Người bệnh không thể chờ thuốc hiếm

Tin vui là mới đây, ngày 24/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã viện trợ khẩn cấp 6 lọ thuốc BAT cho Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botulinum.

Trước đó, liên tiếp đã xảy ra những vụ ngộ độc botulinum tại TP Hồ Chí Minh. Điều đáng tiếc, khi những ca ngộ độc này xảy ra thì bệnh viện đã không còn thuốc giải độc, chỉ điều trị cho bệnh nhân theo hướng nâng đỡ, chữa triệu chứng. Trong khi chờ thuốc của WHO viện trợ, 1 bệnh nhân đã tử vong, sự cố đau lòng và đáng tiếc.

Thuốc giải độc tố botulinum là loại thuốc cực kỳ quý hiếm, giá đắt 8.000 USD/lọ.

Điều đáng báo động, theo các chuyên gia y tế, ngộ độc botulinum không phải hiếm hoi, ngay tại Mỹ, nơi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng 1 năm vẫn có 150 - 300 ca ngộ độc botulinum .

Các bác sĩ cho biết thêm, ngộ độc botulinum không phải hiện nay xảy ra nhiều hơn trước mà do nay phương tiện, phương pháp chẩn đoán đã tốt hơn.

Điều này cho thấy, khả năng người bị ngộ độc botulinum là vẫn có thể xảy ra, đôi khi là chùm ca bệnh vì cùng ăn một loại thực phẩm nhiễm khuẩn ở cùng địa điểm và thời điểm. Do đó, Việt Nam cần phải chủ động để có nguồn thuốc để giải độc loại độc tố ghê gớm này.

Chúng tôi rất đồng tình với các đại biểu Quốc hội trong phiên họp Quốc hội đang diễn ra về việc mua dự trữ loại thuốc nói trên.

Cụ thể, một số đại biểu cho rằng Nhà nước nên mua sớm thuốc quý hiếm để dự trữ tại hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, người dân mong muốn, các ngành chức năng luôn tạo điều kiện thông thoáng để kịp thời mua thuốc, hóa chất… nhằm khám và chữa bệnh cho người dân. Đã có lần, chúng tôi đi khám bệnh nhưng bác sĩ ở bệnh viện thông báo hết hóa chất xét nghiệm, hẹn lần khác quay lại.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh) cho ý kiến: "Các công ty nhập thuốc hiếm chủ yếu là làm công quả, số lượng ít, trị giá hợp đồng lớn, tiền lời không bao nhiêu. Năm nào cũng có chuyện chậm cấp số đăng ký, lúc nào cũng lo sợ đừng để bệnh nhân ngộ độc.

"Do đó, cần lấy nhu cầu quốc gia, tính toán lại số lượng, đắt nhưng phải chịu. Nên thương thảo giá, đàm phán để các công ty có thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, có thể mang thuốc về dự trữ tại hai trung tâm lưu trữ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội”.

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia y tế, đông đảo người dân ủng hộ. Suy cho cùng tiền mua thuốc quý hiếm để dự trữ cũng là của người dân, dùng để bảo vệ sức khỏe của người dân mà thôi, không mất đi đâu cả.

Hy vọng với tinh thần tất cả vì sức khỏe người dân như các chuyên gia y tế, đại biểu Quốc hội nói trên đã thể hiện, cơ sở y tế luôn đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị cho mọi người dân, không còn cảnh phải chờ viện trợ từ tổ chức khác hay nước khác, như vụ việc thuốc giải độc tố botulinum vừa qua.

Thành Thực

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-benh-khong-the-cho-thuoc-hiem.html