Người chứng kiến kể lại

Sau khi bất ngờ quay đầu xe ô tô khiến một thanh niên điều khiển xe máy đi cùng chiều từ phía sau không tránh được nên đâm phải, dẫn tới gãy 1/3 xương đùi phải. Thay vì đưa nạn nhân đi cấp cứu, ông Cao Thế Trường Thành, người điều khiển xe ô tô BKS: 30F- 601.04 lại để nạn nhân nằm trên mặt đường nhựa bỏng rát, giữa trưa hè nắng nóng.

Không gọi xe cấp cứu!

Như PL&XH đề cập ở số báo trước, khoảng 11g30 ngày 8-7-2020 tại chân cầu Ràm, xã Nghĩa An xảy ra vụ tai nạn giữa ô tô BKS 30F-601.04 do ông Cao Thế Trường Thành, ở 156 Nguyễn Lương Bằng, Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội điều khiển với xe máy BKS 34B2.060.31 do anh Vũ Văn Tiến, sống tại xã Vạn Phúc, Ninh Giang, Hải Dương điều khiển đi cùng chiều dẫn tới việc anh Tiến bị gãy xương đùi phải, điều trị tại BV Việt Đức, Hà Nội. Xe ô tô do ông Thành điều khiển đứng tên anh trai ruột.

Ông Trịnh Viết Minh, một nhân chứng kể lại: “Trưa ngày 8-7, tôi lái xe tải cùng hai phụ xe khác lưu thông theo hướng từ cầu Ràm về trung tâm TP Hải Dương. Qua cầu được một đoạn, chúng tôi thấy có một vụ tai nạn. Nằm im trên mặt đường là một người thanh niên, phần mặt được che bởi một chiếc ô. Cạnh đó là hình ảnh một chiếc xe ô tô CRV màu trắng đang quay ngang đường, hộc bánh trước, phần bên lái của xe ô tô đang bị một chiếc xe máy màu đỏ lưu thông theo hướng từ cầu Ràm về trung tâm TP Hải Dương đâm vào. Hai người phụ xe của tôi cho rằng người tai nạn đã chết. Tôi không đồng ý nhận định ấy vì thấy người đó vẫn một chân co, một chân duỗi.

Tôi cho xe đỗ gọn vào lề đường và cùng hai phụ xe xuống. Thời điểm này là giữa trưa, khoảng 12g15 phút, nhiệt độ chắc phải trên 40 độ C, còn mặt đường nhựa nơi anh thanh niên kia đang nằm có lẽ còn nóng hơn. Không có ai đứng cạnh người thanh niên này, còn người dân quanh đó vừa xem, vừa tránh nắng dưới bóng cây. Trong số này có một nhóm 3 người gồm một nam, hai nữ.

Tôi chưa xác định được ai là chủ xe ô tô nên bực mình nói to: “Chúng mày không cho con người ta đi viện thì phải cho vào bóng rợp chứ”. Lúc này, một phụ nữ mặc áo đen, dáng cao trong nhóm 3 người kia chủ động nói: “Xe của em. Em lái”. Tôi yêu cầu những người này phải cho người bị nạn đi viện nếu không thì phải cho vào trong bóng râm. Thấy vậy, người đàn ông trong nhóm nói: “Thằng này (ý nói người bị tai nạn) ăn vạ. Em bảo nó vào bóng râm nhưng nó không vào”. Tôi bực mình: “Nó bị gãy chân thì vào làm sao được”.

Thời điểm này cả ba người nói trên không gọi điện báo CA, không gọi xe cấp cứu và không tìm cách dừng các xe lưu thông qua chỗ này để nhờ đưa người thanh niên kia đi viện (sau này tôi mới biết cậu thanh niên kia tên Tiến, sống ở xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang).

Thấy không có ai gọi xe nên tôi chủ động ra chặn một số xe ô tô chạy ngang qua với mục đích nhờ đưa người bị nạn đi cấp cứu. Phải đến chiếc xe ô tô thứ ba, chủ xe mới đồng ý dừng xe, đưa thanh niên kia đi cấp cứu. Tôi cùng một phụ xe, một người dân nâng người bị nạn lên xe. Thấy chân phải của anh này vẫn thõng xuống mặt đường, tôi cáu quá gắt: “Người ta gãy chân thế này mà mày bảo ăn vạ”. Người đàn ông trong nhóm kia lúc ấy mới chạy ra đỡ chân người bị nạn, cùng đưa lên xe. Tôi đoán anh này chính là người lái chiếc xe ô tô gây tai nạn chứ không phải người phụ nữ vừa nhận mình lái xe.

Tôi yêu cầu nhóm 3 người này phải có một người đi cùng xe để đưa người bị nạn tới BV huyện Ninh Giang. Một người phụ nữ tóc ngắn, dáng người thấp đã lên xe đi cùng. Tại hiện trường, khi thấy người đàn ông trong nhóm người trên có ý định rút chiếc xe máy ra khỏi hốc bánh ô tô, tôi ngăn lại. Anh ta thanh minh: “Em rút chìa khóa xe máy ra để xe không nổ máy”. Thực tế, xe máy đã tắt máy từ lâu. Tiến đến tôi, anh này mời tôi hút thuốc và nói: “Em tưởng nó ăn vạ”.

Sau khi cấp cứu tại BV huyện Ninh Giang, cùng ngày 8-7, anh Tiến được chuyển tới BV Việt Đức. Trích sao bệnh án của BV cho thấy, anh bị gãy 1/3 giữa xương đùi phải.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ông Minh nhờ người nhà gọi điện báo vụ TNGT cho CA huyện. Một số nhân chứng ở hiện trường cũng chủ động gọi điện báo cho CA xã Nghĩa An.

Ông Trịnh Viết Minh (bên phải) người chủ động gọi xe đưa anh Vũ Văn Tiến (bên trái) đi cấp cứu. Ảnh: G.B

Cần làm rõ dấu hiệu không đưa người bị nạn đi cấp cứu

Làm việc với PV, ông Cao Thế Trường Thành, người điều khiển xe ô tô BKS: 30F- 601.04 kể lại, đoàn của ông gồm 5 người: Ông Thành, vợ, em vợ và hai người bạn của em vợ. Sau khi lễ xong ở đền Quan Tuần Tranh, thuộc huyện Ninh Giang, cả đoàn có ý định đi lễ tiếp ở đền Mẫu, thuộc tỉnh Hưng Yên. Do không thuộc đường nên khi đi qua cầu Ràm theo hướng về trung tâm TP Hải Dương, ông Thành cho xe đỗ vào lề đường tìm lối rẽ. Khi phát hiện có lối rẽ bên tay trái, ông Thành điều khiển xe từ lề đường ra, đúng lúc xe quay ngang đường như chiếc barie thì phát hiện thấy xe anh Tiến đi tới, sau đó dẫn đến va chạm giữa hai xe.

Ông Cao Thế Trường Thành công nhận mình không gọi CA, không gọi xe cứu thương vì không biết số? Trên thực tế, số điện thoại gọi xe cấp cứu 115 và CA 113 rất thông dụng nhưng vì sao một người có thâm niên trên 30 năm lái xe như ông Thành từng nhận lại không biết những số này?

Việc ông Thành cho rằng mình đánh xe gọn vào lề đường, sau đó mới quay đầu xe cần xem lại, bởi trong biên bản làm việc của CA huyện Ninh Giang chỉ rõ, ông Thành “điều khiển xe ô tô BKS 30F- 601.04 bất ngờ chuyển hướng, quay đầu xe gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác”. Clip do chính ông Thành ghi lại và cung cấp cho PV thể hiện xe ô tô không xi nhan. Ông Thành chỉ quan tâm đến xe mình có hỏng hóc gì không và không quan tâm đến anh Tiến là người bị tai nạn đang đau đớn nằm dưới mặt đường.

Từ lúc bị nạn đến lúc được đưa đi cấp cứu anh Tiến phải nằm trên mặt đường nhựa bỏng rát, dưới cái nóng trên 40 độ C gần 1 giờ đồng hồ. Nếu không có sự giúp đỡ của ông Minh, có lẽ ngoài thương tích gãy 1/3 xương đùi anh Tiến phải gánh thêm thương tích khác.

Luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: “Việc ông Thành không đưa người bị nạn đi cấp cứu có dấu hiệu của tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ, tại điểm c, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:... Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-chung-kien-ke-lai-214488.html