Người cha đầy kiêu hãnh của ông Shinzo Abe

Shintaro Abe có một lòng kiêu hãnh về huyết thống gia đình, vẫn thường nói: 'Không phải tôi vào nhà Kishi. Nhà của tôi là gia tộc Abe'.

Thủ tướng Shinzo Abe thường nhắc đến ông ngoại Nobusuke Kishi nhưng hầu như ít đề cập đến ông nội Kan Abe. Nhưng với người cha, Shintaro Abe, thì sự tồn tại của Kan Abe rất to lớn, không thể diễn tả hết bằng lời.

Gia tộc Abe là một gia đình nổi tiếng ở vùng Otsu cũ, tỉnh Yamaguchi, có vị trí như trưởng làng, sản xuất và kinh doanh rượu, nước tương rộng khắp một vùng. Shintaro Abe chào đời vào tháng 4/1924... giữa đó là trận động đất Kanto. Shintaro Abe khi đó vẫn là một đứa trẻ sơ sinh, được người họ hàng xa của Kan bế rời khỏi mẹ, về quê, được nuôi lớn bằng sữa bò và bột nếp.

Shintaro Abe từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản; ông chụp cùng Bộ trưởng đồng cấp người Đức Hans-Dietrich Genscher tháng 1/1983, Ảnh: Getty Images.

Kan Abe ứng cử lần đầu tiên vào năm 1928 nhưng thất cử. Sau cuộc tổng tuyển cử này, bệnh lao phổi ông từng mắc phải thời sinh viên lại tái phát, cộng thêm chứng sâu răng khiến có lúc sức khỏe rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Thân mang bệnh nhưng năm 1933 ông đảm nhiệm chức trưởng làng Heki. Năm 1935, ông trở thành nghị sĩ tỉnh và năm 1937, lần đầu đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm ấy.

Kan Abe đã tự ứng cử vào ghế nghị sĩ của tỉnh từ trên giường bệnh. Ở quê nhà vẫn lưu truyền câu chuyện ông bị bác sĩ điều trị phản đối mạnh mẽ, cả những người ủng hộ cũng đến thuyết phục và cậu bé Shintaro thơ dại lúc ấy đã theo cha năn nỉ "cha đừng tham gia ứng cử. Cha không được chết!". Khi trở thành nghị sĩ Hạ viện, Kan vẫn phải quấn dụng cụ hỗ trợ trên người khi được gọi tên.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nội các Tojo (1942) được gọi là cuộc “bầu cử cứu chúa”. Để tiến hành chiến tranh, Tojo giải tán chính đảng và thống nhất vào hội "Taisei Yokusan".

Nếu không ủng hộ chiến tranh và không vào hội, sinh mệnh chính trị sẽ lâm vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Kan Abe vẫn kiên quyết từ đầu đến cuối phản đối chủ chương tiến hành chiến tranh của Tojo, chọn con đường không vào đảng nào nên không được tiến cử.

Người giữ chức Bộ trưởng Công thương trong nội các Tojo về sau trở thành cha vợ của Shintaro, đó là Nobusuke Kishi. Ở quê nhà, các bô lão vẫn kể cho các thế hệ sau về Kan Abe, một con người khí phách, không bẻ cong ý chí dù cả trong thời chiến. Nhưng chính trị gia kiên định Kan Abe đã sớm ra đi vì bạo bệnh ở tuổi 51, một năm sau khi chiến tranh kết thúc.

Chiến tranh kết thúc, Shintaro Abe rời Không quân Hải quân Shiga về lại quê hương và quay trở lại đại học Tokyo. Khi gần đến hồi kết của cuộc chiến, người bạn cũ thời trường lính Không quân Hải quân đã hỏi: "nếu còn sống trở về, cậu làm gì?", Shintaro Abe - người luôn đạt thành tích xuất sắc trong Không quân đã trả lời: "Tôi nghĩ rồi, làm chính trị, sẽ trở thành chính trị gia".

Chắc chắn Shintaro đã nhìn thấy hình ảnh phải có của một chính trị gia trong hình bóng người cha luôn phản đối chiến tranh, dù phải đối lập với quân đội. Khởi điểm của chính trị gia Shintaro Abe là đây.

Tốt nghiệp trường Đế quốc Tokyo năm 1949, Shintaro vào làm ở tòa soạn báo Mainichi nằm ở Takebashi, Tokyo. Tháng 5/1951, Shintaro Abe kết hôn với Yoko Kishi, trưởng nữ của Nobusuke Kishi.

Shintaro Abe không có ý định dựa bóng của Nobusuke Kishi để trở thành chính trị gia. Không chỉ có vậy, tuy đã về chung nhà với Yoko, con gái của Kishi nhưng Shintaro phản đối việc ở rể. Bởi Shintaro có một lòng kiêu hãnh về huyết thống gia đình sau những kinh nghiệm trải qua trong đời.

"Không phải tôi vào nhà Kishi. Nhà của tôi là gia tộc Abe". Shintaro thường nói những lời này khi gặp chuyện trái ý, không kiềm chế được tình cảm. Có lẽ đằng sau vẻ mặt ôn hòa của Shintaro Abe là khí chất thừa hưởng từ người cha, cho rằng mình không hề kém cạnh dòng họ Kishi. Một Abe như vậy nghỉ việc ở tòa báo Mainichi và chuyển sang làm thư ký cho Kishi vào tháng 12/1956.

Shintaro Abe tự ứng cử từ khu Yamaguchi 1 vào tháng 4/1958, khi ấy 34 tuổi. Thời kỳ nội các Kishi, chức vụ của Shintaro Abe chuyển từ thư ký Bộ trưởng Ngoại giao sang thư ký Thủ tướng.

Shinzo Abe dùng chữ "lòng kiêu hãnh" để đúc kết việc cha mình không muốn dựa hơi Kishi, nhưng đó chẳng phải là lòng kiêu hãnh của một người tự mình đã phải sống một khoảng đời cô độc, không nơi nương tựa ở độ tuổi đôi mươi sau bao biến cố cuộc đời, chia cắt với mẹ đẻ từ lúc còn đỏ hỏn, và ý nguyện vào đội cảm tử, chấp nhận cả cái chết như để lấp đầy khoảng trống mất mẹ sao?

Shinzo Abe và cha Shintaro Abe. Ảnh: KYODO.

Yoko Abe đã nói trong sách Shintaro Abe của tôi rằng:

"Số người chẳng biết gì khi được giới thiệu 'con trai của Kan Abe' tăng lên nên tôi đành đi chung và được giới thiệu 'vợ của Shintaro Abe là con gái của Thủ tướng Kishi'. Làm vợ mà ra mặt nhiều hơn người đang tranh cử thì đúng là phiền nhưng tóm lại tôi đã cố gắng hết sức để mọi người nhớ cái tên Shintaro Abe.

Khoảng thời gian trước và sau khi bước chân vào chính trường, chồng tôi thường được giới thiệu 'con rể của Nobusuke Kishi' tại các buổi diễn thuyết nhưng tôi nghĩ chồng tôi không lấy làm thoải mái với điều đó. Vì anh ấy thường lẩm bẩm sau đó 'con trai của Kan Abe'...

Dù kính trọng Nobusuke Kishi nhưng suy nghĩ 'Shintaro Abe là Shintaro Abe' chắc chắn vô cùng mạnh mẽ".

Kenya Matsuda / NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-cha-day-kieu-hanh-cua-ong-shinzo-abe-post1334862.html