Người chắp cánh những bài ca hy vọng

Nhạc sĩ Văn Ký tiếp tôi tại nhà riêng ở khu tập thể Nhạc viện Quốc gia Việt Nam. Dáng người dong dỏng cao, cách nói chuyện dí dỏm, chân tình và đặc biệt là tư duy mạch lạc, minh mẫn, ít ai nghĩ rằng ông đã ở tuổi ngoài 80.

Quả tình, có tiếp xúc với ông mới thấy "cha đẻ" của những ca khúc nổi tiếng như "Bài ca hy vọng", "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi", "Nha Trang mùa thu lại về", "Trời Hà Nội xanh"... trẻ hơn nhiều so với tuổi thực. Và tới bây giờ, âm nhạc vẫn là niềm say mê sáng tạo của ông...

Nhạc sĩ Văn Ký sinh năm 1928 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đây cũng là nơi "địa linh nhân kiệt", quê hương của những người con ưu tú như nhạc sĩ tài danh Văn Cao, 3 anh em nhà văn họ Vũ (Vũ Cao, Vũ Ngọc Bình, Vũ Tú Nam) hay các nhà chính trị nổi tiếng Song Hào, Nguyễn Cơ Thạch...Ngồi trò chuyện cùng ông, tôi nhận thấy ở ông nét nho nhã của người xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học.

Cha mất sớm, phần lớn tuổi thơ Văn Ký sống cùng người chú rất mê văn học tại xứ Thanh. Dường như tình yêu văn chương ảnh hưởng từ người chú và không khí vùng quê dạt dào câu hò sông Mã đã khiến tâm hồn ông thêm lãng mạn, bay bổng. Nhạc sĩ Văn Ký tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi.

Một năm sau ông bị bắt và nếm đủ mùi đòn roi tra tấn của địch. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông được thả. Những ngày Tổng Khởi nghĩa tháng 8/1945, Văn Ký tham gia lãnh đạo dân quân giành chính quyền ở Nông Cống, Thanh Hóa. Năm 18 tuổi (1946), Văn Ký được kết nạp Đảng và được cử làm Huyện đội trưởng Nông Cống.

Theo Văn Ký tiết lộ, âm nhạc đến với ông khi ông đang... thất tình. Chẳng là, khi còn ở Thanh Hóa, ông có một tình yêu đẹp với người thiếu nữ xinh xắn ở Hà Nội vào tản cư. Khi tình yêu đang nồng đượm thì nàng phải theo bố mẹ hồi cư về Hà Nội, để lại bao nhung nhớ khôn nguôi trong lòng Văn Ký.

Trong một đêm khuya với nỗi nhớ người yêu da diết, bên cây đàn cũ, Văn Ký đã cho ra đời ca khúc "Trăng xưa" mặc dù lúc đó, Văn Ký chưa biết một nốt nhạc nào. Từ ca khúc đầu tay này, nhận ra khả năng văn nghệ của Văn Ký, cấp trên cử ông đi học lớp âm nhạc của Liên khu IV ở Nghệ An.

Sau 6 tháng học tập, ông cùng Hải Châu (em trai nhà cách mạng Hải Triều) và Minh Hiển, sau này là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương hoạt động văn nghệ tích cực trong vùng Bình Trị Thiên khói lửa.

Khi đang giữ cương vị Trưởng đoàn Văn công Liên khu IV, trong lần về dự Đại hội Văn công toàn quốc năm 1954, Văn Ký được nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát giữ lại để tham gia thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957).

Nhắc tới sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Văn Ký phải kể tới ca khúc "Bài ca hy vọng". Dù đã ra đời cách đây hơn 50 năm, "Bài ca hy vọng" vẫn luôn nhận được sự yêu mến của khán giả. Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời bài hát, nhạc sĩ Văn Ký tâm sự: "Năm 1958, đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không ít người bi quan, hoang mang trước tương lai đất nước. Tôi chỉ muốn khẳng định với riêng mình điều mà mình đã suy nghĩ sâu sắc và tin tưởng, rằng cách mạng sẽ nhất định thắng lợi. Vào một ngày giáp tết, khi mùa xuân đang đến gần, qua cửa sổ phòng làm việc, tôi bắt gặp bầu trời xanh tới ngỡ ngàng. Niềm tin vào tương lai tươi sáng trong tôi trào dâng và tôi đặt bút viết những giai điệu đầu tiên: "Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân...".

Sau đó, mừng quá, tôi chạy sang khoe với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Anh Tý nghe xong rất vui, nói: "Cứ thế mà phát triển, hoàn thiện". Thú thực, khi viết ca khúc này, tôi chỉ muốn viết cho riêng mình, như một lời tự nhủ rằng hãy tin vào tương lai, vào ngày mai chứ không nghĩ rằng ca khúc sẽ được mọi người yêu thích.

Bởi giai đoạn đó, trong khi nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đang tập trung phản ánh đời sống lao động sản xuất, tôi lo rằng "Bài ca hy vọng" lãng mạn quá sẽ không được mọi người chấp nhận. Không ngờ, khi ca khúc hoàn thành, tôi mang sang Đài Tiếng nói Việt Nam, được anh Trần Lâm, lãnh đạo Đài và nhạc sĩ Phạm Tuyên khen ngợi, ủng hộ. Các anh còn dành phòng thu cả một ngày cho tôi và ca sĩ Khánh Vân để thu âm".

Xung quanh ca khúc "Bài ca hy vọng" có nhiều câu chuyện cảm động mà nhạc sĩ Văn Ký được nghe kể lại. Khi ca sĩ Khánh Vân (người đầu tiên cũng là người hát rất hay ca khúc "Bài ca hy vọng") được vào biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Bác cười và nói: "Hôm nay con sơn ca miền Nam có “tủ” gì mới đãi Bác nào".

Khánh Vân đáp: "Dạ, có "Bài ca hy vọng" ạ!". Rồi Khánh Vân cất giọng hát. Khi Khánh Vân hát xong, Bác trầm ngâm một lúc rồi nói: "Cháu hãy hát "Bài ca hy vọng" cho đồng bào miền Nam nghe nhé".

Một lần trong chiến tranh, nhạc sĩ Văn Ký đi công tác vào vùng tuyến lửa Vĩnh Linh. Đang đạp xe trên đường, bất ngờ ông nghe thấy Đài Phát thanh đang phát sóng câu chuyện kể về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi của nhà báo Trần Đình Vân. Đằng sau song sắt nhà tù, bên cạnh đòn roi tra tấn dã man của quân giặc, nhiều đồng chí đồng đội của anh Trỗi đã cất cao bài hát "Bài ca hy vọng" để động viên tinh thần mọi người. Niềm hạnh phúc đến quá đột ngột khiến ông phải dừng xe và ngồi nghỉ hồi lâu mới đi tiếp được.

Sau này, khi có dịp tiếp xúc với nhiều chiến sĩ ngoài mặt trận, nhạc sĩ Văn Ký biết thêm rằng, họ đã dành dụm từng mẩu giấy nhỏ để chép lời bài hát, tranh thủ dạy cho nhau cùng hát. Với nhạc sĩ Văn Ký, đó là niềm hạnh phúc vô biên mà âm nhạc đã đem lại cho ông.

Câu chuyện về hoàn cảnh ra đời ca khúc "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi" cũng có nhiều tình tiết đáng chú ý. Năm 1967, nhạc sĩ Văn Ký được mời tham dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua Toàn quốc lần thứ 3. Đại hội này có nhiều gương mặt sau này đi vào văn học nghệ thuật như Hồ Giáo, Thái Văn A... nhưng Văn Ký lại rất ấn tượng trước tấm gương cô giáo Tô Thị Rỉnh, người đã tình nguyện lên dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc.

Cô không chỉ dạy chữ mà yêu thương, chăm sóc các em như chính những đứa con của mình. Xúc động trước tâm hồn cao đẹp ấy, ngay trong đêm, nhạc sĩ Văn Ký đã hoàn thành ca khúc "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi".

Nhạc sĩ Văn Ký tâm sự rằng, với "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi", ông tự coi mình như người kể lại câu chuyện cho mọi người nghe, có khác chăng đấy là kể chuyện bằng âm nhạc mà thôi. Bài hát ra đời được công chúng đặc biệt hoan nghênh, trở thành động lực để không ít cô gái giàu mơ ước tình nguyện lên vùng cao dạy học.

Gần đây, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm nhạc sĩ Văn Ký, nhắc lại câu chuyện về ca khúc "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi" và mong muốn ông tiếp tục có những ca khúc hay cho ngành giáo dục.

Ca khúc "Nha Trang mùa thu lại về" cũng mang đến cho ông nhiều cảm tình không chỉ của người Nha Trang mà cả công chúng trong và ngoài nước. Có người ở Nha Trang cứ tha thiết mời tác giả bài hát đến nghỉ dưỡng tại khách sạn của mình hoặc mong được chụp với ông một tấm ảnh làm kỷ niệm...

60 năm cần mẫn và gắn bó với âm nhạc, nhạc sĩ Văn Ký có được một sự nghiệp đáng nể với hàng trăm ca khúc và nhiều tác phẩm khí nhạc mang phong cách mà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng nhận xét là "sở trường về giai điệu đẹp, hùng tráng trữ tình".

Nổi trội trong sự nghiệp khí nhạc của ông là "Tổ khúc giao hưởng vũ kịch Kơ Nhí" mang âm hưởng Tây Nguyên viết cho dàn nhạc giao hưởng lớn. Tác phẩm được biểu diễn thành công tại nhiều nước, đặc biệt, năm 1984 trong Liên hoan Âm nhạc Quốc tế tổ chức tại Mátxcơva với chủ đề "Vì hòa bình và nhân đạo giữa các dân tộc". Tác phẩm này đã được chọn để biểu diễn cùng nhiều tác phẩm nổi tiếng khác. Năm 1989 được xuất bản tại Moskva.

Với nhạc sĩ Văn Ký, âm nhạc không chỉ mang tới cho ông nhiều niềm vui mà còn mang tới cho ông người bạn đời dù không làm nghệ thuật nhưng hết lòng vì chồng con. Bà đã cùng ông trải qua những giai đoạn khó khăn nhất để nuôi dạy các con nên người.

Hiện bà đã đi xa nhưng mỗi khi nhắc về người vợ hiền, ông vẫn không nguôi niềm xúc động và sự biết ơn. Trong số các con ông, có hai người theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Trong đó, người con trai cả hiện là Phó giáo sư, Phó giám đốc Nhạc viện Quốc gia Việt Nam.

Bên cạnh âm nhạc, nhạc sĩ Văn Ký có thêm một niềm say mê, đó là tập Yoga. Ông giữ được sức khỏe dẻo dai, tinh thần minh mẫn và cảm hứng sáng tác âm nhạc một phần là nhờ tập Yoga.

Nhà ông cũng chính là nơi các văn nghệ sĩ như nhà văn Chu Lai, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Dương Thụ... tới để hàn huyên và nhờ ông hướng dẫn tập Yoga. Điều khiến nhạc sĩ Văn Ký luôn giữ được sức trẻ chính là vì ông đã nhìn thấu những quy luật của cuộc sống để không dễ bi quan, để luôn yêu đời và yêu người...

Theo Thảo Duyên (Văn nghệ công an)

nguyenty

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/nguoi-chap-canh-nhung-bai-ca-hy-vong-230849.html