Người bị tước tự do có quyền được đối xử nhân đạo

Những người bị tước tự do phải được tôn trọng nhân phẩm như với những người tự do.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quyền này được quy định tại Điều 10 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR). Khoản 1 Điều 10 Công ước áp dụng cho bất cứ người nào bị tước tự do theo luật và quy định của Nhà nước.

Các quốc gia phải bảo đảm rằng nguyên tắc này áp dụng với tất cả các cơ quan và cơ sở giam giữ trên lãnh thổ nước mình. Những người bị tước tự do phải được tôn trọng nhân phẩm như với những người tự do. Người bị tước tự do vẫn được hưởng tất cả những quyền qui định trong Công ước, trừ việc phải chịu sự hạn chế không thể tránh được trong một môi trường bị quản chế.

Tại Bình luận chung số 21, Ủy ban Nhân quyền cũng nhắc nhở rằng các nguyên tắc nêu ở khoản 1 Điều 10 xác lập nền tảng cho những nghĩa vụ rõ ràng hơn của các quốc gia thành viên trong việc xét xử tội phạm, mà được quy định trong khoản 2 và 3 Điều 10.

Việt Nam luôn tôn trọng các quyền con người cơ bản của những người bị tạm giữ, tạm giam. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của những người bị tạm giữ, tạm giam.

Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác theo quy định của pháp luật; được tiếp cận thông tin qua hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình trong nhà tạm giữ, tạm giam; có quyền khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật và quy chế của nhà tạm giữ, tạm giam. Các trại tạm giam đều xây dựng buồng gặp riêng và tạo điều kiện cho luật sư hoặc người bào chữa của bị can, bị cáo được tiếp xúc với bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam được ban hành vào năm 2015 với nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, trong đó đã bổ sung thêm nhiều quyền như quyền được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình; được thực hiện quyền bầu cử, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam... (Điều 9).

Những người đang chấp hành án phạt tù bị hạn chế một số quyền công dân nhưng vẫn được pháp luật bảo vệ và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản.

Theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì phạm nhân được học tập về chính trị, pháp luật, thời sự, phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ và học nghề; được thăm khám, chữa bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế. Phạm nhân là người chưa thành niên được giam giữ riêng, không phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm tiếp xúc chất độc hại.

Thế Vinh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-bi-tuoc-tu-do-co-quyen-duoc-doi-xu-nhan-dao-159774-159774.html