'Người bay' thực hiện khát vọng của cha

'Người bay' Richard Browning tin rằng phát minh của mình sẽ hữu ích cho dịch vụ cứu hộ khẩn cấp hoặc các nhiệm vụ quân sự.

Có lẽ, đến thời điểm hiện tại, chinh phục bầu trời vẫn là chủ đề chính trong những ước mơ của nhân loại. Chúng ta đã có thể ngồi máy bay, có thể nhảy dù, nhưng còn chưa thể lao lên bầu trời và phi hành như siêu nhân.

Phát minh của Richard Browning - 41 tuổi, một cựu thương nhân dầu mỏ, hiện là doanh nhân, nhà phát minh, một "Iron Man đời thực", có thể giúp ta làm điều đó.

Mặc một bộ đồ màu đen cùng quần áo và mũ bảo hộ, lưng đeo một khối máy, và cánh tay được trang bị động cơ phản lực, Richard Browning có thể bay cao vài mét so với mặt đất, lướt nhanh trên đồng cỏ, rồi lơ lửng chơi đùa cùng đống lá khô đang tung bay trong gió, tờ Guardian miêu tả.

“Hãy tưởng tượng bạn đang ở một không gian ba chiều, hoàn toàn tự do di chuyển bất cứ hướng nào bạn thích. Đó là trạng thái vui sướng, tự do và siêu thực nhất mà tôi từng trải qua”, Browning mô tả lại trải nghiệm bay của mình.

 Browning thực hiện chuyến bay thử nghiệm cho Dịch vụ cứu thương hàng không Great North Air ở Quận Lake. Ảnh GNAAS/AFP.

Browning thực hiện chuyến bay thử nghiệm cho Dịch vụ cứu thương hàng không Great North Air ở Quận Lake. Ảnh GNAAS/AFP.

Hoàn thành khát vọng của cha

Theo Guardian, Browning từng dành sáu năm trong lực lượng dự bị của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh trước khi trở thanh một doanh nhân. Tuy nhiên, máu nghiện bay, nghiện sáng chế của Browning chưa hẳn khởi nguồn từ thời gian ở quân ngũ, mà dường như được di truyền từ gia đình. Cha của Browning là một kỹ sư hàng không, nhà phát minh và nhà thiết kế cơ khí. Cả ông nội và ông ngoại của anh đều là những phi công kỳ cựu, “cân” được cả máy bay dân dụng và máy bay trực thăng.

Khát vọng được bay thúc đẩy Richard Browning tự tạo ra chiếc jetpack đầu tiên của mình. Bốn năm trước, anh bắt đầu với một cặp tuabin khí nhỏ, đeo vào hai cánh tay. Chúng nâng anh khỏi mặt đất một chút. Thêm một cặp, rồi hai cặp tuabin nữa, Browning lại nhấp nhô được cao hơn. Cứ thế, cứ thêm tuabin, thêm động lực và cuối cùng Browning cũng đã có thể bay một cách đúng nghĩa.

“Tôi không hề có ý định kinh doanh, cũng không mục đích gì cả. Chỉ đơn giản là tôi thấy vui khi được bay”, Richard Browning cho biết.

Ngoài khát vọng bay lượn trên không trung, Browning cũng thừa nhận một lý do thôi thúc anh phát minh ra jetpack là vì cha mình. Cha Browning từng bỏ công việc làm công ăn lương để cống hiến cho khoa học. Ông miệt mài chế tạo, nhưng cuối cùng không thể kiếm sống từ những phát minh tâm huyết của mình. Tuyệt vọng, ông đã tự sát khi Browning chỉ mới 15 tuổi.

“Tôi nhận ra cuộc hành trình của mình dường như là để thực hiện tham vọng chưa hoàn thành của cha,” Browning thừa nhận.

“Cha tôi chỉ là một trong hàng nghìn người có ý tưởng và cố gắng biến chúng thành hiện thực. Tuy nhiên, ông đã không thành công và cuối cùng phải trả giá bằng mạng sống của mình. Tôi lớn lên, chứng kiến khát vọng và nỗ lực của cha. Tôi trở thành người ưa chinh phục thử thách, có lẽ là để hoàn thành những điều tốt đẹp mà tôi chưa thể thấy được khi còn nhỏ”.

Bay để giải trí, bay để cống hiến, và bay để cứu người

Browning và công ty Gravity Industries của anh hiện có trị giá hàng triệu USD, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn ở Thung lung Silicon như Tim Draper. Gravity Industries thường thực hiện các màn biểu diễn bay ở các sự kiện lớn như khai trương sân vận động bóng chày ở Nhật Bản, hoặc ra mắt ôtô ở Trung Quốc.

Richard Browning chia sẻ rằng Gravity Industries có kế hoạch thực hiện nhiều cuộc đua bay, nhưng bị hoãn lại vì đại dịch. Họ cũng tổ chức các buổi luyện bay bằng jetpack tại Goodwood, Anh. Những người đến đây sẽ được trang bị đầy đủ các biện pháp an toàn, nhưng với mức giá 6.000 bảng Anh cho một buổi tập, hoạt động này tạm thời chủ yếu dành cho giới thượng lưu.

Sam Wollaston, phóng viên của Guardian đang thử bộ thiết bị bay phản lực của Browing. Ảnh: Guadian.

Wollaston lơ lửng trên không trung với sự trợ giúp jetpack mà Browing sáng chế. Ảnh: Guardian.

Dù vậy, tham vọng của Browning không chỉ dừng lại ở việc phục vụ thú vui bay lượn của cánh nhà giàu. Bản thân anh cho rằng trong tương lai, jetpack hoàn toàn có thể trở thành phương tiện giao thông chính của con người.

“Trang phục bay của tôi sở hữu bộ pin an toàn và có khả năng lưu trữ mật độ năng lượng cao gấp 10 lần xăng, dầu diesel và nhiên liệu phản lực. Nó cũng có thể được quản lý tự động để không bay cao quá ba hoặc bốn mét. Bộ thiết bị bay cũng trang bị một hệ thống triển khai túi khí. Với những ưu điểm trên, chuyện đeo jetpack bay lượn trên không sẽ an toàn tuyệt đối như đi xe đạp vậy”, Browning hào hứng chia sẻ tưởng tượng của anh về tương lai.

Trên thực tế, Browning không phải là người đầu tiên và duy nhất tìm cách bay lượn tự do trên bầu trời. Đầu năm này, một người đàn ông Mỹ đeo một bộ động cơ phản lực bay lượn vòng quanh sân bay LAX ở Los Angeles. Franky Zapata, người Pháp, đã băng qua eo biển Manche bằng chiếc ván có trang bị động cơ phản lực vào năm ngoái. Và JetPack Aviation, một công ty Mỹ, tự hào rằng họ có thể đưa một người bay lên độ cao 4.600 m.

Nhà phát minh người Pháp, Franky Zapata băng qua eo biển Manche bằng ván bay. Ảnh: AP.

Với xu hướng này, có lẽ một ngày không xa nào đó, việc bay qua bay lại trên bầu trời như siêu nhân sẽ là một thực cảnh thường thấy của nhân loại.

Hiện tại, Richard Browning đang tiến hành các hoạt động pháp lý nhằm đưa phát minh của anh vào thực tế, bao gồm cả các thảo luận với quân đội Anh và Mỹ. Browning khẳng định phát minh của mình sẽ có ích đối với các lực lượng đặc biệt.

Anh nói rõ: “Một người lính sẽ cần băng qua một bãi mìn, qua một khu vực động đất, một khu rừng, hay một dòng sông. Trong phạm vi từ 3 đến 4 km, bất kể ngày đêm hay bão lũ, phát minh của tôi sẽ đưa người đó đến nơi an toàn mà chỉ mất 10 giây khởi động".

Ngoài quân sự thì y tế, đặc biệt là các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp cũng là một lĩnh vực có thể áp dụng jetpack. Các nhân viên cứu hộ có thể tiếp cận người đi bộ, người leo núi gặp nạn trong một khoảng thời gian rất ngắn nhờ bộ trang phục bay của Gravity Industries. Ngoài bản thân bộ jetpack, nhân viên y tế có thể mang thêm 10-15kg phụ trọng, tương đương với một máy khử rung nhẹ, thiết bị quản lý đường thở và một số loại thuốc.

“Nếu một bệnh nhân ở núi Helvellyn bị ngừng tim, chúng tôi có thể tiếp cận được bệnh nhân đó trong vòng tám phút khởi hành từ trung tâm cứu hộ quận Lake”, Andy Mawson, một nhân viên cấp cứu của dịch vụ vận chuyển cứu thương Great North Air nhận xét. Anh dành nhiều lời khen có cánh cho Browing: “Bộ jetback này thật sự là một điều tuyệt vời, nhật là khi nó lại tối giản như vậy”.

Người sáng lập Gravity Industries, Richard Browning đang thử nghiệm bay ở Langdale Cumbria, Anh, đến một địa điểm mô phỏng thương vong. Ảnh: Gravity Industries.

Tạm thời, những bộ jetpack, jetsuit cá nhân của Gravity Industries vẫn chưa được rao bán chính thức. Tuy nhiên, một bộ trang phục bay ước tính có giá lên đến 340.000 bảng Anh, tức 10,3 tỷ đồng. Richard Browning cho biết anh chỉ bán chúng cho những người đã tập luyện nhuần nhuyễn khóa học bay. Hơn thế nữa, dù đã bán, jetpack vẫn phải được lưu trữ và bảo dưỡng tại Gravity Industries, chủ nhân không thể mang chúng về nhà.

“Chúng tôi không bao giờ để bất kỳ bộ jetpack nào lọt khỏi tầm mắt của chúng tôi. Jetpack cũng giống như một chiếc xe công thức một vậy, việc điều khiển nó khá nguy hiểm. Chúng tôi phải chắc chắn rằng người mua có thể thực sự sử dụng nó một cách an toàn”.

So với chiếc ván Zapata, bộ jetpack của Browning chỉ đưa con người bay lên cách mặt đất vài mét. Cú ngã tệ nhất có thể khiến người bay trẹo mắt cá hoặc gãy chân, tức là cũng không quá đáng sợ so với việc đi xe máy ngoài đường. Tuy nhiên, do phát minh này vẫn còn đang được phát triển, thi thoảng Richard Browning vẫn phải đối phó với một vài tai nạn, ví dụ như jetpack bỗng nhiên bắt lửa.

Từ buồng lái, phi công Mỹ thấy người bay qua Khi chuẩn bị hạ cánh tại sân bay Los Angeles, Mỹ, một phi công nhìn thấy người đàn ông sử dụng động cơ phản lực bay gần buồng lái của mình.

Hồng Ngọc
Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-bay-thuc-hien-khat-vong-cua-cha-post1150329.html