Người cha nghèo kéo lại đứa con lầm lỡ

Người cha nghèo đã kéo lại được đứa con dại trong vòng vây lao lý với sự giúp sức nhiệt tình của trợ giúp viên pháp lý.

“Hôm tòa cho nó hưởng án treo tôi mừng lắm, thằng L. thì vui quá, đứng sững sờ. Tôi chạy tới dắt nó lại cám ơn rối rít, vị chủ tọa còn dặn với theo là về tu chí cùng cha đi làm, đừng ham chơi nữa…” - ông H., cha của L., người vừa được TAND quận Gò Vấp, TP.HCM tuyên phạt chín tháng tù treo, khấp khởi nói.

Đứa trẻ nghiện game

L. là đứa con duy nhất của ông H. Để nuôi con khôn lớn, ông H. đã phải trải qua nhiều khó khăn bởi vợ ông hết lần này tới lần khác bỏ cha con ông đi. Lần đầu là khi L. được ba tháng tuổi, sợ con nhỏ đói vì khát sữa, ông H. bồng con len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm mẹ. Nhưng phải mất một tuần sau, nhờ sự khuyên can của mọi người, vợ ông mới chịu về nhà. Rồi khi L. được một tuổi rưỡi, một buổi chiều đi làm về mệt quá ông H. ôm con ngủ. Đến khi tỉnh giấc thì thấy vợ đã đi mất, rồi từ đó người phụ nữ không về nữa và ông chấp nhận cảnh gà trống nuôi con.

Ban ngày ông H. đi làm hồ, ông phải gửi mướn L. cho người ta chăm, tối về ông mới chăm con. Có nhiều buổi tối L. quấy khóc, dỗ mãi không nín nhưng khuya khoắt ông không dám nhờ hàng xóm. Ông không biết làm gì ngoài việc xách xe cầm theo chai sữa chở L. loanh quanh ngoài đường, thấy xe cộ, đường sá L. mới bớt khóc. Những đêm con bệnh, ông H. thức trắng đêm nhưng hôm sau vẫn phải đi làm kiếm tiền nuôi con.

Hoàn cảnh khó khăn nên 11 tuổi L. mới được đi học lớp 1, nhưng cố lắm em cũng chỉ học được đến lớp 3 thì nghỉ. Cha lại đi làm quần quật suốt ngày, từ đó L. bắt đầu nghiện chơi game. Sau đó L. xin làm công ở một tiệm net, vừa giữ xe vừa quản lý quán.

Ngày 25-2, ông H. có bạn đến chơi, để xe trước cửa nhà, không khóa cổ và cùng ông H. ra quán nhậu gần nhà. Sau khi về, phát hiện chiếc xe không còn, tìm kiếm khắp nơi không thấy, bạn ông đã trình báo công an. Lúc đó L. đang ở nhà, vì không nghĩ con lấy xe nên ông H. chỉ hỏi có thấy xe không thì L. bảo không biết.

Tối hôm sau, lúc đang ngủ thì ông H. giật mình tỉnh giấc sau khi nhận được điện thoại của công an báo L. bị bắt vì chính là người lấy trộm xe của bạn ông. Sau một phút chết lặng, ông H. vội vã chạy lên công an phường.

Ông H. đang chuẩn bị bữa cơm trong căn nhà nhỏ. Ảnh: YẾN CHÂU

Điểm tựa pháp lý của người nghèo

Quá trình điều tra, L. khai rằng khi đi chơi game về thì nhìn thấy một chiếc xe máy dựng trước cửa nhà nên đã nảy sinh ý định trộm cắp để có tiền chơi game. L. đẩy chiếc xe đến tiệm net mình làm để đến chiều hôm sau thì làm chìa khóa mới rồi đem tới tiệm cầm đồ. Do CMND của L. và giấy đăng ký xe không trùng nhau, thấy có nghi vấn nên chủ tiệm đã trình báo công an. Từ đó hành vi của L. bị phát hiện.

Thời điểm đó L. chưa thành niên, thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nên công an đã gửi hồ sơ sang Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM. Ngay lập tức trung tâm đã cử trợ giúp viên tham gia vụ án. L. bị VKS quận truy tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS 2015 (có mức hình phạt cao nhất đến ba năm tù) và được tại ngoại.

Những ngày sau đó của hai cha con L. cứ dài đằng đẵng. Ông H. bảo mỗi lần nghe công an mời lên làm việc là hai cha con sợ rúm người, có khi thức trắng đêm không ngủ được. Suốt mấy tháng ông H. đi làm nhưng đầu óc ông cứ nghĩ luẩn quẩn và hối hận vì đã không quản lý con tốt hơn.

Người bạn bị mất xe không thèm nói chuyện với ông H., đi làm thì những người trong đội thợ hồ cũng xa lánh. Ông H. chỉ còn biết xin lỗi, năn nỉ người bạn để được thông cảm. Còn L. thì lo lắng đến mức sút đi mấy cân, ngày nào cũng hỏi: “Họ có bắt con không cha?”.

Lo lắng bao nhiêu thì hai cha con lại biết ơn trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM bấy nhiêu. Bởi chính trợ giúp viên là người nhiều lần tới tận nhà tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, giải thích và động viên cả hai cha con. Rồi trước hôm ra tòa, hai cha con trằn trọc mãi không ngủ được. Dù đã có sự chuẩn bị về tâm lý và được trợ giúp viên căn dặn đủ điều, thế nhưng hai cha con vẫn lúng túng. Bản thân L. cứ lắp bắp, lí nhí, lâu lâu L. lại liếc nhìn về phía trợ giúp viên pháp lý để bớt sợ.

Tại tòa, đại diện VKS cho rằng L. thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên đề nghị xử phạt từ 12 tháng đến 18 tháng tù treo. Bảo vệ cho L., trợ giúp viên đã đưa ra thêm một số tình tiết khác để HĐXX xem xét giảm nhẹ cho em. Đó là L. phạm tội một cách bột phát, có trình độ học vấn thấp, khi phạm tội chưa đủ 18 tuổi nên khả năng nhận thức còn hạn chế và hoàn cảnh gia đình khó khăn. L. cũng thiếu tình thương của người mẹ, sự quan tâm của người cha và sự giáo dục của gia đình…

Vị này chốt: “Mục đích của hình phạt không chỉ trừng trị mà còn hướng người phạm tội sửa chữa sai lầm và giáo dục họ trở thành người có ích”. Từ đó ông đề nghị HĐXX xem xét, tuyên phạt L. sáu tháng tù treo. Cuối cùng HĐXX cũng đồng tình với các tình tiết giảm nhẹ mà VKS và người bào chữa trình bày, tuyên phạt L. sáu tháng tù treo. Bản án này không có kháng cáo, kháng nghị.

Quyết tâm làm lại

Sau ngày tòa tuyên án, chúng tôi tìm đến căn nhà của ông H., trời sắp tối nhưng L. chưa đi làm về. Căn nhà nằm ở cuối con hẻm nhỏ, đã xuống cấp, trong nhà còn có bà nội L. tuổi cao và không còn minh mẫn.

Ông H. nói như khoe: “Từ ngày đó nó đã nghỉ làm ở tiệm net mà đi học để làm thợ điện, mỗi ngày được khoảng 150.000 đồng. Tôi sợ nhất là nó làm ở tiệm net, riết rồi hư cái đầu, cô ạ!”. Ông H. dẫn chứng mấy đứa chơi game nhiều ăn vào đầu, những lúc chơi thua chúng cứ ngồi nói lảm nhảm một mình. Như cảm nhận được nỗi lòng của người cha, L. cũng quyết tâm bỏ việc ở đó để làm nghề khác lấy tiền phụ cha. Và cũng từ ngày ấy căn nhà nhỏ của hai cha con luôn rộn ràng tiếng cười và niềm vui.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/nguoi-cha-ngheo-keo-lai-dua-con-lam-lo-787260.html