'Người bất tử' và thông điệp sâu sắc: 'Không quan trọng sống bao lâu, mà là sống như thế nào'

Trên hết, đằng sau những thước phim mang tầm cỡ khác biệt của 'Người bất tử', tác phẩm truyền tải thông điệp sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống thông qua nhân vật 'người bất tử' Hùng (Quách Ngọc Ngoan đảm nhận).

Trong lần trở lại với dự án phim Người bất tử, đạo diễn bạc tỷ Victor Vũ đã cho thấy phong độ và sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu của mình khi cùng lúc đưa lên màn ảnh rộng đề tài bất tử và luân hồi chuyển kiếp, lồng trong bối cảnh hoành tráng của Bắc Bộ Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc. Song, trên hết, đằng sau những thước phim mang tầm cỡ khác biệt ấy, tác phẩm truyền tải thông điệp sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống thông qua nhân vật “người bất tử” Hùng (Quách Ngọc Ngoan đảm nhận).

“Người bất tử” và cuộc sống quẩn quanh, bế tắc với hận thù

Người bất tử xoay quanh sự trở lại của công tử nhà giàu Hùng, sau khi bị anh trai cả đánh thừa sống thiếu chết để chiếm đoạt gia tài. Anh được thầy pháp Ninh (NSND Bùi Bài Bình) cưu mang rồi truyền dạy cho bài phép dùng ngải đoạt mạng. Sử dụng thứ tà đạo chết chóc để trả thù những người đã đẩy mình vào chỗ chết, Hùng sống chật vật bởi quá dựa dẫm, phụ thuộc bùa ngải. Không muốn mất đi mạng sống khi vừa chạm tay tới hạnh phúc bên Liên (Jun Vũ), Hùng tìm đến thuật bất tử bất chấp lời cảnh cáo từ thầy Ninh: “Những ai mưu cầu sự bất tử, thường họ sẽ hối hận vì điều đó”.

Không những bảo vệ Hùng miễn nhiễm với cái chết, thứ tà đạo chết chóc bên trong anh còn không ngừng chiếm đoạt và chế ngự tâm hồn, khiến Hùng sẵn sàng ra tay với bất cứ ai có khả năng đe dọa đến mạng sống của mình. Chính vì thế, chuỗi ân oán cứ thế lặp lại không dứt, nghiệp chướng càng nhiều, nhân vật chính càng phải đối mặt với tội lỗi bản thân gây ra. Do vậy, Hùng phải sống một cuộc đời chật vật không có kết thúc, đó là nỗi đau kéo dài, cũng là hình phạt đáng sợ nhất mà “người bất tử” hứng chịu.

Dù thuật bất tử giúp anh không thể chết, bất chấp dao dâm, súng bắn, lửa thiêu, điện giật; song, Hùng phải chịu mọi nỗi đau thể xác mà chúng đem đến như người bình thường. Chi tiết ấy càng nhân đôi bi kịch của nhân vật, đưa anh vào địa ngục trần gian không lối thoát.

Như vậy, bên cạnh đề tài bất tử không còn xa lạ trên màn ảnh rộng thế giới, Người bất tử của đạo diễn Victor Vũ trở nên khác biệt bằng cách làm sâu sắc thêm bi kịch của Hùng. Nhân vật chính không những phải đối mặt với nỗi cô đơn kéo dài hàng trăm năm, mà còn hứng chịu sự trừng phạt của quy luật nhân quả, ác giả ác báo và luân hồi chuyển kiếp.

“Không quan trọng sống bao lâu, mà là sống như thế nào”

Điểm sáng của toàn bộ tác phẩm xoay quanh lời thoại đầy chiêm nghiệm của Hùng khi gặp Duyên (Thanh Tú): “Không quan trọng sống bao lâu, mà là sống như thế nào”. Nhân vật tìm đến thuật bất tử bởi khao khát tận hưởng hạnh phúc cùng với Liên (Jun Vũ) và đứa con sắp chào đời, để rồi đánh mất đi giá trị cuộc sống cũng bởi mưu cầu bất tử ấy. Tình tiết Hùng cố gắng tự tử nhưng bất thành mang tính biểu tượng cao: từ khoảnh khắc đó, anh đã không còn muốn sống, thứ tà đạo chết chóc hoàn toàn chế ngự và điều khiển thân xác Hùng, dẫn đến hàng loạt tội lỗi đằng sau.

Trailer phim Người bất tử.

Nhưng rồi, trong cuộc sống mà anh gọi là “địa ngục”, “tù đày”, Hùng gặp người góa phụ Duyên và tìm lại được giá trị của việc sống. Dù đơn giản, bình dị, song đó mới là một cuộc đời thực sự đáng sống. Tuy nhiên, vòng tròn oan nghiệt lại một lần nữa lấy đi ý nghĩa và cảm hứng sống duy nhất của anh. Đúng như những lời thầy pháp Ninh cảnh báo, con người luôn hối hận khi mưu cầu sự bất tử, bởi ngang trái làm sao, khi họ được sống một cuộc đời không hồi kết, nhưng sống không ra sống, sống mà không mang sứ mệnh, động lực và hạnh phúc nào.

Nhà văn Phạm Lữ Ân từng viết trong cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn của mình: “Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu”. Dường như sự hữu hạn của đời người đã trở thành đặc ân đối với “người bất tử” Hùng, khi anh có một cuộc đời vô hạn, nhưng không thể sống sâu một lần. Những mối tình với Liên và Duyên dù sâu sắc nhưng quá ngắn ngủi, những nỗi đau thể xác trong nhà tù cũng không thấm tháp gì so với trần gian vô tận mà anh mắc kẹt. Nhìn người người tha thiết mạng sống, đau đớn vì mất đi người thân trong chiến tranh, Hùng tự cảm thấy chua xót, bởi bản thân trở nên lạc lõng, thừa thãi giữa cuộc đời này. Để rồi cuối cùng, lời chiêm nghiệm của Hùng cũng tạo nên thông điệp mà tác phẩm muốn gửi gắm: “Không quan trọng sống bao lâu, mà là sống như thế nào”.

Phương Thảo

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/phim-chieu-rap/nguoi-bat-tu-va-thong-diep-sau-sac-khong-quan-trong-song-bao-lau-ma-la-song-nhu-the-nao-3918849.html