Người chinh phục 'mênh mông biển học'

Với tinh thần ham học hỏi, ông Đào Hữu Thảnh đã tự mình học chữ Hán và là một trong số ít người ở Hải Dương có thể dịch chữ Hán trên bia.

Dù tuổi cao nhưng hằng ngày ông Đào Hữu Thảnh vẫn ham đọc sách để mở mang hiểu biết và duy trì trí nhớ (ảnh trái). Ông Thảnh gửi gắm nhiều triết lý bổ ích về cuộc sống trong cuốn "Mênh mông biển học" (ảnh phải)

Dù tuổi cao nhưng hằng ngày ông Đào Hữu Thảnh vẫn ham đọc sách để mở mang hiểu biết và duy trì trí nhớ (ảnh trái). Ông Thảnh gửi gắm nhiều triết lý bổ ích về cuộc sống trong cuốn "Mênh mông biển học" (ảnh phải)

Trong ngôi nhà nhỏ của ông Đào Hữu Thảnh (sinh năm 1935), ở phố Nguyễn Chế Nghĩa (TP Hải Dương) luôn có rất nhiều sách. Sách được cất cẩn thận trong những chiếc tủ cũ kỹ nhuốm màu thời gian.

Lấy đạo học làm trọng

Gia tài sách của ông Thảnh gồm nhiều loại, từ sách chữ Hán, sách lịch sử, đến sách về đạo đức, lễ nghĩa, văn hóa, phong tục tập quán... của những tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước. Tôi ngỏ ý muốn mượn cuốn "Thi nhân Việt Nam", ông Thảnh chần chừ. Ông bảo, nhiều người mượn sách của ông rồi không trả lại. Ông không giận người mượn mà chỉ tiếc vì sau đó ông không thể nào tìm được cuốn sách ấy nữa. Chỉ những người đam mê với sách mới hiểu được sự tiếc nuối của ông.

Ông Thảnh sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở huyện Kim Động (Hưng Yên), cha là giáo viên trường huyện. Những cuốn sách cha mang về đã giúp ông mở mang hiểu biết, tìm ra giá trị của cuộc sống. Ông bảo, 3 cuốn sách đã theo ông suốt những năm tháng tuổi thơ và giúp ông có nhiều thành công trong cuộc đời, đó là: Quả dưa đỏ, Trùng dương quái kiệt và Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang. Nhân vật chính của những cuốn sách này đều có điểm chung là dám đương đầu với khó khăn thử thách, nỗ lực hết mình để vượt qua gian khổ và cuối cùng đã giành "quả ngọt".

Thời điểm cha bận công tác xa nhà, các anh em trong nhà tự dạy bảo nhau. Với tinh thần hiếu học, các anh em ông đều thành đạt. Ông có một người anh làm tiến sĩ khoa học ngành nông nghiệp, một người em là phó giáo sư khoa học - giáo dục. Bản thân ông từng là Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh Hải Hưng. Năm 1993, ông về hưu. Ông Thảnh đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 2, huy chương "Vì sự nghiệp công đoàn" và nhiều bằng khen, giấy khen trong những năm công tác ở nhiều cương vị khác nhau.

Vào các năm 2015 và 2017, sau thời gian dày công nghiên cứu, sáng tạo, sưu tầm, ông đã cho ra mắt 2 tập sách "Mênh mông biển học". Trong đó, tập 1 gồm ký và thơ, tập 2 gồm chuyên khảo và thơ. Trong lời nói đầu của các tập sách, ông Thảnh viết: "... tôi đã ý thức được rằng: biển học là mênh mông, tri thức của loài người là vô tận, học đến đâu biết đến đấy, học phải đi đôi với hành thì học mới có ý nghĩa". Đau đáu với sự học, ông luôn dạy con cháu phải học hành nên người, làm những việc có ích cho xã hội. Ông Thảnh tự hào kể về người cháu gái đang là học sinh xuất sắc tại Đức. Năm vừa qua, cháu gái ông là 1 trong 2 học sinh giỏi của trường được cử về thực tế tại tỉnh Hòa Bình để tích lũy kinh nghiệm, giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn...

Đam mê với Hán nôm

Với suy nghĩ lấy việc học làm đầu, ở bất kỳ thời điểm nào, ông Thảnh cũng rất coi trọng việc học. Ông luôn luôn có cuốn sổ ghi chép lại những vấn đề cần phải nhớ, đặc biệt là những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Sau khi nghỉ hưu, ông được người làng Động Xá (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động) - nơi ông sinh ra, tín nhiệm viết sách về lịch sử của làng. Ông đã mày mò tìm hiểu và phát hiện ra ở đình làng có nhiều tư liệu cổ bằng chữ Hán. Cũng bởi ham học nên ông quyết tâm học chữ Hán để có thể tự mình dịch những tư liệu này. Ông mua sách về tự học. Bất kể ngày hay đêm, cứ có thời gian rảnh rỗi là ông lại học. Chưa đầy 2 năm sau, ông đã dịch được toàn bộ số tài liệu bằng chữ Hán ấy và hoàn thiện cuốn "Ký sự làng Động Xá" được nhân dân trong làng đánh giá cao.

Năm 1998, ông Thảnh tham gia Hội Hán nôm tỉnh Hải Dương. Ông Thảnh quan niệm rằng, Hán nôm từng là ngôn ngữ của nước ta, nếu không hiểu hết thì không thể khai thác được, đặc biệt là những tài liệu mang giá trị lịch sử của đất nước, dòng tộc, gia đình. Bằng vốn kiến thức chữ Hán tự học của mình, ông Thảnh đã dịch hơn 150 bài thơ Việt cổ và thơ Đường bằng chữ Hán. Ông cũng tự sáng tác một số bài thơ bằng chữ Hán. Nhiều tác phẩm của ông được bạn bè trong Hội Hán nôm tỉnh Hải Dương ghi nhận.

Hiện ông Thảnh là một trong số ít người ở Hải Dương có thể dịch chữ Hán trên bia. Ông Thảnh từng dịch bia giúp một gia đình ở huyện Thanh Hà hiểu được nguồn gốc của mình có liên quan đến một gia đình ở huyện Nam Sách. Từ đó, hai gia đình đã kết nối tình thân dù bị thất lạc từ nhiều thế hệ trước. Hay gần 10 năm trước, cũng nhờ ông Thảnh dịch bia mà một chi tộc ở huyện Cẩm Giàng đã biết được nguồn gốc của mình, trong đó có rất nhiều người từng làm quan trong triều đình...

Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Hán nôm tỉnh Hải Dương cho biết: "Ông Thảnh rất chịu khó. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn ham học hỏi, dành nhiều thời gian nghiên cứu về Hán nôm. Ông là một trong những hội viên rất tích cực của Hội Hán nôm tỉnh Hải Dương".

Dù tuổi đã cao nhưng ông Thảnh vẫn còn khá minh mẫn. Hằng ngày, ông thường xuyên đọc sách vừa để mở mang trí tuệ vừa để duy trì trí nhớ. Ông vẫn sinh hoạt đều đặn với các thành viên Hội Hán nôm tỉnh Hải Dương. Đặc biệt, khi có người cần tới ông vẫn sẵn sàng giúp đỡ.

Tấm gương ham học và tinh thần tự học của ông Thảnh thật đáng noi theo!

THANH NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/khoa-hoc---giao-duc/nguoi-chinh-phuc-menh-mong-bien-hoc-235391