Người bệnh 'quay quắt' vì nắng nóng

Dù các cơ sở y tế nỗ lực để bảo đảm phòng, chống nóng cho người bệnh, nhưng trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, người bệnh khám, nhập viện tăng cao cùng người nhà đi kèm, nhiều người vẫn phải chịu cảnh vật vã giữa trời nắng nóng để chờ đợi làm các thủ tục khám, chữa bệnh.

Bệnh nhi chờ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tăng cao trẻ em, người cao tuổi nhập viện vì nắng nóng

Một tuần liên tiếp, Hà Nội duy trì thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, có hại cho sức khỏe. Có thời điểm nhiệt độ ngoài trời ghi nhận vượt ngưỡng 45 độ C. Tại nhiều cơ sở y tế, người dân phải vạ vật giữa trời nắng nóng để chờ đợi xếp hàng được khám, chữa bệnh.

Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng sẽ làm gia tăng các trường hợp sốc nhiệt, đột quỵ não, rối loạn điện giải và viêm phổi. Tỷ lệ người già, trẻ nhỏ mắc các bệnh lý do nắng nóng đến khám, nhập viện cũng tăng cao gần đây.

Bế con 2,5 tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị H. (Văn Giang, Hưng Yên) cho hay, con có biểu hiện sốt từ cuối tuần trước, nhưng gia đình vẫn nghĩ sốt do cảm nắng sau khi đi mầm non về. Tuy nhiên, bé vẫn sốt không giảm, có biểu hiện ho nặng hơn, chị vội đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

"Bé có tiền sử viêm tiểu phế quản, gia đình cũng giữ gìn con trong môi trường mát mẻ, nhưng thời tiết nắng nóng liên tục, con lại ra vào môi trường điều hòa suốt nên bị ho liên tục, sốt 3 ngày chưa hạ. Cứ cho con đi viện cho chắc chắn dù biết là thời tiết rất nắng nóng", chị H. chia sẻ.

Người lớn, trẻ nhỏ vật vã giữa trời nắng nóng chờ đợi.

Nhìn con lả đi vì mệt do nắng nóng và bị viêm đường ruột 2 ngày qua, chị Mai Thùy D. (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, con trai chị có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đi ngoài liên tục trong ngày cuối tuần.

Tình trạng viêm đường ruột nặng nề khiến bé không ăn được, không uống được nước điện giải bổ sung tình trạng mất nước khiến cơ thể mệt mỏi, lả đi. Dù được bác sĩ gần nhà kê đơn, nhưng tình trạng của bé vẫn không thuyên giảm nên chị phải đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. "Không có điều kiện đi ô-tô, nhà mình phải đi xe máy vượt nắng nóng đến đây từ sớm", chị D. chia sẻ.

Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng sẽ làm gia tăng các trường hợp sốc nhiệt, đột quỵ não, rối loạn điện giải và viêm phổi. Tỷ lệ người già, trẻ nhỏ mắc các bệnh lý do nắng nóng đến khám, nhập viện cũng tăng cao gần đây.

Không có biểu hiện về viêm đường hô hấp hay tiêu hóa, con của chị Trần Thanh H. (Thanh Xuân, Hà Nội) có tình trạng mệt lả do nóng khi nhiệt độ ngoài trời những ngày qua liên tục ở mức cao. Trẻ lại hiếu động, hoạt động, tập luyện thể lực nhiều giờ dưới trời nóng bức khiến cơ thể bị mất nước nên gia đình rất lo lắng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em đến khám vì các bệnh liên quan đến nắng nóng nhiều hơn trước. Cứ một bệnh nhi đi kèm 1-2, thậm chí 3 người nhà, càng khiến bệnh viện thêm đông đúc. Những chiếc quạt công nghiệp được bệnh viện bố trí ở khu vực hành lang dù chạy hết tốc lực vẫn không xua hết được không khí hầm hập khi nhiệt độ ngoài trời cứ nhích dần lên, vượt ngưỡng 40 độ C.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời tiết nắng nóng oi bức, bên cạnh các bệnh lý thường gặp ở trẻ em như bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, da,… phụ huynh cần đề phòng tình trạng say nắng, say nóng ở trẻ.

Trẻ bị say nắng, say nóng có thể bị tăng nhịp tim, khó thở, co giật, hôn mê, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh viện cũng đã bố trí các khu chờ mát mẻ dành cho gia đình các bé đưa con đến khám. Trong các khu vực khám tự nguyện phía trong bệnh viện được chạy điều hòa tổng, nên dù đông đúc nhưng cũng xoa dịu sự vất vả của các cha mẹ đưa con đến khám tại đây trong những ngày nóng đỉnh điểm này.

Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 7.000-12.000 người tới khám chữa bệnh. Hầu hết bệnh nhân tới đây đều trong tình trạng nặng do đây là bệnh viện tuyến cuối.

Trong những ngày thời tiết nắng nóng vừa qua, lượng bệnh nhân tới bệnh viện rất đông, bệnh viện cố gắng bố trí tối đa giờ khám bệnh sớm, làm việc đến cuối giờ trưa để bệnh nhân có kết quả xét nghiệm sớm, trở về trong ngày. Đồng thời bố trí khu ngồi chờ khám có quạt mát, ghế ngồi để giảm bớt vất vả cho người bệnh.

Nhiều người phải chờ cả ngày mới làm xong các xét nghiệm.

Bảo vệ người già và trẻ em

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, khi bị nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ cho cơ thể như: giãn nở mạch máu, tiết ra nhiều mồ hôi.

Bình thường, cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng này ở mỗi người sẽ có một ngưỡng đáp ứng khác nhau, khi sự điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi nhiệt độ tăng nhanh và cao của môi trường bên ngoài, sẽ dẫn đến bị mất quá nhiều nước qua mồ hôi, gây ra những biến đổi trầm trọng trong cơ thể.

Từ đó, có thể dẫn đến tình trạng: Sốt cao trên 40 độ C, buồn nôn và nôn; da nóng, khô, đỏ; tăng nhịp tim, khó thở; có thể bị ảo giác như nói lắp, không kiểm soát được hành vi, co giật hoặc hôn mê; đau, nhức nhói đầu, thậm chí có thể gây tử vong.

Trong thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tác động về mặt sức khỏe nhất. Do đó, bác sĩ Thắng khuyến cáo, những ngày nắng nóng đỉnh điểm, người từ 60 tuổi trở lên không nên ra ngoài từ 10 giờ đến 15 giờ. Đối với người 75 tuổi trở lên thì không nên đi ra ngoài các giờ trong ngày, kể cả ngồi sau xe máy.

Người cao tuổi có thói quen tập thể dục buổi sáng, vào những ngày nhiệt độ 39-40 độ, hơn 6 giờ sáng đã có bức xạ, buổi sáng không nên ra ngoài tập thể dục, mà tập nhẹ nhàng trong nhà.

Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm và rất dễ bị say nắng, say nóng. Nhiệt độ môi trường là yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề sức khỏe nhưng cũng không hoàn toàn là yếu tố quyết định duy nhất, mà còn do ảnh hưởng đồng thời của môi trường kín khí gây khó thở; cơ thể thiếu nước, mặc quần áo quá chật,..

Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm và rất dễ bị say nắng, say nóng.

Do đó, các bác sĩ nhi khuyến cáo, những ngày nắng nóng, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi; không nên cho trẻ vận động ở cường độ cao và liên tục quá 2 giờ đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời. Cha mẹ cũng nhắc nhở con uống nước thường xuyên, tránh để trẻ bị mất nước.

Đặc biệt, cha mẹ không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ. Nếu trẻ vừa đi ngoài về, tránh cho vào phòng điều hòa ngay. Không nên để trẻ chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa và không gian nóng bức bên ngoài. Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài trời nắng. Bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng và sức khỏe.

Để phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, bảo đảm an toàn và nâng cao sự hài lòng người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị thủ trưởng đơn vị:

Khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh.

Phối hợp với các đơn vị truyền thông, trung tâm y tế dự phòng... trên địa bàn tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống nắng nóng và thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-benh-quay-quat-vi-nang-nong-post753945.html