Người chăn nuôi gặp khó khăn do giá trâu, bò giảm mạnhTin khácKhơi dậy sức sáng tạo của đoàn viên công đoànThanh niên Lạng Sơn xung kích xây dựng nông thôn mới

Từ đầu năm đến nay, giá trâu, bò giảm gần 40% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi ngày càng cao khiến nhiều người chăn nuôi trên địa bàn gặp khó khăn.

Chi Lăng là một trong những huyện có số lượng trâu, bò lớn nhất tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có trên 15.000 con trâu, bò. Đây cũng là một trong những huyện có nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, mọi chuyện đã khác.

Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng

Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng

Xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng có khoảng 1.200 con trâu, bò. Thời điểm này, nhiều hộ nuôi trâu, bò vỗ béo đang phải bù lỗ để duy trì đàn. Ông Hoàng Văn Khởi, chủ mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc cho biết: Gia đình tôi hiện có 25 con bò. Trước đây, trung bình mỗi con bò khi xuất chuồng đạt khoảng 2,8 tạ đến trên 3 tạ. Với giá 100.000 đồng/kg hơi, mỗi con bò bán được khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, mức giá bị giảm đến hơn 1/3 so với cùng kỳ. Tính trên mỗi đầu con xuất bán, tôi lỗ gần 10 triệu đồng.

Không chỉ các hộ chăn nuôi, nhiều hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trâu, bò thương phẩm cũng đang phải chịu nhiều khó khăn do trâu, bò rớt giá. Đơn cư như tại HTX Sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp xã Hồng Thái, huyện Bình Gia. Đây là HTX điển hình về chăn nuôi của huyện Bình Gia với số lượng trên 100 con trâu, bò nuôi bằng hình thức vỗ béo. Giá trâu, bò giảm mạnh khiến HTX gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động. Mỗi đầu con trâu, bò xuất chuồng khiến HTX lỗ trên 5 triệu đồng. Chưa kể mỗi tháng, chi phí thức ăn cũng tốn thêm đến hơn chục triệu đồng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao (đơn cử, cám vỗ béo cho trâu, bò hiện đã ở mức 280.000 đồng/bao 25 kg, tăng 40.000 đồng/bao so với cùng kỳ). Trao đổi với ông Hoàng Công Thuyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái được biết: Ngoài việc giá trâu, bò giảm mạnh đến 30%, cả HTX Sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp xã Hồng Thái và các hộ chăn nuôi của xã đều gặp phải cảnh khó xuất bán do có rất ít thương lái thu mua. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi hiện đang tăng cao khiến người chăn nuôi chịu áp lực lớn trong việc duy trì đàn. Như vậy, không chỉ thua lỗ vì giá bán thấp, việc tiếp tục duy trì đàn khiến người chăn nuôi khó càng thêm khó.

Cùng với 2 địa phương trên, trao đổi với một số hộ chăn nuôi tại các huyện khác như: Tràng Định, Bắc Sơn… được biết, hầu hết các hộ chăn nuôi trâu, bò thương phẩm hiện nay đều khó xuất bán trong khi vẫn phải tiếp tục duy trì chi phí thức ăn, thuốc thú y…

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến tháng 6/2022, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn là trên 91.000 con. Trong đó gồm: trên 63.000 con trâu, giảm 6,29% so với cùng kỳ năm 2021; trên 28.000 con bò, giảm 15,72% so với cùng kỳ. Do những ảnh hưởng từ dịch COVID-19, lượng lớn trâu, bò trên địa bàn tỉnh không thể xuất bán sang Trung Quốc. Do đó, giá trâu, bò đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ. Tính chung trên địa bàn tỉnh, giá thịt trâu, bò hơi hiện nay chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng/kg.

Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp để ổn định sản xuất, tiết giảm chi phí. Theo đó, người dân nên cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp và tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như: rơm rạ, thân các loại cây ngô, đậu, lạc… để ủ lên men. Qua đó, giảm chi phí và tạo nguồn thức ăn ổn định trong thời gian dài. Đồng thời, người dân nên phát triển thêm diện tích trồng cỏ để chủ động hơn về nguồn thức ăn cho trâu, bò.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền các biện pháp giúp người chăn nuôi tiết giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, người chăn nuôi nên đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể bằng các hình thức như tổ hợp tác, HTX và gắn với liên kết tiêu thụ. Có như vậy, người chăn nuôi mới có thể tránh được việc bị thương lái ép giá, đầu ra bấp bênh.

GIA KHÁNH

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/517868-nguoi-chan-nuoi-gap-kho-khan-do-gia-trau-bo-giam-manh.html