Người 'chép sử' Đà Lạt bằng hình ảnh qua đời ở tuổi 92

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông được ví là người 'chép sử' Đà Lạt bằng hình ảnh, đã qua đời ở tuổi 92.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông phát biểu tại triển lãm “Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm” năm 2020.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông phát biểu tại triển lãm “Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm” năm 2020.

Sáng 1/3, gia đình thông tin, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông qua đời tối 28/2, tại nhà riêng ở phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sau thời gian điều trị tai biến.

Ông Đặng Văn Thông sinh năm 1932, tại Nam Định. Năm 1940, ông theo gia đình vào sống ở vùng ngoại ô Trại Mát, thành phố Đà Lạt.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông giới thiệu những tác phẩm của mình với tác giả bài viết (ảnh chụp năm 2019).

Khoảng năm 17 tuổi, ông bén duyên với nhiếp ảnh, khi được phụ việc cho hiệu ảnh Dalat Photo tại khu Hòa Bình-Đà Lạt. Dần dần, ông được học kỹ thuật chụp ảnh và giao máy để chụp cho khách. Ông từng kể, chiếc máy ảnh đầu tiên ông được sử dụng mang nhãn hiệu Lumíere của Pháp. Sau những giờ làm việc ở hiệu ảnh, ông thường rong ruổi trên những góc phố Đà Lạt để ghi lại những khoảnh khắc đẹp, nhất là hình ảnh nhịp điệu phố phường và phong cảnh.

Có nhiều bức ảnh tuổi đời hơn 60 năm, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông vẫn giữ được phim và ảnh gốc, nên khi cần vẫn có thể in ra những bức ảnh chất lượng cao. Cách nay 3 năm, lần dở những tấm hình Đà Lạt đen trắng tại nhà riêng, ông bảo: “Để lưu trữ được phim và ảnh lâu dài, mỗi tấm phim, bức ảnh sau khi chụp, tôi đều ghi chép thời gian, địa điểm, rồi bảo quản cẩn thận, chống ẩm. Khi có máy tính thì sao chụp và chuyển lưu trữ”.

Chợ Đà Lạt (1952). (Ảnh: ĐẶNG VĂN THÔNG)

Để có những tác phẩm nhiếp ảnh “bắt” được thần thái Đà Lạt, ông từng “thọ giáo” các nhiếp ảnh gia nổi tiếng thời ấy, như: Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Mạnh Đan và được các nhiếp ảnh đàn anh nổi tiếng Trần Văn Châu, Nguyễn Bá Mậu chia sẻ về nghề.

Gia tài hình ảnh Đà Lạt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông rất lớn, mỗi tấm hình ông chụp là một vẻ đẹp “điển hình” của Đà Lạt, qua đó, người xem có thể cảm được tình yêu với vùng đất, con người và sự tài hoa của người nghệ sĩ gửi gắm vào tác phẩm. Hiện, rất nhiều gia đình, tiệm cà phê, nhà hàng nổi tiếng tại Đà Lạt vẫn treo những tác phẩm nhiếp ảnh của ông, như để lưu nhớ những giai đoạn phát triển của thành phố cao nguyên thơ mộng.

Trung tâm Đà Lạt (1952). (Ảnh: ĐẶNG VĂN THÔNG)

Hơn 70 cầm máy, ông miệt mài, tỉ mẩn làm người “chép sử” Đà Lạt bằng những hình ảnh chân thực, sống động. Trong hàng ngàn bức ảnh, ông đã chắt lọc được hơn 50 tác phẩm “điển hình” Đà Lạt xưa để “ai cần thì rửa”, như tác phẩm: “Chợ Đà Lạt” (1952), “Chiều Đà Lạt” (1955), “Đà Lạt xưa 2” (1952), “Cam Ly” (1952), “Hồ Mê Linh” (1949), “Hồ Xuân Hương” (1952)...

Hồ Xuân Hương - Đà Lạt (1952). (Ảnh: ĐẶNG VĂN THÔNG)

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. Những năm khi ở tuổi ngoại bát tuần, ông vẫn thường ôm máy dạo quanh Đà Lạt để “bắt” những khoảnh khắc đẹp khi phố núi chuyển mùa.

Ông đã hòa vào đất trời cao nguyên. Song, những tác phẩm mang tên Đặng Văn Thông vẫn sống mãi với những người yêu mến Đà Lạt.

MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-chep-su-da-lat-bang-hinh-anh-qua-doi-o-tuoi-92-post741003.html