS Nguyễn Thị Báo là một trong số ít đó.

Trò chuyện với bà, tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc và hơn hết, bên trong người phụ nữ ấy là một bản lĩnh “thép”.

Ban Thanh tra, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có chức năng là thanh tra nội bộ, nhưng đối tượng lại rất "đặc biệt" - là những cán bộ, học viên có học hàm, học vị và hầu hết họ là người nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Kể chuyện nghề, PGS.TS Nguyễn Thị Báo nói: Ngồi trên ghế này “nóng” lắm, vì đối tượng thanh tra toàn là những người "đặc biệt", trong quá trình làm việc, họ sẵn sàng "bắt bẻ" từng câu, từng chữ.

Mệt nhất là xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Mặc dù, bình quân mỗi năm đơn vị chỉ nhận được vài chục đơn, và chỉ phải giải quyết 5 - 10 vụ, nhưng làm thế nào để đối tượng "tâm phục khẩu phục" lại là điều không đơn giản.

Để làm được điều đó, cách giải quyết phải “thấu tình đạt lý”, đặc biệt văn bản phải thực sự chặt chẽ. Điều này đòi hỏi Chánh Thanh tra phải am hiểu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm chắc quy định của pháp luật và của Học viện, nếu không chỉ cần "sai một ly" sẽ "đi 1 dặm".

Bà kể: Có vụ việc đối tượng không chỉ có nghiệp vụ cao mà còn có chức sắc. Tôi phải tham mưu Giám đốc Học viện mời cả công an vào cuộc, dùng đủ các biện pháp đối tượng mới đầu hàng.

Tháng 10 này, PGS.TS Nguyễn Thị Báo nghỉ hưu theo chế độ, nhưng bà sẽ tiếp tục cống hiến cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trên vai trò của một nhà giáo. Ảnh: NVCC

Nhiều lúc, công việc được trọn vẹn nhưng bản thân bà lại phải chịu hi sinh. "Mỗi lần đặt bút ký tham mưu cho thủ trưởng xem xét xử lý kỷ luật 1 người đồng chí, đồng nghiệp là 1 lần tôi mất đi 1 người bạn, và lại 1 lần bị mang thêm điều tiếng là người không tốt. Suốt 9 năm làm công tác thanh tra, đây là điều tôi đau đáu và day dứt nhất".

Lúc ấy, trong đầu tôi luôn hiện lên 2 chữ “giá như”: “Giá như” họ đừng mắc khuyết điểm; “giá như” vi phạm không đến mức phải xử lý; “giá như” mà… Nhưng rồi vì kỷ luật, kỷ cương của trường Đảng, vì trách nhiệm, lương tâm với nghề tôi không thể không làm.

PGS.TS Nguyễn Thị Báo ngậm ngùi: Có lần nghe người ta hỏi "nhiều người ở đây gọi cô là "bà la sát"? Lúc ấy tôi chỉ biết trả lời: "Hàng ngày, đi làm qua tượng Bác Hồ, tôi tự nhủ phải làm thật tốt nhiệm vụ của "người bảo vệ môi trường" để Học viện luôn được trong sạch mà thôi".

Nói đến đây, bà giải thích thêm: Một số người có biểu hiện cơ hội, muốn tìm cách lợi dụng hình ảnh của Học viện để vụ lợi… Với tôi, hành vi ấy không thể tha thứ và bao che được. Tôi ý thức rất rõ, thanh tra ngoài phát hiện các gương điển hình để nhân rộng thì quan trọng nhất phải là phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh…

Cũng chính vì không khoan nhượng, thỏa hiệp trước sai phạm mà bản thân PGS đã nhiều lần bị bắn tin đe dọa, đàm tiếu sau lưng.

Có lần giải quyết vụ việc “nóng” bà còn bị tung tin dọa giết… nhưng với bản lĩnh “thép” nữ Chánh Thanh tra vẫn thể hiện sự cương nghị, quyết liệt và đi đến tận cùng của sự việc, đem lại niềm tin vào chân lý cho những người có tinh thần xây dựng Học viện và đã đặt niềm tin nơi bà.

Làm tròn 2 vai...

Gần 30 năm cống hiến tại Học viện, tháng 10 năm nay bà được nghỉ quản lý để làm chuyên môn - giảng viên cao cấp theo quy định. Nhìn lại chặng đường đã qua, bà thấy mình được an ủi vì đã tạo dựng được niềm tin của lãnh đạo Học viện đối với Ban Thanh tra.

Ngoài làm công tác thanh tra, PGS.TS Nguyễn Thị Báo còn dành thời gian tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện. Bà phấn khởi kể: Tôi cũng đã để dành được một ít “vốn liếng” cho nghề khi có gần 100 bài viết đăng tải trên các tạp chí; tham gia nhiều đề tài, dự án; đã hướng dẫn hơn 60 học viên hoàn thành luận văn thạc sĩ; 6 nghiên cứu sinh viết luận án tiến sĩ...

PGS.TS Nguyễn Thị Báo phát quà cho con em cán bộ Ban Thanh tra nhân dịp Tết Thiếu nhi 2018. Ảnh: NVCC

Công việc chuyên môn đã lấy đi gần hết quỹ thời gian rảnh rỗi để bà nghỉ ngơi hay giao lưu bạn bè. Từ thứ 2 đến thứ 6, bà làm việc ở Ban Thanh tra. Thứ 7, Chủ nhật dành cho công việc của nghiên cứu, giảng dạy, tham gia hội đồng chấm luận văn, luận án…

PGS.TS Nguyễn Thị Báo chia sẻ, mỗi ngày tôi bắt đầu thức dậy lúc 5 giờ sáng, kết thúc sau 11 giờ đêm. Thời gian nghỉ trong ngày chỉ là 30 phút ít ỏi buổi trưa. Khi giải quyết những vụ việc phức tạp có những đêm phải trăn trở, suy nghĩ đến bạc cả đầu.

Nhưng “nghề đã chọn mình” nên tôi tự nhủ mình phải rèn luyện bản thân, xác định rõ mục tiêu để không đi chệch hướng. Những lúc stress vì công việc, tôi tìm đến với âm nhạc, giao lưu với bạn bè trên Facebook và luyện tập thể dục. Đây cũng là bí quyết giúp cho tôi dù đã ở tuổi này vẫn có thể giữ đầu óc minh mẫn để giải quyết công việc đúng, đủ, hiệu quả.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo, "gánh nặng" đối với người phụ nữ lãnh đạo, quản lý là phải tròn vai “việc nước, việc nhà” nhưng tôi may mắn là con cái đã trưởng thành, lại được chồng thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ nên có nhiều thời gian cho công việc hơn.

Là phụ nữ, công tác lâu năm trong ngành Thanh tra, theo bà, khó khăn lớn nhất đối với nữ thanh tra là hay mềm yếu, trong khi công việc lại đòi hỏi bản lĩnh và sự cứng rắn. PGS.TS Nguyễn Thị Báo cho rằng, mỗi cán bộ nữ hãy rèn luyện bản thân, tâm huyết với nghề, xác định rõ mục tiêu để không đi chệch hướng, không “đánh mất mình”, bởi nếu bản lĩnh kém sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng “mũ ni che tai”, “nhắm mắt làm ngơ” hoặc “ thỏa hiệp để vụ lợi”…

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, nếu biết phát huy phụ nữ sẽ có những lợi thế riêng, bởi chị em được trời phú cho sự tinh tế, nhạy cảm, mềm dẻo. Khi làm việc, đặc biệt là tiếp xúc với công dân hoặc giải quyết những vụ việc "nóng", gai góc, phụ nữ sẽ có thể tận dụng được lợi thế này.

Tháng 10 này, bà về nghỉ hưu theo chế độ. Để lại sau lưng những trăn trở, buồn - vui với nghề thanh tra, nhưng bà cho biết sẽ tiếp tục cống hiến cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trên vai trò của một nhà giáo. Với bà, cảm giác được gặp gỡ, chia sẻ với các học viên thực sự là niềm vui, là niềm hạnh phúc. Hình ảnh người thầy sẽ theo bà trong suốt hành trình còn lại...

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nguoi-bao-ve-moi-truong-o-hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh_t114c8n140101