Người chiến binh quả cảm

Trong 2 ngày 17 và 18-12, vở cải lương Chiến binh - vở đoạt giải nhì hạng mục sân khấu Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh lần thứ 5 (được trao vào tháng 4-2019) đã có dịp gặp lại khán giả. Một lần nữa hình tượng người chiến binh quả cảm đã gây xúc động với người xem.

Một cảnh trong vở Chiến binh. Ảnh: Trí Trọng

* Đã là chiến binh, không thể lùi bước

Chiến binh (tác giả: Chu Lai, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) là vở diễn ngay khi ra mắt đã chinh phục được khán giả bởi cách xây dựng hình ảnh người lính khá mới mẻ với cái nhìn đa chiều.

Đó là Sáu Thành, một chàng trai có gia đình bị mất hết vì bom đạn chiến tranh. Anh xung phong vào Nam tham gia cuộc chiến để mong góp phần kết thúc những tang thương trên mảnh đất quê hương. Sáu Thành thông minh, quả cảm, giỏi phán đoán thế trận, lập được rất nhiều công nhưng không màng địa vị. Trong đơn vị, Sáu Thành như một con ngựa bất kham, bộc trực và mạnh dạn nói thẳng với những việc mà anh thấy không hợp lý, ngay cả chủ trương ở trên đưa xuống, sẵn sàng cãi tay đôi với thủ trưởng và chỉ phục nếu thủ trưởng giỏi hơn mình. Chính vì vậy nên Sáu Thành thường bị xếp vào thành phần ngạo mạn, vô tổ chức.

Ở phía đối nghịch là Bảy Tân. Năng lực kém nhưng giỏi nịnh hót, luồn lách. Những gì cản đường tiến thân, Bảy Tân sẵn sàng sắp đặt, tính kế mà không xót đến xương máu của anh em, đồng đội.

Hai con người ấy như hai mảng màu khác biệt đã đi qua cuộc chiến. Định mệnh khiến họ cứ phải đụng độ nhau cho đến thời bình. Khi mà Bảy Tân giờ đường hoàng vị trí phó chủ tịch tỉnh, còn Sáu Thành lầm lũi ở một lâm trường, cùng các cựu chiến binh xây dựng nên những cánh rừng xanh. Rồi vì những lợi ích, Bảy Tân - người đồng đội năm nào đã tìm mọi cách để đẩy Sáu Thành ra trước vành móng ngựa… Tưởng đâu hòa bình thì người lính sẽ không phải đối diện với cuộc chiến nào. Nhưng chiến tranh có ác liệt của chiến tranh, còn cuộc chiến thời bình, đôi khi khốc liệt và sâu độc hơn bởi được che đậy vỏ bọc mà những người nắm trong tay quyền lực ngang nhiên ngụy tạo. Và Sáu Thành với khí chất của một người chiến binh đã chứng tỏ: đã là chiến binh, không thể lùi bước trong bất cứ cuộc chiến nào!

* Lan tỏa vẻ đẹp người lính

Khi chuyển thể cải lương kịch bản này, soạn giả Hoàng Song Việt bày tỏ sự thích thú vì hình ảnh nhân vật, các câu chuyện đều rất thật. Hình ảnh người lính không được tô vẽ bằng những mỹ từ. Vẻ đẹp, sự khẳng khái, khí chất của người lính toát ra một cách tự nhiên từ những hành động, cách hành xử, từng lời nói rất quang minh chính đại của họ. Các nhân vật không được tô hồng theo kiểu ta tốt, địch xấu mà ở môi trường nào cũng vậy, cũng có người chính trực và kẻ cơ hội.

Ra mắt từ năm 2015, đến nay Chiến binh vẫn chưa có nhiều suất diễn để phục vụ công chúng. Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Một vở diễn tốt, được đầu tư nghiêm túc như Chiến binh mà không có nhiều cơ hội được công chúng biết đến thì thật đáng tiếc. Chúng tôi cũng đang tính toán, làm đề xuất có được sự hỗ trợ để Chiến binh có thêm nhiều suất diễn phục vụ công chúng, lan tỏa hình ảnh đẹp của người lính đến với mọi người”.

Với bàn tay đạo diễn của NSND Trần Ngọc Giàu, dù là vở diễn về đề tài cách mạng nhưng không hề khô cứng mà rất kịch tính, hấp dẫn. Cảnh trí, ánh sáng được xử lý khéo léo để tạo nên những cảnh rừng khuya tuyệt đẹp. Chiến tranh trong vở diễn khốc liệt nhưng được cân bằng trong nhiều trạng thái, lúc căng thẳng với những cuộc tranh cãi nảy lửa để tìm ra giải pháp tốt nhất cho một cuộc hành quân, nhưng có lúc lại rất xúc động với tình đồng đội, hoặc có khi lãng mạn với những rung động dại khờ của Út Vân dành cho Sáu Thành.

Điểm cộng của Chiến binh là sự góp mặt của những diễn viên giỏi ca diễn nên khắc họa tốt tính cách của từng nhân vật. Đó là NSƯT Trọng Phúc với hình ảnh Sáu Thành bộc trực, thông minh, có phần lạnh lùng nhưng bên trong là một trái tim ấm áp, chính nghĩa. Là một Quế Trân ngày càng chín muồi khi vào vai Út Vân ở hai giai đoạn, lúc là cô gái 17 tuổi với những rung động tinh khôi dành cho Sáu Thành và khi chững chạc ở vai trò cán bộ cao cấp từ Trung ương về để bảo vệ cho đồng đội. NSƯT Lê Tứ có thêm cơ hội để khám phá bản thân khi vào vai phản diện Bảy Tân. NSƯT Tấn Giao thì quá phù hợp khi đảm nhiệm người đội trưởng Hai Lục Bình được đồng đội yêu thương vì sự cương trực…

Với Chiến binh, một lần nữa NSND Trần Ngọc Giàu lại chứng tỏ, kịch bản cách mạng nếu có sự chăm chút, đào sâu thì hình ảnh người lính sẽ được truyền tải một cách chân thực, sống động đến thế hệ mai sau. Còn nhiều, nhiều lắm những câu chuyện, những con người đẹp của thời chiến cần được xây dựng một cách tinh tế để ở thế hệ nào, thời đại nào người xem cũng sẽ đón nhận và thầm cảm phục một cách hết sức tự nhiên. Và như vậy vẻ đẹp thực sự của người lính, những người chiến binh sẽ được lan tỏa, bởi họ xứng đáng được người sau trân trọng, ghi nhớ vì máu xương đã hy sinh cho Tổ quốc.

Trí Trọng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201912/nguoi-chien-binh-qua-cam-2979620/