Người biểu tình Hong Kong đã đánh mất sự ngây thơ

Mọi thứ đều diễn ra hòa bình khi có khoảng 1 triệu người đổ xuống đường phố Hong Kong ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ nhằm cho phép đưa nghi phạm về đại lục xét xử.

Họ tuần hành trong gần 8 tiếng đồng hồ của ngày hôm đó mà không xảy ra sự cố gì. Không cửa sổ nào bị vỡ, không cục gạch nào bị ném vào cảnh sát. Không đám cháy nào bị đốt. Không nhà ga nào phải dừng hoạt động.

Bốn tháng sau, những điều đó dường như chỉ còn trong ký ức của một Hong Kong rất khác.

Kể từ đó, thành phố này đã trải qua 18 tuần liên tiếp của biểu tình ngày càng bạo lực, giữa những người biểu tình đeo khẩu trang, mặt nạ và mặc áo đen với cảnh sát.

Những người biểu tình cực đoan hơn đã chặn các tuyến đường, đốt lửa, ném bom xăng, phá ga tàu và phá hoại những ngân hàng và cửa hàng mà họ cho là có quan hệ với Bắc Kinh.

Trong những vụ việc khác, người biểu tình làm tanh bành nơi làm việc của Hội đồng lập pháp, bao vây văn phòng liên lạc của Bắc Kinh, vấy bẩn quốc huy và phun sơn lên tường. Người biểu tình cũng làm gián đoạn nhiều chuyến bay quốc tế và khiến hệ thống tàu cao tốc phải đóng cửa hoàn toàn lần đầu tiên trong 40 năm qua.

Trưởng đặc khu Carrie Lam và chính quyền thành phố chưa có kế hoạch nào để giải quyết đợt bất ổn này và đưa Hong Kong trở lại bình thường.

Người biểu tình đưa ra 5 yêu cầu. Nhưng cho đến nay bà Lam mới chấp nhận một yêu cầu là rút dự luật dẫn độ. Người biểu tình đòi phải đáp ứng cả 5.

Điều bình thường mới

Trước tình trạng bạo lực, phá hoại và gián đoạn ngày càng tồi tệ, các nhà quan sát cho rằng Hong Kong bây giờ đang trải qua một sự bình thường mới của bất ổn xã hội và điều đó sẽ không sớm kết thúc.

Báo SCMP dẫn một nguồn tin gần gũi với chính quyền Hong Kong nói rằng Bắc Kinh không sẵn sàng chấp nhận những yêu cầu còn lại của người biểu tình, đặc biệt là cải cách chính trị.

“Bạo lực và đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình sẽ tiếp tục hoặc gia tăng cho đến nửa đầu năm sau”, nguồn tin nói.

“Dù thích hay không, điều này sẽ trở thành ‘điều bình thường mới’. Xã hội, hay thậm chí cả Bắc Kinh, có thể sẽ quen với điều này nếu mọi thứ diễn ra theo chu kỳ cuối tuần và không vượt khả năng kiểm soát. Chính quyền và cảnh sát Hong Kong sẽ không ngại bắt thêm người biểu tình để đe dọa”, nguồn tin nói.

Người này nói rằng hy vọng thực tế nhất là chính quyền sẽ lập ra một ủy ban điều tra các hành vi lạm quyền của cảnh sát.

Đối với Bắc Kinh, vụ bao vây văn phòng liên lạc ở thành phố vào ngày 21/7 đánh dấu một bước chuyển mới trong cách nhìn nhận của họ về tình hình biểu tình. Cuối đợt tuần hành hòa bình do Mặt trận quyền công dân tổ chức, hàng trăm ngàn người biểu tình cực đoan ném trứng, bôi bẩn và viết bậy lên tường cơ quan này.

Khi biểu tình mới bắt đầu vào tháng 6, ông Wang Zhimin, giám đốc văn phòng liên lạc, nhấn mạnh rằng hầu hết người Hong Kong thể hiện nguyện vọng của họ bằng cách thức hòa bình và hợp lý, cho thấy thành phố này văn minh như thế nào.

Nhưng điều đó đã thay đổi.

Bắc Kinh nhấn mạnh rằng chấm dứt hỗn loạn và bạo lực là ưu tiên hàng đầu và họ giao nhiệm vụ cho chính quyền của bà Lam phải khôi phục luật pháp và trật tự. Sự kiên nhẫn của Bắc Kinh đang bị thử thách, được thể hiện trong tuyên bố đưa ra cuối tuần qua rằng “tình hình hỗn loạn hiện nay...không thể tiếp diễn mãi”.

Một chuyên gia đại lục hiểu rõ các vấn đề Hong Kong cảnh báo rằng những dấu hiệu ly khai dù nhỏ nhưng liên tục trong một bộ phận người biểu tình trẻ đang bị chú ý.

“Người Hong Kong phải thừa nhận sự nghiêm trọng khi nhiều người trẻ giương các khẩu hiệu như ‘Giải phóng Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta’”, chuyên gia giấu tên nói.

“Chính quyền trung ương không chấp nhận được những khẩu hiệu đó. Nhìn vào lịch sử sẽ thấy không thể tách Hong Kong khỏi đại lục”, chuyên gia nói.

Bà Lam hôm qua khẳng định, ngoài lệnh cấm đeo khẩu trang/mặt nạ khi biểu tình hay tụ tập đông người, bà không có kế hoạch sẽ sử dụng thêm quyền lực khẩn cấp để ban hành luật mới nào nữa.

Nhưng một nguồn tin thân cận với chính quyền khằng định: “Mọi lựa chọn đang được đặt lên bàn khi chính phủ cân nhắc biện pháp dẹp bạo lực”.

Luật tình huống khẩn cấp cho phép lãnh đạo mở rộng hàng loạt quyền, gồm tịch thu tài sản, kiểm soát báo chí, bắt bớ, giam giữ và trục xuất, lục soát nhà.

Mâu thuẫn nội bộ

Ivan Choy Chi-keung, một nhà khoa học chính trị tại ĐH Trung Quốc, nói rằng chính quyền đặc khu chưa tạo ra có manh mối nào để biết họ sẽ cư xử cứng rắn hay ôn hòa với người biểu tình.

Trớ trêu là không chỉ chính quyền của bà Lam chưa tìm ra công thức giải quyết khủng hoảng, nhiều người biểu tình có vẻ cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Mức độ bạo lực mà người biểu tình tạo ra đã lên đến mức mà những người dân Hong Kong bình thường cho rằng vụ phá tanh bành trụ sở Hội đồng lập pháp ngày 1/70 chưa thấm vào đâu so với những hủy hoại mà họ chứng kiến trong vài tuần gần đây.

Dường như cũng đã có những chia rẽ trong phong trào biểu tình dường như không có thủ lĩnh này.

Vài giờ sau khi các đám đông phá các nhà ga tàu điện, cửa hàng và ngân hàng mà họ cho là có quan hệ với đại lục vào tối thứ 6 tuần trước để phản đối luật cấm đeo khẩu trang/mặt nạ, một số thông điệp được đưa lên trung tâm chỉ huy ảo của người biểu tình trên ứng dụng LIHKG để bày tỏ hoài nghi về tính khôn ngoan của những hành động đó.

“Chúng ta đang chiến đấu vì dân chủ và tự do, nhưng chúng ta dường như đang tấn công những người không đứng về phe chúng ta”, một người viết trên LIHKG.

Một số người khác kêu gọi giảm bạo lực để giữ lại sự ủng hộ quốc tế. Nhưng những người khác chỉ trích gay gắt những ý kiến như vậy.

“Đây không phải vấn đề khác biệt quan điểm chính trị, mà...những người vẫn ủng hộ cảnh sát không còn là con người nữa”, một người khác viết.

Tranh cãi về chuyện coi phe kia thiếu nhân văn cho thấy phong trào biểu tình đã khác xa khởi đầu hòa bình vào ngày 9/6, khi mục đích chính của họ chỉ là chặn dự luật dẫn độ.

Người biểu tình cũng đã hiểu rằng cuộc sống người dân thường Hong Kong đang bị ảnh hưởng khi nhà ga tàu bị phá hỏng, ATM, ngân hàng và cửa hàng bị tấn công, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa.

Samson Yuen Wai-hei, nhà khoa học chính trị tại ĐH Lĩnh Nam (Hong Kong), cảnh báo rằng thái độ mới của một bộ phận người biểu tình khi muốn nắm pháp luật trong tay có thể kết liễu phong trào, nếu có ai đó mất mạng bởi thái độ đó.

Nhà khoa học chính trị Ma Ngok, công tác tại ĐH Trung Quốc, nhấn mạnh rằng người biểu tình đã giảm bớt hành động trong 2 ngày vừa qua, một phần vì những người cực đoan ở tuyến đầu đã bị bắt và nhiều người khác nghĩ lại về những điều họ đã làm.

Ông Ma cảm nhận phong trào biểu tình đã lùi lại một bước, khi số lượng tham gia cuối tuần qua giảm đi. “Giờ ít người ra đường cùng các thành viên gia đình họ hơn vì e ngại tình hình nguy hiểm”, ông nói.

Ông Yuen cho rằng phong trào sẽ tiếp tục, vì người dân vẫn bất mãn với cách cảnh sát xử lý biểu tình. Nhưng ông thừa nhận rằng những diễn biến gần đây “khiến nhiều người khó tiếp tục ủng hộ phong trào một cách tự tin và chính đáng”.

Bình Giang

theo SCMP

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-da-danh-mat-su-ngay-tho-1473266.tpo