Người châu Á bị ghẻ lạnh ở nhiều nơi trên thế giới vì virus Corona mới

Đến nay, virus Corona đã giết chết hàng trăm người và khiến hàng ngàn người nhiễm bệnh ở Trung Quốc. Dịch bệnh thật sự gây ra một cuộc hoảng loạn với cộng đồng châu Á ở Pháp và châu Âu… với việc bị phân biệt chủng tộc.

"Không phải vì tôi là người Trung Quốc mà tôi có virus", Yiyi, người Trung Quốc bán thuốc lá ở Paris, Pháp bức xúc nói. "Vài ngày trước, trên đường phố, tôi gặp một nhóm bạn trẻ hỏi tôi rằng tôi đã từng ăn dơi chưa... Tôi cảm thấy rất tệ".

"Chúng tôi không phải là virus!"

Yiyi, một phụ nữ Trung Quốc trẻ, kiếm kế sinh nhai ở Paris, gần như đã nổi loạn trên Facebook vì bị ghẻ lạnh những ngày gần đây. "Trên đường, mọi người hỏi 'bạn có bị nhiễm virus không' rồi tránh xa tôi ra, nhìn tôi với ánh mắt kỳ thị, hỏi tôi có ăn món này hay món kia không", Yiyi tỏ vẻ mệt mỏi, theo hãng tin La Chane Info.

"Những kẻ phân biệt chủng tộc nhân cơ hội tuyệt vời này để xúc phạm bạn". Trong nhóm cộng đồng châu Á, Yiyi đọc được những câu chuyện tương tự của những người như cô. "Không, người gốc Hoa không phải là người bệnh nhiễm virus corona! Chúng tôi không phải là virus!", phần thông tin của Hiệp hội Thanh niên Trung Quốc tại Pháp (AJCF) được cập nhật trên Facebook.

Người Hàn Quốc tuần hành kêu gọi cấm du khách Trung Quốc trước dịch virus corona.

Người Hàn Quốc tuần hành kêu gọi cấm du khách Trung Quốc trước dịch virus corona.

Cùng ngày, tờ nhật báo hàng đầu của Pháp, Courrier Picard, xuất bản ấn phẩm với nội dung nổi bật trên trang nhất "Chinese Coronavirus - Yellow Alert" (Virus corona Trung Quốc - Báo động Vàng). Bên trong là bài xã luận khác với tiêu đề "Nguy hiểm màu vàng?". AJCF lập tức phải đối vì các thuật ngữ "màu vàng" - màu da và "mối họa" - vốn chỉ người châu Á, ám chỉ việc phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng châu Á. Tờ Courrier Picard sau đó đã thừa nhận đặt tiêu đề không phù hợp, theo Europe 1.

"Chiều nay (31/1) lúc 15h, tôi đang đi xe bus tuyến số 8 đến Marguente thì trở thành nạn nhân phân biệt chủng tộc bởi một nhóm các cô gái trẻ người Pháp. Tôi nghe thấy họ cười cợt tôi", H.T, cô gái gốc châu Á viết trên Facebook tối cùng ngày. "Một cô gái nói 'gọi bệnh nhân Corona là gì nhỉ? Người Trung Quốc à? Trong khi một cô bạn nhắc 'nói nhỏ thôi không nó nghe thấy"'. H.T bị các cô gái Pháp chọc quê mái tóc và cười đùa phân biệt chủng tộc với người châu Á, đặc biệt là lấy virus Corona ra để đùa cợt. "Dù không phải người Trung Quốc, nhưng việc đó thật sự khiến tôi buồn".

Bài của H.T đăng kèm hình một cô gái cầm tấm bảng với dòng chữ JeNeSuisPasUnVirus (tôi không phải virus) như lời kêu cứu gửi đến mọi người. Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người lập tức chia sẻ những câu chuyện bị phân biệt tương tự trên đất Pháp. Họ cùng để hashtag JeNeSuisPasUnVirus và coronavirus. Bị lăng mạ, sỉ nhục là những cảm xúc chung của các nạn nhân như H.T.

Ở Australia, Andy Miao, 24 tuổi, một người Australia gốc Hoa vừa trở về từ Trung Quốc, nói hành khách trên phương tiện công cộng nhìn anh rất lạ nếu anh không đeo khẩu trang.

Người châu Á bị vạ lây

Kể từ khi dịch bệnh virus corona lan rộng, những người gốc Á ở Pháp bị cuốn vào vòng oan nghiệt của nạn "phân biệt chủng tộc chống Á" mới. Một lần nữa, họ bị bêu riếu trên mạng xã hội, xa lánh ở nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, lòng thù hận gia tăng vì con virus lạ ở bên kia lục địa. Từ khóa "Tôi không phải virus" xuất hiện hàng đầu trong mục tìm kiếm trên mạng xã hội.

Trang nhất các mặt báo Pháp cũng xuất hiện các tiêu đề cảnh báo cấp tốc vì virus Vũ Hán, như đổ thêm dầu vào lửa. Các nạn nhân gốc Á đồng loạt lên tiếng. Một trong những bài đăng gây chú ý nhất là của cô gái gốc Á ẩn danh, tên Facebook H.T kể trên. Sự bùng nổ của virus corona đang gây ra làn sóng dữ dội không kém ở nơi xa xôi khác là nước Pháp.

"Câu chuyện và hashtag của H.T được chia sẻ để tránh sự quấy rối và phân biệt chủng tộc với người châu Á", tài khoản Twitter của Amandine Gay, nhà nữ quyền kiêm đạo diễn, diễn viên người Pháp gốc Phi cho hay. Bài đăng của bà được hàng nghìn người chia sẻ lại. "Sáng nay, một đồng nghiệp mà tôi không biết là ai, đang trò chuyện với một đồng nghiệp khác mà tôi cũng không biết nốt thì tôi đi qua chỗ họ. Một người hét ầm lên 'Không phải anh nên đeo mặt nạ sao", một người bị sốc bởi cảnh phân biệt ngay nơi làm việc kể lại. "Anh không biết virus Trung Quốc à? Không xem tin tức à?".

Những đồng nghiệp bắt đầu phá lên cười. "Tôi thực sự không mong đợi điều đó". Pháp ghi nhận 3 trường hợp viêm phổi do virus Corona và đã cách ly các nạn nhân. Tuy nhiên, sự phân biệt vẫn lan rộng ra mọi ngả đường, nhà ga tàu điện ngầm và mạng xã hội. Hiệp hội Thanh niên Trung Quốc tại Pháp (AJCF) đã thành lập một hòm thư điện tử để thu thập lời trần tình của các nạn nhân bị kỳ thị.

"Chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư và đang tổng hợp để phác họa được mức độ nghiêm trọng của sự việc", Laetitia Chhiv, Chủ tịch của hiệp hội, cho biết. "Những tình huống khá giống nhau, chủ yếu xảy ra ở le-de-France (vùng thủ đô của nước Pháp, gồm 8 tỉnh trong đó có Paris). Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi về quấy rối trong trường học. Các nhà hàng châu Á hiện doanh thu đã giảm mạnh".

AJCF kêu gọi truyền thông Pháp "đưa mọi thứ về đúng vị trí của nó" và "chấm dứt mối quan tâm phi lý của mọi người". Trong diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa khuyến cáo công dân không đến Trung Quốc vì dịch bùng phát, chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

"Một phần của sự bài ngoại có thể bắt nguồn từ những căng thẳng, lo lắng về chính trị, kinh tế từ Trung Quốc, điều đó trộn lẫn với nỗi sợ trước mắt về lây bệnh", Kristi Govella, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii, nói với phóng viên của tờ New York Times.

Chạm ranh giới sự bài ngoại

Tuy nhiên, một số phản ứng gây tranh cãi khi ranh giới giữa nỗi sợ chính đáng hay sự kỳ thị không còn rõ ràng, chẳng hạn như tiệm bánh dán biển "không phục vụ khách Trung Quốc" hay khách sạn từ chối nhận khách Trung Quốc.

Chuỗi nhà hàng Kwong Wing ở Hong Kong tuyên bố trên Facebook ngày 29/1 rằng sẽ chỉ phục vụ khách nói tiếng Anh hoặc tiếng Quảng - ngôn ngữ chính của người Hong Kong, khác với tiếng Quan Thoại (phổ thông) ở đại lục. Các chuyên gia y tế cộng đồng hiểu được những phản ứng này.

"Theo cách nào đó, đây là phản ứng tự nhiên, muốn cách xa khỏi nguồn gốc có thể của bệnh, đặc biệt là khi chưa có thuốc chữa", Karen Eggleston, Giám đốc chương trình chính sách y tế châu Á của Đại học Stanford, nói.

Một số ví dụ khác trên mạng xã hội hay báo chí đã thực sự vượt quá giới hạn. Ở Australia, tờ Herald Sun của tỷ phú Murdoch đăng chữ "China Virus Panda-monium" trên hình khẩu trang màu đỏ (cách viết lái của từ "pandemonium" có nghĩa "đại dịch", nhưng mỉa mai từ "panda" tức loài gấu trúc biểu tượng của Trung Quốc). Hơn 46.000 người trong cộng đồng gốc Hoa ở Australia ký vào thư lên án cụm từ trên là "phân biệt chủng tộc không thể chấp nhận". Trên Twitter ở Nhật Bản, nơi mà tâm lý e ngại du khách Trung Quốc đã có từ lâu, cư dân mạng bình luận về người Trung Quốc bằng những từ như, "bất lịch sự" và "khủng bố sinh học".

Người Trung Quốc và châu Á nói chung cũng bị kỳ thị tương tự trong đợt dịch SARS năm 2003, nhưng hiện nay, số người Trung Quốc du lịch ra nước ngoài đã tăng lên rất nhiều. Việc Trung Quốc phong tỏa hàng chục triệu người với mong muốn kiềm chế virus cũng có thể đã khiến các chính quyền nước khác phản ứng mạnh hơn, theo Koichi Nakano, giáo sư chính trị ở Đại học Sophia ở Tokyo.

"Việc chính quyền Trung Quốc đối xử với người dân nước mình như vậy có thể theo cách nào đó đã khuyến khích người dân hay chính phủ các nước khác cũng mạnh tay tương tự", ông Nakano nói.

Bóng đá cũng bị hắt hủi

Sự xuất hiện của CLB Wuhan Zall tại Tây Ban Nha đang làm nhiều người ở Malaga lo ngại. Họ sợ các cầu thủ Trung Quốc có thể lây nhiễm bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. Hôm 29-1, những thành viên thuộc Wuhan Zall đáp chuyến bay tới Malaga để tập huấn. Đội bóng được HLV Jose Manuel Gonzalez Lopez dẫn dắt. Ông Jose Lopez vốn là dân Andalusia (Tây Ban Nha). Để tới Malaga, CLB Wuhan Zall khởi hành từ Thượng Hải (Trung Quốc) và quá cảnh ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Theo kế hoạch, toàn bộ cầu thủ và ban huấn luyện sẽ có mặt ở Tây Ban Nha để tập huấn trong nhiều tuần. Theo hình ảnh được phóng viên Reuters ghi nhận tại sân bay ở Malaga, các cầu thủ Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Tây Ban Nha. Họ không trang bị bất cứ dụng cụ bảo hộ bảo vệ hô hấp nào. Hiện chưa cầu thủ nào được phát hiện có những triệu chứng của bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. Reuters cho biết CLB Wuhan Zall trước đó tập luyện ở Quảng Châu, một vùng cách rất xa Vũ Hán.

Vì vậy, họ không lo ngại bị nhiễm virus corona, vốn đang bùng phát ở quốc gia tỷ dân. Tuy vậy, sự xuất hiện của những cầu thủ Trung Quốc vẫn dấy lên nỗi lo cho người hâm mộ ở Malaga. Một người bình luận: "Đúng là họ đã được kiểm tra và xuất hiện với vẻ ngoài rất khỏe mạnh. Tuy nhiên, ai mà biết chuyện gì có thể xảy ra?".

Du khách Trung Quốc tại Thái Lan bị buộc phải đeo khẩu trang.

Tài khoản khác đòi chính quyền nên đóng cửa quyền nhập cảnh với CLB Wuhan Zall: "Chuyến đi của các cầu thủ nên bị hủy bỏ. Để đội bóng này vào Malaga là điều điên rồ". Bình luận trên tiếp tục nhận được sự hưởng ứng: "Làm thế quái nào mà đội bóng lại được phép vào Malaga". Để trấn an người dân, HLV Jose Lopez phải lên tiếng. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha nói: "Tôi hiểu sự lo ngại của người dân. Tuy nhiên, cầu thủ của tôi không mang bệnh truyền nhiễm. Họ là những VĐV đã tới đây hồi năm ngoái và muốn trở lại để tập huấn".

Theo AS, chính quyền Tây Ban Nha triển khai đơn vị đặc biệt theo dõi sát những cầu thủ của Wuhan Zall. Còn chính quyền tại Malaga cũng cam đoan không có trường hợp nào bị phát hiện nhiễm virus corona, sau khi bộ phận y tế tiến hành kiểm tra sức khỏe các thành viên của đội bóng Trung Quốc.

Đội tuyển bóng đá nữ Trung Quốc đã có mặt tại Australia để chuẩn bị cho vòng loại Olympic Tokyo, nhưng được yêu cầu ở lại phòng khách sạn cho đến ngày 5-2. Ngày 29-1, tuyển nữ Trung Quốc đã tới Brisbane, Australia để tập luyện và chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 Olympic 2020. Tuy nhiên, theo BBC, đội bóng này đang bị cách ly do lo ngại về sự lây lan của virus corona.

Trường Vân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cuoc-song-muon-mau-goc/nguoi-chau-a-bi-ghe-lanh-o-nhieu-noi-tren-the-gioi-vi-virus-corona-moi-581118/