Người cần mẫn biên soạn sách

Văn hóa và Đời sống - 92 tuổi, sáng sáng ông vẫn đạp xe đến Thư viện tỉnh đọc sách, tra cứu. Nghĩ về ông, tôi nghĩ đến hình ảnh người viên chức tận tụy, người nghiên cứu cần mẫn, một người cha, người ông đức độ. Ông là Lê Đức Nghi, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Thanh Hóa (nay là Thành ủy TP Thanh Hóa).

Ông Lê Đức Nghi, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Thanh Hóa (nay là Thành ủy TP Thanh Hóa).

Nỗ lực hết mình

Ông sinh năm 1929, trong một gia đình nghèo ở thị xã Thanh Hóa. Từ khi còn nhỏ ông đã được cha khắc chữ a,b,c... để tập tô, vẽ lại. Sau rồi được gia đình gửi vào trường tư, đến 10 tuổi, ông chuyển sang trường công bắt đầu học lớp đồng ấu (lớp 1 bây giờ). Tốt nghiệp cấp 1, ông đi dạy Bình dân học vụ năm 1946, đó cũng là khoảng thời gian ký kết Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt (6-3-1946). “16 tuổi, đứng trước rất nhiều người chỉ để nói về hiệp định, mà hồi đó hai chân tôi rung cầm cập”, ông Nghi chia sẻ.

Chính những năm gắn bó với công tác bình dân học vụ khiến ông càng thấm thía nhiệm vụ cấp bách mà Bác Hồ đưa ra trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945. Người chỉ rõ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta... Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Chính vì thế hàng loạt sắc lệnh ra đời trong chiến dịch chống nạn mù chữ. Ngày 4-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi “Chống nạn thất học”. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, phong trào Bình dân học vụ được nhóm lên, lan rộng, ăn sâu vào các thôn xóm. Bình dân học vụ trở thành một phong trào Nhân dân thực sự với những hình thức tổ chức hết sức linh động, thích nghi với điều kiện sinh hoạt của Nhân dân lao động. Người học là những em bé, những cụ già, đặc biệt rất nhiều chị em phụ nữ. Ông Nghi nhớ lại: Năm 1954, cải cách ruộng đất ở 6 xã thí điểm của Nông Cống, Ty Giáo dục điều tôi làm giáo viên dạy xóa nạn mù chữ cho dân công. Hoàn cảnh khó khăn lắm, làm gì có giấy bút, hầu hết mọi người phải lấy que viết trên mặt đất, viết bằng gạch trên nền nhà, nhưng đó là sự khẳng định: Đi dân công vẫn học văn hóa được. Từ năm 1954 đến 1963, tức là gần 10 năm gắn bó với ông việc dạy bình dân học vụ cũng là giai đoạn ông trưởng thành cả về đạo đức lẫn trình độ. Bởi vừa công tác bình dân học vụ các tối thứ 2, 4, 6, chủ nhật, ông vừa được đi học thêm chương trình cấp 2. Năm 1960, ông tốt nghiệp cấp 2 bổ túc văn hóa. Đó cũng là khoảng thời gian ông được bầu là Chiến sĩ thi đua của ngành giáo dục, được tặng huy hiệu Chiến sĩ thi đua của UBND tỉnh; được công nhận Chiến sĩ thi đua về bổ túc văn hóa.

Ông cần mẫn học, tốt nghiệp đào tạo giáo viên cấp 2 năm 1964, sau đó tốt nghiệp Đại học Kinh tế kế hoạch chuyên ngành Kinh tế công nghiệp năm 1972. Ông chia sẻ: Cả đời tôi là chuỗi ngày đi học. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện để tôi được nâng cao trình độ. Bản thân tôi tự thấy nhờ có chế độ, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng mà thực hiện được nhiệm vụ trí thức hóa công nông mà Bác Hồ mong muốn và mình cũng đã trở thành một nhà trí thức.

Sau khi tốt nghiệp đại học, từ năm 1972 đến 1975, ông được điều động làm Bí thư liên chi ủy đội 259 quản lý 7 chi bộ TNXP ở Lào, mở con đường cấp bốn 217B. Để mở con đường dài 68km này là công sức của hơn 4.000 TNXP. Kể về những ngày tháng ấy, ông Nghi xúc động nói: Chính nhờ con đường 217B và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi của người dân Việt Nam mà đất nước Lào đã chuyển từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ cộng hòa. Cá nhân tôi cũng thấy vui và tự hào vì mình đã làm tròn nhiệm vụ trên đất nước bạn Lào.

Năm 1977, ông trở về và tại Đại hội lần thứ 10, ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã, được phân công phụ trách tuyên huấn của Đảng bộ. Có thể khẳng định từ khi kết nạp Đảng ngày 20-5-1950 đến nay, cùng với sự tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, ông luôn nỗ lực cố gắng. Bởi với ông, để trở thành một người trí thức, “tôi đã kinh qua tất cả các mặt trận văn hóa, đã trưởng thành hơn nhờ chế độ và nhờ chính bản thân mình. Sự cần mẫn là điều kiện để tôi giúp đỡ và học hỏi nhiều người”.

Đến việc biên soạn sách

Rất nhiều cô thủ thư của Thư viện tỉnh hiện nay khi nhắc đến tên ông Lê Đức Nghi đều rất nể phục. Một ông già tám chín mươi tuổi hàng ngày cần mẫn đọc sách, nét chữ nghiêm ngắn, đẹp, ghi chép tư liệu tỉ mẫn. Ông Nghi chia sẻ: Tôi bắt đầu công việc sưu tầm từ năm 1977, khi tôi làm công tác tuyên giáo nhưng phải từ lúc nghỉ bảo hiểm xã hội năm 1989, tôi mới có nhiều thời gian để đọc sách, biên soạn các tư liệu. Chính vì thế mà ông cho ra mắt được 3 cuốn sách: Thành phố Thanh Hóa từ 1804 đến 1947, Thành phố Thanh Hóa 1947 - 1994, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Thanh Hóa từ 1945 đến 2010.

Nhiều người cho rằng ông có may mắn là kết hợp cùng GS Đinh Xuân Lâm - một trong tứ trụ sử Việt. Ông Nghi không phủ nhận, ông cho đó là sự kết hợp may mắn, tuy nhiên hơn hết chính mình là người xứ Thanh, mình phải trách nhiệm tìm hiểu đúng và đủ các tư liệu.

Ông giới thiệu với chúng tôi cuốn album ảnh mà ông cất giữ tất cả những văn bằng chứng chỉ và giấy tờ quan trọng. Nhìn những tờ giấy giới thiệu đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là đủ hiểu sự chăm chỉ của ông. Từ tờ giấy giới thiệu đi Hà Nội xin đọc hồ sơ cán bộ lão thành cách mạng năm 1996; đến Ban tổ chức Trung ương tháng 4-1995, đến Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội năm 1996 để liên hệ xác định tư liệu làm lịch sử Đảng bộ thành phố; đến Quận ủy phường Ba Đình để xin đọc hồ sơ lão thành cách mạng sinh hoạt tại phường; đến Thành ủy Thanh Hóa xem lại hồ sơ đảng viên được kết nạp thời kỳ 1945 - 1946 phục vụ hồ sơ viết lịch sử đảng bộ thành phố. Chăm chỉ thôi chưa đủ, ở ông hơn hết đó là sự say mê. Con cái đều thành đạt, không có lý gì để ông phải vất vả nếu đó không vì say mê. Rất thật thà ông nói: “Một phần do thôi thúc trách nhiệm để hoàn thành cuốn sách, một phần cũng vì được tạo điều kiện rất nhiều trong quá trình đi tìm tư liệu, nhưng hơn hết phải có sự say mê”.

Nhớ lại lần đầu tiên được gặp Bác Hồ khi là chàng trai trẻ, ông Nghi cho biết: Cũng nhờ cơ duyên ấy mà sau này tôi tìm đọc rất nhiều tư liệu về Bác Hồ, đặc biệt chuyến về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Thời gian Bác ở Thanh Hóa chỉ trong 1 ngày (20-2-1947), nhưng không chỉ giải quyết tư tưởng quyết tâm kháng chiến mà quan trọng hơn là cải tổ cơ quan quyền lực địa phương mà người đứng đầu giữ vai trò quyết định để xây dựng hậu phương Thanh Hóa thành kho người, kho của vững mạnh thúc đẩy kháng chiến thắng lợi. Và điều quan trọng hơn là xác định rõ Thanh Hóa kiểu mẫu nhằm mục đích làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ, người nào cũng biết đoàn kết yêu nước.

Đến nay, ông đang cùng nhà nghiên cứu Phan Bảo hoàn chỉnh các tư liệu cuối cùng để xuất bản cuốn Đi tìm huyền sử Việt Nam trên đất Thanh Hóa. Thực tâm ông nói: Chúng ta đang quá quan tâm đến các vấn đề kinh tế - xã hội, mà lơ là các vấn đề văn hóa và những giá trị truyền thống. Lần này, tôi bỏ tiền in sách để biếu như một cách “bắt” người ta đọc để mong được họ góp ý kiến cho mình.

92 tuổi, đi cùng những biến thiên của cuộc sống, sự phát triển của quê hương đất nước, bản thân ông đã cùng vợ tổ chức đám cưới kim cương năm 70 tuổi, lễ mừng thọ năm 80 tuổi và nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. “90 tuổi không cần mừng vì mừng quá rồi nhưng tôi mong được sống đến 100 tuổi. Trong đầu tôi còn gì thì các bạn khai thác đi”. Tôi thật sự cảm phục những người như ông Lê Đức Nghi, dù tuổi cao nhưng ông vẫn rất minh mẫn, sự minh mẫn ấy là nhờ ông đọc sách hàng ngày.

Ông không để trí óc mình nghỉ ngơi. Ngôi nhà của ông nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa hàng ngày vẫn vang tiếng gõ đều đều, chầm chậm trên bàn phím. Làm việc chính là một phần niềm vui trong cuộc sống của ông. “Tôi chỉ mong những bạn trẻ đừng vì những giá trị vật chất mà quên mất lịch sử nơi mình sinh ra và trưởng thành”.

Bài và ảnh: Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa-doi-song/nguoi-can-man-bien-soan-sach/19578.htm