Người chồng kiên trì thuyết phục vợ rời Giáo hội Thống nhất

Sau một năm rưỡi ông Akira tìm cách nói chuyện, đồng cảm và kiên trì thuyết phục vợ, bà Kyoko đã rời Giáo hội Thống nhất.

Giáo hội Thống Nhất trở thành tâm điểm chú ý sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát đầu tháng 7. Nghi phạm Tetsuya Yamagami (41 tuổi) cho biết tấn công ông Abe bởi nghĩ cựu Thủ tướng liên quan đến nhóm tôn giáo này. Sau đó, rất nhiều người tìm đến các nhóm chuyên giúp đỡ các tín đồ của giáo hội và gia đình của họ để tìm sự hỗ trợ. Tuy nhiên theo các nhà hoạt động xã hội, việc thuyết phục các tín đồ rời Giáo hội Thống Nhất vô cùng gian nan, họ phải đối mặt một nhiệm vụ khó khăn như "phải đánh bại Chúa".

Câu chuyện của Akira (64 tuổi) và vợ Kyoko (67 tuổi) - một cựu tín đồ Giáo hội Thống Nhất - là một ví dụ về hành trình gian nan trong việc giúp Kyoko rời nhóm tôn giáo này. Chia sẻ với Kyodo, Kyoko và Akira cho biết họ biết đến giáo hội vào tháng 7/1997, khi một người mẹ ở trường của con trai họ mời Kyoko đến một buổi hội thảo về gia đình. Buổi hội thảo được tổ chức tại một chung cư, có khoảng 30 người tham dự.

Một cặp vợ chồng đề nghị giấu mặt nhận tư vấn của nhóm giúp đỡ các nạn nhân Nhà thờ Thống nhất vào ngày 30/7/2022. Ảnh: Kyodo

Một cặp vợ chồng đề nghị giấu mặt nhận tư vấn của nhóm giúp đỡ các nạn nhân Nhà thờ Thống nhất vào ngày 30/7/2022. Ảnh: Kyodo

Ngoài hội thảo, Kyoko cũng thích nói chuyện với người phụ nữ trên về những vấn đề khác, bao gồm mối quan hệ của bà với chồng, những lo lắng về việc nuôi dạy con trai và về những người thân. Khi đó, Kyoko cảm giác như mình đã tìm thấy một không gian an toàn, nơi bà có thể nói ra những điều không thể thảo luận ở nhà và được lắng nghe.

Khi tham gia nhiều cuộc tụ tập hơn, Kyoko bắt đầu hỏi những người tại đó về ý nghĩa những việc xảy ra trong cuộc đời mình. Mỗi lần nhận được lời giải thích về những gì mình đã trải nghiệm, Kyoko đều ra về với cảm giác hài lòng.

Kyoko bắt đầu đi sinh hoạt nhóm này hàng tuần. Vào tháng 11/1997, nhóm này tiết lộ với Kyoko rằng họ là một phần của Giáo hội Thống nhất nhưng bà không hề tỏ thái độ phản đối. Đó cũng là khoảng thời gian Akira nhận ra vợ mình đã trở thành tín đồ của nhóm tôn giáo này. Akira đã nói chuyện với vợ sau khi tìm thấy một cuốn sách do giáo hội xuất bản trong nhà họ.

"Lúc đó, tôi không thể hiểu được sự lo lắng của ông ấy và chúng tôi đã cãi nhau hàng ngày", Kyoko kể lại.

Akira cuối cùng quyết định thay đổi cách nói chuyện và bắt đầu cố gắng tìm cách để đồng cảm với vợ. Ông tham dự các buổi họp mặt dành cho những người đã rời Giáo hội Thống nhất và gia đình họ để tìm cách khuyên vợ rời nhóm tôn giáo này.

Dù Kyoko bám vào niềm tin rằng việc rời giáo hội sẽ dẫn đến những điều khủng khiếp cho gia đình, chồng bà vẫn không từ bỏ. Cuối cùng, dưới sự kiên trì bền bỉ của chồng, bà rời giáo hội vào tháng 6/1999, khoảng một năm rưỡi sau khi chồng lần đầu tiên thuyết phục bà.

Tuy nhiên, bà Kyoko cho biết chồng không phải người duy nhất khiến bà quyết định rời giáo hội. Một cựu tín đồ của nhóm tôn giáo này từng nói với bà rằng "tôi rất vui vì đã rời khỏi nhóm" khiến bà dù sợ hãi về ý tưởng này, vẫn thầm nghĩ "mọi chuyện vẫn sẽ ổn nếu mình rời đi".

Từ năm 2003, Akira cùng những người ông quen biết thông qua các hoạt động giúp những những gia đình của tín đồ giáo hội thành lập một nhóm hỗ trợ họ. "Cách làm của nhà thờ là giả vờ quan tâm để có thể sử dụng những rắc rối của tín đồ và kiểm soát họ. Để tìm lại người thân lạc lối, điều quan trọng nhất là không gạt bỏ họ và tin tưởng vào bản thân", ông Akira nói.

Ông Tomihiro Tanaka, Chủ tịch Giáo hội Thống nhất chi nhánh Nhật Bản, trong cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 11/7. Ảnh: Mainichi

Giáo hội Thống nhất được mục sư Sun Myung Moon thành lập năm 1954, với giáo lý dựa trên Kinh thánh nhưng với cách diễn giải mới. Trong nhiều thập kỷ, Giáo hội Thống nhất trở nên nổi tiếng với những đám cưới tập thể hoành tráng, thường được tổ chức tại các sân vận động khổng lồ với hàng nghìn cặp tham gia.

Theo Mạng lưới Luật sư quốc gia chống kinh doanh tâm linh Nhật Bản, giáo hội này yêu cầu các tín đồ quyên góp tiền, mua vật phẩm tâm linh để giải cứu cha mẹ, con cái đã khuất của họ hoặc những người khác được cho là đang đau khổ trong thế giới tâm linh. Nghi phạm Yamagami cũng nói rằng mẹ anh đã quyên góp khoản tiền lớn cho giáo hội, khiến gia đình phá sản nên đã ôm mối hận với nhóm tôn giáo này.

Sơn Nam (Theo Kyodo)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-chong-kien-tri-thuyet-phuc-vo-roi-giao-hoi-thong-nhat-172220809083740154.htm