Người bị bệnh tâm thần gây án cần được ưu tiên chữa trị

Bạn đọc hỏi: Xã hội hiện đã có khá nhiều vụ người tâm thần gây án mạng. Xin luật sư cho biết, trường hợp nào thì người tâm thần không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp nào vẫn bị xử lý hình sự và quy định về phạt tù đối với người tâm thần ra sao? Nguyễn Văn Ba (Thường Tín, Hà Nội)

Lê Quang Lập (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), đối tượng bị bệnh tâm thần gây ra vụ án mạng giết mẹ và bà ngoại

Luật sư trả lời:

Người tâm thần vi phạm pháp luật hình sự, thường là các tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Đây là một thực trạng đáng báo động hiện nay, bởi số lượng các vụ án liên quan đến người tâm thần ngày càng gia tăng.

Có thể kể đến một số vụ án như vụ Lê Quang Lập (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) giết mẹ và bà ngoại; vụ Huỳnh Thanh Phong (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) giết hai người hàng xóm và làm bị thương một người khác; vụ Đặng Duy Điền (xã Đông Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) giết hai người và làm bị thương một người; vụ Phù Minh Tuấn giết 4 người tại xã Tân Trịnh, Quang Bình, Hà Giang hoặc một số vụ việc gần đây mà báo chí đăng tải…

Qua những vụ án này, có một câu hỏi luôn được đặt ra là, các đối tượng gây án sẽ bị xử lý ra sao? Điều đầu tiên mà cơ quan chức năng tiến hành sau khi bắt giữ nghi can là nếu họ có dấu hiệu của bệnh tâm thần sẽ được đưa đi giám định.

Và theo quy định tại Điều 21- Bộ luật Hình sự 2015: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự"; Trong trường hợp cơ quan giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm gây án thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện.

Còn Điều 51 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình". Điều này có nghĩa là nếu như cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì đối tượng vẫn bị xử lý hình sự bình thường nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, đối với người tâm thần phạm tội, dù miễn trách nhiệm hình sự hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ thì vẫn cần phải ưu tiên chữa bệnh để họ khỏi bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát. Đưa họ vào tù mà không chữa bệnh cho họ, sau khi họ ra tù hoặc thậm chí ở ngay trong tù, biết đâu một lúc nào đó cơn bệnh phát tác, họ lại gây nguy hiểm cho những người xung quanh.

Cũng chính vì thế mà xã hội đang rất cần sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng về vấn đề này để từng bước hạn chế tình trạng người tâm thần phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/nguoi-bi-benh-tam-than-gay-an-can-duoc-uu-tien-chua-tri/776649.antd